(Cinet)- Mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp Tết, phục vụ khách du xuân, cầu duyên, tài, lộc, buôn may bán đắt nên những phiên chợ này luôn mang nét độc đáo riêng.
Chợ Tết - một trong những phong tục vui xuân của người Việt. |
(Cinet)- Mỗi năm chỉ họp một lần vào dịp Tết, phục vụ khách du xuân, cầu duyên, tài, lộc, buôn may bán đắt nên những phiên chợ này luôn mang nét độc đáo riêng.
1. Chợ Âm dương ở Bắc Ninh
Chợ Âm Dương (còn gọi là chợ Âm Phủ), họp ở địa phận làng Ó, xã Võ Cường, thị xã Bắc Ninh. Mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 Tết (Tháng Giêng Âm lịch).
Tương truyền làng Ó xưa kia là bãi chiến trường, nơi chôn xác những sinh linh tử trận. Chợ họp hàng năm nhằm cầu siêu thoát cho các vong hồn và thanh thản tâm hồn người còn sống. Chợ bắt đầu từ xẩm tối mồng 4, lúc trời nhập nhoạng, trời đất giao hòa, âm đi dương đến.
Với quan niệm người dương đi chợ với người âm, cùng mua may bán rủi, những người đi chợ không dám nói cười ồn ào, vì sợ hồn ma hoảng sợ; không dám thắp đèn vì sợ gà sẽ cất tiếng gáy, làm hồn ma tan tác…
Được mua bán nhiều nhất trong chợ là những chú gà đen và các đồ vật tế lễ. Ngay ở cổng chợ, người ta đặt một chậu nước để thử tiền âm dương. Người mua, kẻ bán không mặc cả, không đếm tiền. Họ cũng không tỏ vẻ bực tức, khó chịu nếu nhận phải “tiền ma” mà coi đó chuyện làm điều phúc, điều thiện với người đã chết và cuộc sống tâm linh của họ sẽ thanh thản hơn. Sau khi tan chợ, những người đi chợ lại mời nhau uống nước, ăn trầu và hát quan họ Bắc Ninh.
2. Chợ Viềng ở Nam Định
Có hai chợ Viềng là chợ Viềng gần phủ Dầy, ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định - còn gọi là chợ Viềng Phủ và chợ Viềng ở gần chùa Bi, ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định - còn gọi là chợ Viềng Chùa. Chợ Viềng họp vào đêm mùng Bảy, rạng sáng ngày mùng Tám tháng Giêng hàng năm với quan niệm “bán rủi, mua may”.
Đông vui và được mọi người chen chân nhiều nhất là Chợ Viềng Phủ Dầy. Đi chợ cầu may nên ít người cò kè vì người ta tin rằng không nên mặc cả sát sạt để bồng ông Lộc về nhà mình.
Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc, đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác.
Ngoài ra còn có thứ thực phẩm được người bán kẻ mua rất tưng bừng náo nhiệt. Hai đặc sản thu hút được sự quan tâm của mọi người nhiều hơn cả đó là thịt bê thui và mía Đường Trèo (mía Đường Trèo ngày nay không còn nữa mà thay vào đó là mía ruột vàng, vỏ màu cánh gián, cũng từ Thanh Hóa, Ninh Bình đưa ra) được coi như đặc sản cầu lộc.
Người đi chợ phải lặn lội từ đêm để đến chợ và cố gắng mua một thứ hàng nào đó trong chợ với mong muốn bán đi những điều rủi ro và mua về những điều may mắn, cả năm làm ăn hanh thông và thuận lợi.
3. Chợ Ngái ở Thạch Thất, Hà Nội
Không rõ tự bao giờ, ở Làng Ngái (xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội) đã hình thành những phiên chợ độc đáo trước và sau tết âm lịch. Mỗi năm chợ chỉ họp một lần và chỉ chuyên bán mua một mặt hàng, nó đã trở thành một nét văn hóa truyền thống “đến hẹn lại lên” của ngôi làng cổ này.
Cái đặc biệt của phiên chợ khi kéo dài từ năm cũ đến năm mới. Theo thời gian, có 5 phiên gồm Chợ Ngái Vàng Mã, Chợ Ngái Lá Dong, Chợ Ngái Hàng Cam, Chợ Ngái Hàng Cá và Chợ Ngái Hàng Gà.
Từ xưa, phiên chợ Ngái vàng mã họp vào sáng 16 tháng Chạp, chuyên mua bán đồ vàng mã, chuẩn bị lễ tiễn ông Công - ông Táo chầu Trời vào 23 tháng Chạp. Phiên chợ Ngái Lá Dong họp vào ngày 21 tháng Chạp, chuyên mua bán lá dong, lạt giang nứa, chuẩn bị cho việc gói bánh chưng trước Tết; phiên chợ Ngái hàng Cam họp vào ngày 26 tháng Chạp, mua bán cam bưởi, hoa quả, chuẩn bị cho mâm ngũ quả ngày Tết; phiên chợ Ngái hàng cá họp ngày mùng 3 Tết, mua bán cá, chuẩn bị việc cúng cơm cá trong lễ “Tạ Cụ” đầu Xuân; chợ Ngái hàng gà họp vào mùng 6 Tết, chuyên mua bán gà, chuẩn bị cho lễ hạ cây nêu ngày mùng 7 tháng Giêng.
Khi các làng quê khác đang tất bật với vụ mùa ngày cuối năm, làng Ngái đã rục rịch đón Tết với phiên chợ Ngái vàng mã.
Phiên chợ Ngái vàng mã họp vào sáng 16 tháng Chạp, chuyên mua bán đồ vàng mã, chuẩn bị lễ tiễn ông Công - ông Táo chầu Trời vào 23 tháng Chạp. Người dân trong làng nô nức đi chợ chuẩn bị cho ngày Tết đang cận kề. Người dân làng khác cũng thu xếp chuyện đồng áng để có mặt tại phiên chợ Ngái vàng mã. Trong ký ức của những người dân đã gắn bó cả cuộc đời với làng Ngái, những phiên chợ ngày Tết không thế nào quên trong họ.
Chợ Ngái lá dong là một trong năm phiên chợ đông đúc nhất của làng Ngái vào những ngày Tết. Chợ họp vào 21 tháng Chạp hàng năm với mặt hàng đặc biệt đó là lá dong để gói bánh chưng ngày Tết. Kẻ mua người bán rất đông. Người dân thoải mái chọn mua lá dong và mua giang làm lạt.
Chợ Ngái lá dong họp từ sáng sớm đến khoảng 9,10 giờ thì tan và ai nấy lại vội vàng tấp nập làm nốt những công việc đồng áng, cố gắng thu gọn công việc sớm để ăn tết cho ngon. Nhiều năm rét muộn, chợ họp lúc còn mưa phùn gió bấc mà vẫn đông vui.
Hiếm có chợ Tết nào mà họp bắc cầu từ năm cũ qua năm mới như chợ phiên làng Ngái. Ngày mùng 3 Tết, phiên chợ Ngái hàng cá cũng không kém phần sôi động. Và năm nào cũng vậy, chật cứng người mua kẻ bán. Cá đủ loại được bày bán từ ngoài đường vào bên trong khu chợ.
Chợ còn có cả dãy hàng rau, củ quả bày bán nhiều phục vụ nhu cầu của người dân. Ngày nay, những loại thực phẩm khô, các mặt hàng cũng được bán đầy đủ ở chợ Ngái.
Mỗi làng quê thường có những chợ nho nhỏ “tự sản tự tiêu” và mang đặc tính vùng miền. Những phiên chợ Tết độc đáo này thật sự là những mảng màu lạ và đẹp cho bức tranh đa sắc Việt Nam.
T.H (tổng hợp)
(Ảnh minh họa. Nguồn Internet)