• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những người làm nên vẻ đẹp ở "Miền thương"

Văn hoá 19/12/2024 13:27

(Tổ Quốc) - Triển lãm có tên Miền thương, với ý tưởng tình yêu/ tình thương là một miền ấp áp, là miền rất gần gũi với mọi tầng lớp xã hội trong cuộc đời này.

Năm nay mùa đông đến muộn, nhưng cái lạnh thì sớm và rất gay gắt làm cho người người bỗng thấy thèm một chút ấm áp gần gũi, 4 họa sĩ kể tên dưới đây cũng không ngoại lệ. Đó là Tiến sĩ Lê Thiếu Ngân, phu nhân Đại sứ Nguyễn Phú Bình; đó là họa sĩ Nguyễn Thị Huyền, người tốt nghiệp ĐH Mỹ Thuật Hà Nội (Yết Kiêu); là nhà văn Trần Thị Trường (3 họa sĩ cùng sử dụng chất liệu sơn dầu) và người thứ 4, Nguyễn Bá Thanh chuyên sử dụng chất liệu màu nước. Trong một buổi trà trưa bún cá bốn họa sĩ họp nhau bên lửa trong không gian nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Hải Kiên (chồng của họa sĩ Nguyễn Thị Huyền, thầy dạy của 2 nữ họa sĩ Trần thị Trường và Lê Thiếu Ngân) bàn nhau mở một triển lãm có tên Miền thương, với ý tưởng tình yêu/ tình thương là một miền ấp áp, là miền rất gần gũi với mọi tầng lớp xã hội trong cuộc đời này.

Bốn người, đều cùng theo đuổi phong cách hiện thực, lấy con người, thiên nhiên và cuộc sống bình dị thường ngày là đối tượng sáng tác.

Khi nghe nói họ bày triển lãm, tôi đến xem tranh và có nhiều điều khiến tôi ngạc nhiên. Điều đầu tiên, là Trần Thị Trường và Lê Thiếu Ngân đã trên 70 tuổi. Cái tuổi hầu hết chỉ nghỉ ngơi, du lịch, hưởng thụ… thì lại ngồi chuyên cần bên giá vẽ. Tranh của họ dồi dào cảm xúc, màu sắc tươi trẻ, giàu năng lượng tích cực. Tôi biết, cách hơn 2 năm họ đã bày với nhau một triển lãm ở 16 Ngô Quyền Hà Nội, tranh rất được người xem chú ý, sưu tập gần hết số lượng trưng bày. Ngày cuối tôi đến Triển lãm, thấy các nhân viên hối hả gói tranh cho các nhà sưu tập, tôi nhìn (trộm) dung nhan thấy các bà mang vẻ người cổ điển, có gì đó phảng phất sự sang trọng ( dáng vẻ của những người ít làm những việc nặng nhọc... Mà hội họa là công việc không chỉ đòi hỏi một khả năng biểu đạt tư duy, vẻ đẹp của tâm hồn, của đối tượng biểu hiện, mà còn là việc đòi hỏi cả năng lượng sáng tạo và sức khoẻ). Vậy mà bây giờ các bà lại chuẩn bị ra mắt lần nữa.

Những người làm nên vẻ đẹp ở "Miền thương" - Ảnh 2.

Bà ơi - tranh màu nước của Nguyễn Bá Thanh

Ngạc nhiên thứ hai dành cho bút pháp rất điệu nghệ, "xử lý" màu sắc, bố cục, không gian rất tinh tế, mạnh mẽ đấy mà dịu dàng nữ tính đấy của họa sĩ Nguyễn Thị Huyền. Tôi biết họa sĩ Nguyễn Thị Huyền từ lâu, tuy là lần đầu triển lãm nhưng tranh của chị được nhiều người biết đến, thường được bán tại nhà nên chị khá ngại ngùng khi làm triển lãm dù là riêng hay chung. Ngạc nhiên thứ 3 là những bức tranh rất quyến rũ với phương tiện biểu hiện là màu nước biểu cảm sự rung động của ngòi bút (trẻ tuổi đời mà không trẻ tuổi nghề) của một chàng trai trẻ nhỏ nhắn hiền lành Nguyễn Bá Thanh. (Hoạ sĩ Nguyễn Thị Huyền sinh năm 1975, họa sĩ Nguyễn Bá Thanh sinh năm 1999).

Những người làm nên vẻ đẹp ở "Miền thương" - Ảnh 3.

Ngày vui - tranh màu nước của Nguyễn Bá Thanh

Đứng trước những bức tranh của 4 họa sĩ, 2 già, 2 trẻ khiến tôi cứ xúc động mãi, và nghĩ, có lẽ cái đẹp vốn quyến rũ toàn thế giới nhưng còn có hấp lực quyến rũ họ hơn ai hết, khiến họ dành thời gian, sức lực và sự đam mê cho nó hơn mọi thứ trên đời.

Họa sĩ Lê Thiếu Ngân vốn là cán bộ giảng dạy tại Đại học Ngoại Ngữ - Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Bà tốt nghiệp Tiến sỹ ngành Ngôn ngữ học tại Đại học Tổng hợp Quốc Gia S. Peterburg (Liên bang Nga). Năm 2008, bà học vẽ màu nước tại Tokyo, Nhật Bản với hai họa sỹ Shoko Ohta và Suiko Ohta. Năm 2012, bà học vẽ sơn dầu với họa sỹ Văn Dương Thành. Từ năm 2020 bà học thêm về vẽ sơn dầu với họa sỹ Nguyễn Hải Kiên. Bà từng trưng bày tranh tại Phòng Văn hoá, Đại Sứ Quán Việt Nam tại Tokyo, Nhật Bản năm 2009, 2010; tham gia trưng bày trong triển lãm màu nước thường niên cùng các họa sỹ Nhật Bản các năm 2009, 2010, 2011. Họa sĩ Lê Thiếu Ngân bày Triển lãm cá nhân tại Gallery Thu Hương năm 2014. Ngoài ra bà tham gia nhiều triển lãm nhóm và có tranh được treo tại nhiều triển lãm, bảo tàng ở Hàn Quốc, Nhật Bản...

Tranh hoa ly của Trần Thị Trường (bên trái) và hoa hải quỳ của Nguyễn Thị Huyền

Nguyễn Thị Huyền là cái tên xuất hiện từ lâu trong giới mỹ thuật, có tranh trong một số bộ sưu tập nhưng nữ họa sĩ ít nói, kín tiếng và ngại tiếp xúc thế giới bên ngoài. Sống nội tâm nhiều hơn, Nguyễn Thị Huyền thành công với bút pháp phóng khoáng và chất liệu bột màu. Nhưng khi vẽ sơn dầu chị cũng cho thấy một khả năng làm chủ cảm xúc, biểu cảm dịu dàng về màu sắc mà mạnh mẽ về thể hiện. Họa sĩ Nguyễn Thị Huyền được sinh ra tại Hưng Yên, trong một gia đình khá đặc biệt, có mẹ là nông dân và bố là họa sĩ. Năm chị 10 tuổi, gia đình chuyển lên sống tại Hà Nội, trong khu tập thể của giảng viên trường Yết Kiêu (Đại học Mỹ thuật Hà Nội). Trong các tác phẩm của mình, chị khai thác vẻ đẹp bình dị của những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống. Lần này, chị bày chừng 20 bức, nhiều bức có gam màu xanh và vẻ đẹp thiên nhiên/ con người vùng núi phía Bắc.

Những người làm nên vẻ đẹp ở "Miền thương" - Ảnh 5.

Tranh phong cảnh của Nguyễn Thị Huyền

"Tôi khai thác sự thay đổi tinh tế của màu sắc, của khối, sự trải nhẹ của ánh sáng. Tuy chúng rất nhẹ nhàng, có vẻ gì đó mong manh nhưng cũng không kém phần sinh động. Một không gian bình yên với sự nhảy nhót của hòa sắc, của ánh sáng dù không dữ dội nhưng vẫn đủ cho ta cảm nhận có một mạch sống căng tràn bên trong. Qua những tác phẩm của mình, ngoài việc muốn lưu giữ lại vẻ đẹp bình dị, thuần khiết ở xung quanh. Là một phụ nữ, tôi còn hướng tới sự bình yên trong tâm hồn và cuộc sống" – họa sĩ Nguyễn Thị Huyền tâm sự.

Nhà văn, họa sĩ Trần Thị Trường là gương mặt quen thuộc. Tên bà được biết đến vì văn chương, nhưng kể từ khi bước vào con đường hội họa thì tên tuổi bà được biết đến rộng rãi hơn. Học vẽ từ những năm 1965-1973, trong lớp nghệ thuật của họa sĩ Phạm Viết Song, năm 1973 bà thì đỗ Đại học Mỹ thuật công nghiệp, nhưng học dở dang, chưa tốt nghiệp. Bà có nhiều năm làm báo viết văn, ghi dấu ấn ở 7 tập truyện ngắn, 3 tiểu thuyết "Lời cuối cho em", "Kẻ mắc chứng điên" và "Phố Hoài". Bà từng sống và làm việc tại Bulgaria trong những năm của thập niên 1980 và nhiều lần đến Mỹ. Có lẽ vì thế tranh của bà có kỹ thuật của phương Tây nhưng lại giàu nữ tính phương Đông.

Những người làm nên vẻ đẹp ở "Miền thương" - Ảnh 6.

Tác phẩm Chân dung mẹ tôi của Lê Thiếu Ngân

Nguyễn Bá Thanh, luôn được nhắc đến từ hồi còn trong đại học, thành công với chất liệu màu nước. Quê ở Thái Bình. Là thành viên của câu lạc bộ màu nước Hà Nội. Đã từng tham gia nhiều triển lãm và cuộc thi về hội họa màu nước trong nước và quốc tế. Trước khi gắn bó với chất liệu màu nước Nguyễn Bá Thanh đã nghiên cứu nhiều chất liệu khác như sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ… Với mỗi chất liệu anh đều làm việc với sự nghiên cứu nghiêm túc và chỉn chu.

Nguyễn Bá Thanh chọn màu nước làm chất liệu cho sự nghiệp hội họa của mình vì sự trong trẻo của chất liệu này. Thanh từng được giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2023, Giải Nhất cuộc thi "Rực rỡ Ba Lan" do Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội tổ chức...

Những người làm nên vẻ đẹp ở "Miền thương" - Ảnh 7.

Tranh Tĩnh vật của Trần Thị Trường

Anh cho biết, con đường phía trước của anh còn dài, anh còn được nhiều thời gian để trải nghiệm nên muốn được cầu thị lắng nghe sự đón nhận của cuộc đời khi tranh của mình được tiếp cận trực tiếp với người thưởng ngoạn. Với mong ước mang nghệ thuật đến với cuộc sống và được sống với nghệ thuật, hội họa với Nguyễn Bá Thanh không chỉ là đam mê mà là một nỗ lực không ngừng nghỉ để thành quả của nó sẽ là món quà gửi tới mọi người và cho chính bản thân mình.

Triển lãm mang tên Miền thương trưng bày 76 bức tranh trong không gian tầng 1 của Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội. Khai mạc 17 giờ ngày 23.12.2024, trưng bày đến hết ngày 29.12.2024.

Trần Thương

NỔI BẬT TRANG CHỦ