(Tổ Quốc) - Lễ khai giảng được xem như là điểm mở đầu cho một năm học mới, thế nhưng ngay khi bắt đầu năm học mới này nhìn những hình ảnh trái ngược mà không khỏi nhói lòng…
- 04.09.2018 Hàng trăm học sinh Nghệ An chưa thể khai giảng năm học mới
- 04.09.2018 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Ngành Giáo dục cố gắng không để thiếu lớp học và thiếu giáo viên trong năm học mới
- 05.09.2018 Tưng bừng lễ khai giảng nơi “rốn lũ” Chương Mỹ (Hà Nội)
- 05.09.2018 Chủ tịch Hoài Đức phải báo cáo “lạm thu” tại trường Tiểu học Sơn Đồng
Trong khi báo chí đưa tin Lễ khai giảng tràn ngập cờ hoa bóng bay ở nhiều tỉnh thành trên cả nước thì rất nhiều trong số đó là những hình ảnh của các ngôi trường vẫn ngập trong nước lũ, là hình ảnh ngôi trường phải khai giảng bên bờ suối, là hình ảnh các em học sinh bản Huổi Hạ, tỉnh Điện Biên phải chui túi nilon để vượt suối mùa lũ kịp đến trường dự lễ khai giảng, là những học sinh ở thành phố Hồ Chí Minh phải lội bì bõm qua những con đường ngập nước, là hình ảnh học sinh Thủ đô để vào trường phải đi qua con đường đầy rác rưởi…
Gần 50 học sinh ở bản Huổi Hạ, tỉnh Điện Biên phải chui túi nilon để đến trường kịp dự lễ khai giảng năm học mới 2018-2019 (ảnh Vov) |
Thương lắm những học trò. Những ngày bắt đầu với bao lời chúc mừng để phấn đấu cho một năm học mới, nhưng những nỗi lo hằng ngày, những hiểm nguy rình rập nước lũ có thể tràn đến bất cứ lúc nào, những xe rác có thể đổ sập xuống đầu, hay khả năng mắc bệnh tật khi phải lội bì bõm qua những con đường ngập nước… liệu bao giờ mới có thể có kết quả tốt.
Và còn nữa, là cuộc tranh luận về sách giáo khoa và cách giảng dạy tiếng Việt theo công nghệ giáo dục của một Giáo sư đã hơn 80 tuổi mà ‘cư dân mạng’ đã không tiếc lời hay ý đẹp gọi ông bằng những danh xưng mà người viết bài không dám nêu ra đây. Thiết nghĩ, đó chỉ là cách lựa chọn trong cái thế độc quyền, là người dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh vì sự nghiệp giáo dục con trẻ nước nhà, đành rằng có thể cách làm đó là đúng nhưng chưa thực sự phù hợp với đại đa số chúng ta, tại sao không nghĩ thoáng hơn, mà nhìn rộng ra để cho có những con đường đi khác còn có lối mòn mà men theo. Đường lớn đó, ta đi hằng ngày, quen rồi, vá víu cũng vẫn đi được, ổ voi ổ trâu thì tránh, vậy sao cứ nhằm lối nhỏ mà đi nếu không thấy tốt cho mình…
Bộ sách tiếng Việt theo chương trình Công nghệ giáo dục (ảnh: báo Lao động) |
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, Nhà nước huy động và sử dụng các nguồn lực để đầu tư cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Những ngày đầu năm học mới, có lẽ cần lắm hình ảnh học sinh ở vùng lũ có những cơ sở vật chất tốt đẹp hơn, hay thay thế cho lễ khai giảng phải tổ chức bên bờ suối bằng một địa điểm nào đó khang trang hơn, hoặc thay vì phải nhìn hình ảnh những em học sinh nằm trong túi nilon để vượt suối hãy tập trung chút nguồn lực để xây một cây cầu chắc chắn, để các em mặc quần áo đồng phục tung tăng tới trường.
Hãy làm sao để những em học sinh giữa các thành phố lớn với khuôn mặt tươi cười khi nhìn thấy cổng trường, chứ không phải bịt mũi đi qua những con đường đầy rác và nước; để bậc làm cha làm mẹ đỡ phải xót xa khi thấy con mình phải bịt mũi, đi vội qua những con đường như thế tới lớp mỗi ngày. Và làm sao để ngay giữa Thủ đô, không còn tình trạng lớp học sĩ số 60-70 học sinh mà trở về lớp học sĩ số tiêu chuẩn 35 học sinh/lớp.
Và hãy dành những lời hay ý đẹp để nói lên những lời có ý nghĩa cho con em chúng ta, thay vì cứ nói mãi một câu chuyện mà năm nào các phụ huynh và học sinh vào lớp 1 cũng phải nghe, về một chương trình giảng dạy theo sách công nghệ giáo dục đã cũ…
Quỳnh Nga