(Tổ Quốc) - Nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã có chia sẻ với báo chí về công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng thực phẩm cũng như khuyến cáo người tiêu dùng đảm bảo an toàn thực phẩm trong ngày Tết.
- Xin ông cho biết, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội cho nhân dân, kế hoạch kiểm tra về an toàn thực phẩm của Cục sẽ tập trung vào những nội dung và những vấn đề gì?
Cuối năm là dịp mà thực phẩm và tiêu dùng nhiều, nhất là vào lễ hội xuân, Tết Nguyên đán. Năm nay, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 1540 ngày 13/12/2023 về triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên Đán Giáp Thìn và mùa lễ hội Xuân 2024.
Vào mùa Tết Nguyên đán cũng như lễ hội xuân, nhu cầu tiêu dùng tăng lên gấp nhiều lần so với trong năm. Những mặt hàng chủ yếu tăng lên trong dịp này là thực phẩm tiêu dùng trong dịp Tết như các loại thịt, bánh mứt kẹo, đồ uống…
Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương cũng đã chỉ đạo là bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến và kinh doanh cũng như sử dụng thực phẩm nói chung, tập trung vào những cơ sở sản xuất kinh doanh.
Từ đó, tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời việc sản xuất kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như phòng chống ngộ độc thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm cũng xác định những sản phẩm thực phẩm trọng tâm để đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh như bánh kẹo, miến, thịt, gạo và các loại đồ uống…trong dịp Tết này.
- Hiện nay việc kinh doanh thực phẩm trên mạng rất phổ biến và tràn lan. Vấn đề này có được quan tâm trong dịp Tết này cũng như là những thời điểm khác trong năm hay không, thưa ông?
Kinh doanh qua mạng online tăng nhiều, thậm chí tăng gấp nhiều lần và xu hướng ngày càng tăng. Đấy là xu hướng chung của thế giới, chứ không phải chỉ riêng Việt Nam, thậm chí bây giờ còn có đặt hàng từ nước ngoài về nữa…Do đó, việc kinh doanh trên mạng cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Việc này ngành công thương sẽ là chủ đạo trong vấn đề kiểm soát, đó là thương mại điện tử.
Tuy nhiên, về thương mại điện tử hiện nay có cái khó khăn, đó là kinh doanh hàng online không phải đăng ký kinh doanh mà họ sẽ tự chịu trách nhiệm về những sản phẩm đó. Tất nhiên cơ quan quản lý có trách nhiệm về kiểm soát, kiểm tra. Ví dụ như một cơ sở mà sản xuất một thực phẩm nào đó để bán, thì rõ ràng đấy là họ kinh doanh. Mặc dù họ không phải đăng ký kinh doanh nhưng họ vẫn phải tuân thủ theo các quy định bảo đảm ATTP, mà nếu không tuân thủ, họ vẫn bị xử lý, cấm bán…
Những nơi có địa chỉ, cơ quan chức năng vẫn phải căn cứ trên việc kinh doanh đó để kiểm tra, kiểm soát. Dịp Tết này cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát những cái đó.
Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn nói là vai trò của người tiêu dùng cực kỳ quan trọng bởi vì không ai thay thế họ được. Không nên cứ chờ một cơ quan hoặc ai đó kiểm soát đấy cho mình trong khi mình không quan tâm gì, thì không bao giờ có thể đảm bảo an toàn cho chính mình. Người tiêu dùng có thể kiểm soát ATTP bằng cách kiểm tra sự tin cậy của cơ sở sản xuất như tìm hiểu các thông tin rất cụ thể về cơ sở đó…
- Quan điểm của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP là kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP trong dịp Tết này. Trong dịp Tết và lễ hội xuân năm nay, liệu người dân có thể an tâm về khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, thưa ông?
Về chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP cũng như là vai trò các bộ, ngành, cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra về ATTP trong cả nước không phải chỉ đến Tết mới quan tâm, mà việc này là xuyên suốt cả năm rồi.
Cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm soát, kiểm tra, thanh tra, vi phạm xử lý và đưa những vi phạm đó lên các phương tiện thông tin đại chúng để cho người dân biết và cảnh báo cho người dân về những cơ sở có vi phạm.
Nếu như mọi người quan tâm lên trang web của Cục An toàn thực phẩm sẽ thấy chúng tôi thông tin về việc xử lý những thực phẩm, chủ yếu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có bất cư vi phạm nào, kể cả về quảng cáo hay vi phạm về an toàn, chúng tôi đều đưa lên thông báo tên sản phẩm cụ thể, của công ty nào, địa chỉ đâu.
Tôi cũng cho rằng vai trò của người dân là rất lớn trong vấn đề để đảm bảo an toàn thực phẩm chung. Trong luật cũng đã quy định rất rõ là vai trò, trách nhiệm của người tiêu dùng là phải tuân thủ theo tất cả những hướng dẫn của nhà sản xuất về tiêu dùng thực phẩm. Ví dụ, thực phẩm người ta hướng dẫn là phải bảo quản điều kiện 5 độ C chẳng hạn nhưng mua về lại để bên ngoài, khiến bị ôi thiu, mốc… Ăn vào thì gây ngộ độc. Việc đấy không có cơ quan nào giúp chúng ta xử lý việc đó cả.
Bất cứ thành phần nào cũng quan trọng, từ sự quản lý của cơ quan chức năng đến ý thức tự bảo quản, tự bảo vệ chính mình của người tiêu dùng thì mới có thể đảm bảo được một cái Tết an toàn, yên ấm cho mọi gia đình.
- Ông có thể chia sẻ về khó khăn, thách thức đang đặt ra trong công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trong dịp trước trong và sau Tết Nguyên Đán là gì? Các chế tài liệu đã đủ thực sự đủ sức răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm về ATTP hay chưa, thưa ông?
Khó khăn đầu tiên là về thanh tra, kiểm tra về ATTP thường nhật chứ không chỉ Tết, còn vào dịp Tết nó lại càng khó khăn hơn. Đó là lực lượng của ta rất mỏng. Một tỉnh chỉ có một chi cục hoặc thậm chí chỉ là một phòng trong sở. Còn của ngành y tế thì cũng chỉ có nhiều là hơn một chục người.
Tuyến huyện có vài người, tuyến xã, phường thì vài cán bộ y tế làm kiêm nhiệm. Trong khi, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trên toàn quốc khoảng 700.000 cơ sở lớn nhỏ. Với lực lượng như thế làm sao mà đi kiểm soát hết được.
Vì vậy, tôi cho rằng vấn đề trọng tâm vẫn là tuyên truyền để người sản xuất, người tiêu dùng tuân thủ theo quy định; Kiểm tra để xác định những nơi nào là nhóm thực phẩm nguy cơ, cơ sở nào có phản ánh của người dân không tốt sẽ tập trung kiểm tra ưu tiên.
Về chế tài xử lý hiện nay tôi cho rằng mức xử phạt không phải là thấp. Bởi vì những cơ sở nhỏ có khi bị phạt đến mấy chục triệu. Những vi phạm của doanh nghiệp lớn sản xuất số lượng nhiều, khi vi phạm có thể bị phạt đến hàng tỷ đồng và đã có doanh nghiệp bị phạt thế. Cho nên tôi nghĩ rằng chế tài phạt không phải là không có tính chất răn đe, bởi phạt nhiều thì cơ sở kinh doanh có thể phá sản, không thể sản xuất được nữa.
Thế nhưng thực tế trong xã hội luôn có những thành phần cố tình lách luật để làm những sản phẩm không đạt yêu để lưu thông kiếm lợi bất chính. Do đó, dù chế tài xử phạt đến đâu thì vẫn sẽ có những người vi phạm.
- Ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo ATTP trong giai đoạn này và trong kế hoạch dài hơi hơn thì theo ông sự phối hợp cần được thực hiện ra sao để có thể nâng cao tính hiệu quả trong công tác quản lý ATTP?
Trong kế hoạch kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo ngành Trung ương về ATTP Tết Nhâm Thìn cũng như là lễ hội Xuân 2024, các cơ quan quản lý như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Y tế chủ trì các đoàn liên ngành, nhưng trong đó đều mời các thành phần tham gia là các ban, ngành, đoàn thể hội khác như Hội nông dân thành viên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố… Trong quá trình đi kiểm tra, không phải lúc nào cũng đủ được các thành phần hiệp hội đó nhưng họ cũng góp phần thực hiện giám sát các hoạt động sản xuất, kinh doanh ATTP ở các địa phương, để thông báo cho chính quyền các địa phương khi phát hiện ra những cái vi phạm hoặc những hành vi có thể gây ra những mối nguy đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Về lâu dài, việc phân công hiện nay đang chia ra 3 bộ cùng kiểm tra, quản lý, còn theo Chỉ thị 17 của Ban Bí thư là sau này việc quản lý về ATTP sẽ về một đầu mối. Khi đó dù một đầu mối là bộ nào quản lý thì sự phối hợp liên ngành vẫn cần phải tiếp tục.
Ví dụ như ngành nông nghiệp thì không bao giờ thoát khỏi trách nhiệm đảm bảo nuôi trồng, thu hái đánh bắt, sơ chế nông sản thực phẩm; Ngành công thương cũng không thể thiếu vì họ quản lý thị trường, trách nhiệm quản lý về lưu thông trên thị trường. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… cơ quan truyền thông cũng vẫn phải tuyên truyền trên các phương tiện đại chúng… Tất cả các ban ngành khác đều có vai trò nhất định. Tôi cho rằng, việc cần thiết là phối kết hợp liên ngành ngày càng chặt chẽ hơn thì sẽ đảm bảo tốt hơn về vấn đề ATTP.
- Ông có thể chia sẻ vể nguyên tắc cơ bản để đảm bảo ATTP đối với người dân trong việc bảo quản, chế biến thực phẩm ngày Tết?
Nguyên tắc đầu tiên là thực phẩm nên ăn chín. Nấu xong không để quá 4 giờ mới ăn. Đặc biệt là đừng làm nhiều quá, để ăn không hết lưu cữu ngày này sang ngày khác. Lúc đó, chúng ta bảo quản để lạnh thế nào, nó vẫn cứ bị ảnh hưởng đến chất lượng và sự an toàn. Đó là lưu ý đầu tiên là trong khâu chế biến và sử dụng.
Thứ hai là đối với thực phẩm mua sẵn, chúng ta lưu ý về nhãn mác đầy đủ và tuân thủ theo hướng dẫn về vận chuyển, bảo quản của người sản xuất.
Thứ ba là về sử dụng. Chúng ta cố gắng làm sao mà sử dụng cho đầy đủ, vừa phải chứ đừng sử dụng quá nhiều. Vì uống rượu quá nhiều, chắc chắn ảnh hưởng sức khỏe.
Đây là một vài thông tin cơ bản để chúng ta có thể lưu ý trong quá trình mua, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm trong dịp Tết.
Xin cảm ơn ông!