(Toquoc)–Người Việt Nam có nhiều cách đón may mắn trong những ngày đầu năm mới như đi lễ chùa, đi hái lộc, tặng và nhận phong bao lì xì. Còn trên thế giới, các quốc gia khác đã làm những gì để đón năm mới?
(Toquoc)–Người Việt Nam có nhiều cách đón may mắn trong những ngày đầu năm mới như đi lễ chùa, đi hái lộc, tặng và nhận phong bao lì xì. Còn trên thế giới, các quốc gia khác đã làm những gì để đón năm mới? Trong không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán 2012, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem các bạn quốc tế có những phong tục gì để cầu chúc những điều an lành sẽ đến với gia đình của họ trong năm mới.
Áo
Lợn sữa là hình ảnh tượng trưng cho may mắn trong năm mới đối với người dân Áo. Do đó vào mỗi dịp tết đến, xuân về, họ sẽ ăn món lợn sữa quay. Sau khi thưởng thức xong món ăn truyền thống này, họ thường lựa chọn món tráng miệng là các loại kem bạc hà xanh có hình cỏ bốn lá – cũng là một biểu tượng của sự tốt lành.
Babylon
Vào mỗi dịp năm mới, người dân của vùng Lưỡng Hà lại tổ chức một lễ hội mùa xuân có tên là Akitu. Lễ hội này là dịp họ chào đón những cơn mưa đầu của mùa xuân – một biểu tượng cho sự hồi sinh, tươi mới của thiên nhiên cũng như của con người. Trong lễ hội này, câu chuyện về sự khai sáng vũ trụ của các đáng tối cao sẽ được đọc to lên để nhắc nhở người dân nhớ về nguồn gốc của vũ trụ, vốn được coi là hình thành từ cuộc chiến tranh giữa Marduck – Vị thần cai quản thiên đường và Tiamut – Nữ thần của sự hỗn loạn nguyên thủy.
Đan mạch
Ở Đan mạch việc bạn thấy rất nhiều bát đĩa sứ bị vỡ trước cửa nhà mình vào dịp năm mới là một điều may mắn. Người Đan Mạch có thói quen tích trữ các loại bát, đĩa cũ trong năm và đến hết năm, họ mang chúng đến ném ở trước cửa những người bạn của họ. Do đó, càng có nhiều bát đĩa vỡ trước cửa càng chứng tỏ bạn có nhiều người bạn tốt và sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Bát đĩa vỡ trước cửa nhà là một điều may mắn trong năm mới ở Đan Mạch
Đêm giao thừa của người Đan Mạch được đánh dấu bởi 2 sự kiện quan trọng. Sự kiện thứ nhất là bài diễn văn chào năm mới của Quốc vương Đan Mạch được phát trên truyền hình vào lúc 6 giờ tối và tiếng chuông điểm 12 giờ của tháp đồng hồ ở thủ đô Copenhagen được phát trực tiếp trên đài phát thanh, đánh dấu thời khắc bắt đầu của năm mới.
Bengal
Người dân Bengal tổ chức đón mừng năm mới vào ngày 13 hoặc 14 tháng Tư, ngày đầu tiên của tháng Baisakh. Họ dọn dẹp và trang trí nhà cửa thật đẹp để chuẩn bị cho năm mới. Họ thường dùng bột mỳ để rắc thành các hình hoa văn trên mặt đất ở trước nhà. Giữa các hình vẽ này, họ thường đặt các bình bằng đất, được trang trí bằng một chữ thập màu đỏ và trắng – một biểu tượng mang tính tôn giáo và được đổ đầy nước thánh và thần sa. Ngoài ra, bên trong chiếc bình này họ cũng để một cành cây xoài có 5 nhánh nhỏ còn đủ lá. Chiếc bình này là biểu tượng cho sự may mắn cho các thành viên trong gia đình.
Brazil
Ở Brazil, đậu lăng được cho là một biểu tượng cho sự giàu có, vì vậy vào ngày đầu tiên trong năm mới, người ta thường ăn súp đậu lăng hoặc ăn đậu lăng với cơm. Vào đêm giao thừa, các nữ tu sĩ theo đạo Vodoo (một loại đạo là sự pha trộn của văn hóa và tín ngưỡng của châu Phi, châu Âu và châu Mỹ) sẽ mặc váy màu xanh da trời và áo dài trắng để thực hiện nghi lễ bày tỏ sự tôn kính với thần nước Yemanja.
Một con thuyền dùng để cúng tế sẽ được chuẩn bị với đầy hoa, nến và đồ trang sức. Sau đó người ta sẽ đẩy con thuyền này ra biển từ Ipenama - bãi biển nổi tiếng của Brazil ở thành phố Rio de Janeiro.
Tây Ban Nha
Người Tây Ban Nha có phong tục ăn 12 quả nho trong đêm giao thừa để được may mắn trong năm mới. Mười hai quả nho tượng trưng cho 12 tháng trong năm mới. Đôi khi những quả nho này còn được nhúng rượu vang trước khi ăn. Người ta cũng thường cho dừng các vở kịch hoặc bộ phim để tập trung cho nghi thức ăn nho đón may mắn này.
Người Tây Ban Nha có phong tục ăn nho để gặp may mắn trong năm mới
Myanmar
Năm mới của người Myanmar được dựa theo hệ thống cung hoàng đạo cố định, nên bắt đầu vào khoảng 16/4. Để đón chào năm mới, người dân Myanma sẽ tổ chức một lễ hội kéo dài 3 ngày có tên gọi là Maha Thingyan. Trong lễ hội Maha Thingyan người ta sẽ cầu nguyện, ăn chay và vui chơi.
Một số hoạt động khác cũng được tiến hành như dọn dẹp, lau dọn sạch sẽ nhà cửa, đền chùa, té nước vào nhau. Mục đích của việc làm này là để chào đón những cơn mưa lớn sắp tới đem lại mùa màng bội thu cho người dân.
Trung Quốc
Người Trung Quốc đón tết cổ truyền theo lịch âm, dựa vào chu kỳ của mặt trăng giống như Việt Nam. Để đón may mắn trong năm mới, họ sơn mới các cánh cửa trước bằng màu đỏ - màu của may mắn và hạnh phúc. Họ cũng không quên cất hết các loại dao trong nhà để không ai bị dao cắt vào tay và sẽ tránh bị xui xẻo trong năm mới.
Anh
Người Anh đặt vận may năm mới vào tay vị khách đầu tiên xông nhà họ. Người khách này phải là nam giới và có mang theo một món quà nhỏ cho gia đình. Những món quà truyền thống thường là than đốt lò sưởi, bánh mỳ và đồ uống cho chủ nhà. Để đem đến điều may cho gia chủ, vị khách đầu tiên này phải vào nhà bằng cửa trước và ra về bằng cửa sau. Những người đến chơi nhà tay không hoặc những vị khách không được mời tới sẽ không được phép “xông đất”.
Người Anh rất coi trọng chuyện xông đất đầu năm
Xứ Wales
Người Wales có một cách tống tiễn những gì không hay của năm cũ khá độc đáo. Vào đêm giao thừa, họ để cửa sau nhà mở, sau đó đóng lại như để tượng trưng cho một năm cũ đã khép lại cùng với tất cả những điều rủi ro. Sau đó khi đồng hồ điểm đúng 12 tiếng, báo hiệu thời khắc chuyển giao đã tới, họ sẽ mở cửa trước với hy vọng những điều may mắn sẽ theo cánh cửa này tới các thành viên trong gia đình.
Sicily
Theo truyền thống, người dân ở Sicily, Italia tin rằng những điều may mắn sẽ đến với những người ăn món lasagna - bánh bột xắt lát trong ngày đầu tiên của năm mới, và ngược lại, điều tai ương sẽ tới với họ nếu họ ăn mỳ ống hoặc bất kỳ loại mỳ nào khác.
Peru
Phong tục năm mới của người Peru cũng giống tương tự như người Tây Ban Nha, đó là đều ăn nho để đón điều may trong năm mới. Tuy nhiên nếu như người Tây Ban Nha chỉ ăn 12 quả nho thì người Peru ăn 13 quả vì theo họ như thế mới bảo đảm chắc chắn sẽ gặp những chuyện tốt lành.
Hungary
Người Hungary sẽ đốt những hình bù nhìn rơm – vốn tượng trưng cho những điều xui xẻo vào đêm giao thừa để tống tiễn những điều không may của năm cũ và chào đón năm mới tốt lành. Trước khi đốt, họ thường rước bù nhìn rơm đi quanh làng.
Người Hungary sẽ đốt bù nhìn rơm trong năm mới
Hàn Quốc
Ngày đầu năm mới theo lịch âm của người Hàn Quốc được gọi là Sol-na. Đây là dịp để các gia đình đi thăm hỏi lẫn nhau, thắt chặt các mối quan hệ và chuẩn bị cho năm mới. Vào đêm giao thừa, họ sẽ để những chiếc cào, dần và xẻng bằng rơm ở cửa hoặc treo lên tường để bảo vệ gia đình khỏi những tai ương trong năm mới.
Sáng ngày mồng một, các thành viên đều mặc quần áo mới – tượng trưng cho một khởi đầu mới mẻ và tập hợp ở nhà của thành viên nam lớn tuổi nhất của dòng họ. Họ sẽ tổ chức một nghi lễ tưởng nhớ ông bà tổ tiên, sau đó con cái, cháu chắt đều quỳ lạy bố mẹ, ông bà trong gia đình để tỏ lòng hiếu thuận, chúc ông bà, bố mẹ sức khỏe và may mắn trong năm mới.
Nhật Bản
Năm mới là một dịp quan trọng cho các gia đình ở Nhật Bản. Các cửa hàng, nhà máy và văn phòng đều đóng cửa. Người Nhật trang hoàng nhà cửa của họ thật đẹp để đón các vị thần may mắn ghé thăm. Một phong tục truyền thống mà người dân xứ sở hoa anh đào không thể bỏ qua là Kadomatsu, tức là việc trang trí nhà cửa với thông, biểu tượng của sự trường thọ, tre, biểu tượng của sự thịnh vượng và hoa mận, biểu tượng của sự cao quý.
Bồ Đào Nha
Cũng giống phong tục của Tây Ban Nha, trong đêm giao thừa, khi chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, người Bồ Đào Nha hái và ăn 12 quả nho nằm cùng trên một chùm nho. Mười hai quả nho này tượng trưng cho 12 tháng may mắn trong năm mới. Ở miền Nam Bồ Đào Nha, trẻ em còn đi từ nhà này sang nhà khác và hát vang những bài hát bất hủ để đón mừng năm mới. Các em sẽ được các gia đình tặng kẹo và đồng xu.
Mỹ
Chắc hẳn bạn đã quen với hình ảnh những người dân Mỹ chào đón năm mới tại Quảng trường Thời đại của thành phố New York trong thời khắc đêm giao thừa 31/12. Các đôi nam nữ đều đeo mặt nạ và ôm hôn nhau. Hoạt động này bắt nguồn từ một truyền thuyết cho rằng mặt nạ tượng trưng cho những điều xấu của năm cũ, còn những nụ hôn là sự thanh lọc hết những gì còn chưa tốt để mọi người bước sang năm mới.
Không khí đón năm mới sôi động tại Quảng trường Thời đại, New York, Mỹ
Pakistan
Năm mới của người Pakistan được bắt đầu vào tháng 3 và theo truyền thống, nó tượng trưng cho sự hồi sinh của thiên nhiên sau một mùa đông dài. Người Pakistan có nhiều phong tục trong năm mới mà một trong số đó là đốt những đống củi lớn. Việc làm này tượng trưng cho việc tống tiễn hết những gì còn xui xẻo trong năm cũ để bước sang một năm mới với nhiều may mắn.
Na Uy
Người Na Uy có tục lệ làm bánh gạo đón năm mới và giấu một hạt hạnh nhân vào bên trong một trong những chiếc bánh này. Ai chọn được chiếc bánh có nhân hạt hạnh nhân này sẽ được coi là người gặp nhiều may mắn nhất trong dịp năm mới.
Tùng Lâm (Theo The Goals Guy)