Những phụ nữ dân tộc thiểu số mạnh dạn làm du lịch
Thực hiện: Nam Nguyễn | 20/12/2023
(Tổ Quốc) - Chào đón khách du lịch với nụ cười tươi, nếu không giới thiệu, ít ai ngờ những cô gái dân tộc Thái, chính là người gây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở bản Vặt (thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La).
Với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, Mộc Châu là một trong những huyện đa dạng văn hóa dân tộc nhất của tỉnh Sơn La. Cùng với những danh thắng được thiên nhiên ưu đãi như Hang Dơi, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, khu sinh thái Rừng thông bản Áng, thung lũng hoa mận, đào và các trang trại chăn nuôi bò sữa thì những nét văn hóa đặc sắc đã góp phần tạo ra sự đa dạng, phong phú về loại hình du lịch vào cả 4 mùa trong năm.
Có dịp ghé qua bản Vặt tại xã Mường Sang, chúng tôi được gặp chị Hoàng Thị Hà và Đinh Thị Thuận, hai trong số những người phụ nữ dân tộc thiểu số cùng tham gia phát triển du lịch cộng đồng địa phương qua dịch vụ homestay.
Từ đầu năm nay, chị Hà và chị Thuận đã được tham gia vào dự án Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua du lịch cộng đồng (GROW) do tổ chức Action on Poverty tại Việt Nam (AOP) thực hiện, thuộc chương trình Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua Nâng cao hiệu quả kinh tế Sản xuất Nông nghiệp và Phát triển Du lịch (GREAT) do Chính phủ Australia tài trợ. Dự án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cho phụ nữ địa phương, khuyến khích họ tham gia vào thị trường du lịch, tăng cường tiếng nói của phụ nữ trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Thông qua dự án, các chị được hỗ trợ vay vốn để cải thiện cơ sở vật chất, được tham quan, học tập từ các mô hình homestay thành công và được đào tạo để làm du lịch một cách bền vững.
Chị Thuận chia sẻ: "Mình đầu tư, sửa sang căn nhà trên cơ sở giữ nguyên những nét văn hóa dân tộc Thái và còn trưng bày những dụng cụ truyền thống dệt vải thổ cẩm của người Thái như: khung cửi, các sản phẩm lưu niệm, tái hiện và hướng dẫn cho khách các công đoạn nghề dệt của người Thái mình. Mình còn cung cấp các đặc sản địa phương cho du khách với nguyên liệu sạch và an toàn.”
Cô gái trẻ Lường Thị Hồng Tươi, sinh năm 1992, người dân tộc Thái, vốn sinh ra và lớn lên ở bản Vặt, xã Mường Sàng, huyện Mộc Châu. Không như các thế hệ đi trước, bằng lòng với cuộc sống làm nông nghiệp truyền thống vừa vất vả, vừa không mang lại nguồn thu nhập ổn định, lúc đói lúc no do mùa màng bấp bênh, Tươi lựa chọn phát triển nông nghiệp kết hợp với làm du lịch. Tươi cho biết: May mắn được cha mẹ cho ăn học đầy đủ nên khi tham gia học cao đẳng Sơn La, cô càng có cơ hội nhận thức sâu sắc hơn về tiềm năng phát triển của mảnh đất quê hương. Vì vậy, sau khi lập gia đình, cô cùng chồng trở lại quê hương để lập nghiệp. Ban đầu, ngoài canh tác những cây trồng truyền thống, hai vợ chồng Tươi dành một phần diện tích đất đai của gia đình để trồng thêm dâu tây và gửi mối bán ở thị trường Hà Nội. Nhưng sau đó, vườn dâu tây không chỉ trở thành sản phẩm nông nghiệp có tính lợi nhuận cao mà còn hút nhiều du khách khi đến tham quan bản Vặt.
Năm 2019, bản Vặt được huyện lựa chọn là nơi thí điểm triển khai mô hình du lịch cộng đồng, tôi và các hộ gia đình trong bản được tập huấn về nghiệp vụ du lịch. Các công việc như trang trí, vệ sinh nhà cửa, buồng, phòng, ẩm thực, phục vụ du khách,... Các hộ gia đình không làm du lịch một cách tự phát như trước mà có định hướng rõ ràng.
Ở Bản Vặt còn giữ được những nét văn hóa rất độc đáo của người Thái, từ các nếp nhà sàn cổ, các ngành nghề truyền thống, đan, dệt vải đến các trải nghiệm du lịch gắn với nông nghiệp. Người dân ở đây cũng rất thân thiện, mến khách.
Từ năm 2019, UBND huyện Mộc Châu phối hợp với Dự án Great do Chính phủ Úc tài trợ đã triển khai, hỗ trợ các hộ dân bản Vặt làm du lịch cộng đồng; khôi phục, làm nhà ở theo kiến trúc của đồng bào dân tộc Thái; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về du lịch cộng đồng và hỗ trợ các hộ kinh phí trong quá trình làm du lịch. Vận động các hộ dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, gìn giữ và giới thiệu các bản sắc văn hóa truyền thống của người dân tộc đến du khách,...
Hiện nay, bản Vặt có trên 30 hộ làm du lịch; chúng tôi tuyên truyền vận động người dân giữ gìn các nét văn hóa truyền thống. Đồng thời bổ sung thêm các điểm du lịch mới trong bản như tham quan thác nước, rừng thông, cánh đồng lúa chín. Nhờ vậy, bản Vặt đổi thay và phát triển được nhiều người biết đến hơn.
Du lịch cộng đồng ở bản Vặt ngày càng có nhiều du khách đến tham quan trải nghiệm; đã và đang phát huy hiệu quả, làm thay đổi diện mạo làng quê. Làm phong phú thêm các điểm, tour, tuyến du lịch gắn với thiên nhiên, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.