(Tổ Quốc) - Vụ xét xử Hà Văn Thắm - cựu Tổng Giám đốc Oceanbank đang thu hút sự chú ý của dư luận. Nhìn lại thời gian qua, giới tài chính ngân hàng đã chứng kiến hàng loạt cú "ngã ngựa" của nhiều lãnh đạo ngân hàng.
- 12.12.2016 Ngân hàng Nhà nước: Bảo vệ đầy đủ quyền lợi của người gửi tiền của Đông Á Bank
- 12.12.2016 Bộ Công an: Cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á bị bắt với hai tội danh
- 13.12.2016 Cổ phiếu PNJ của vợ ông Trần Phương Bình giảm giá mạnh
- 14.12.2016 Vàng đã khiến DongA Bank lỗ gần 140 tỷ đồng chỉ trong 1 năm
Nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải lĩnh án
Ông Lý Xuân Hải và Nguyễn Đức Kiên (Nguồn: Tuổi trẻ) |
18g30 ngày 23/8/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng ACB.
Theo cáo trạng, tháng 3/2010, Thường trực HĐQT ACB triệu tập cuộc họp bàn cách sử dụng nguồn vốn chưa đầu tư. Giải pháp được ông Trần Mộng Hùng - Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB đưa ra là, giảm lãi suất huy động để giảm áp lực lỗ trong bối cảnh ACB nhận nhiều tiền tiết kiệm mà bí ở đầu ra.
Trong bối cảnh rất nhiều NH khác đang đối mặt tình trạng thanh khoản thấp và dưới áp lực của bầu Kiên - Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập, ông Hải phải chấp nhận phương án “không được làm giảm tổng tài sản của ACB”.
Điều này cũng có nghĩa là không được giảm lượng tiền huy động. Theo đó, ông Hải đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên mang tiền của ACB đi gửi vào NH để nhận lãi suất tiền gửi và hưởng thêm hoa hồng, khuyến mại của các NH khác.
Ông Hải sau đó đã được giao nhiệm vụ kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng lớn với tổng số gần 38 nghìn tỷ đồng và hơn 71 triệu USD ủy thác gửi tiền vào 29 TCTD (từ 3/2010-9/2011).
Vì thế, ông Hải bị truy tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu nghiêm trọng” và lĩnh án 8 năm tù.
Trong vụ án này, Nguyễn Đức Kiên (Nguyên phó chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Á Châu - ACB) cũng bị lĩnh án 30 năm tù về các tội lừa đảo, kinh doanh trái phép, cố ý làm trái và trốn thuế.
“Sếp” Ngân hàng Agribank vướng lao lý trong vụ án gần 2.800 tỷ
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet) |
Năm 2015, Cơ quan tố tụng đưa vụ án làm thất thoát gần 2.800 tỷ đồng tại Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội ra xét xử. Vụ án này liên quan đến hàng loạt “sếp” của Ngân hàng NN&PTNT.
Các đối tượng đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội thông qua việc xin chuyển đổi pháp nhân, tạo lập hồ sơ vay vốn để mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu và chuyển nhượng 6 thương hiệu thời trang….
Tổng cộng khoản tiền bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt là hơn 2.523 tỷ đồng. Ngoài ra, các đối tượng còn gây ra khoản thiệt hại hơn 231 tỷ đồng trong quá trình thực hiện dự án.
Để xảy ra vụ án gây hậu quả nghiêm trọng này, các cơ quan tố tụng xác định một số cá nhân là cán bộ ngân hàng có các hành vi phạm tội.
“Sếp” lớn nhất của Agribank Việt Nam vướng vào lao lý là bị can Phạm Thanh Tân (SN 1955, quê Thái Bình) – cựu Tổng giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam.
Bị can Phạm Thanh Tân bị truy tố hai tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong quá trình điều hành bị can đã ký cho Chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch số tiền 75 triệu USD từ tiền của Hội sở Agribank. Hậu quả, số tiền này đã bị chiếm đoạt thông qua hành vi vi phạm quy định về cho vay.
Ngoài ra, bị can Tân còn thiếu trách nhiệm trong việc ký tờ trình đề nghị nâng quyền phán quyết cho Chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đối với Công ty Lifepro Việt Nam liên kết nhập khẩu nguyên liệu phục vụ Dự án Dệt – Nhuộm – May của Công ty Enzo Việt. Hậu quả hành vi thiếu trách nhiệm là khoản tiền 320 tỷ đồng được nâng thêm, trong đó giá trị thiệt hại là hơn 306 tỷ đồng.
Bị can Tân còn thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách Tổng Giám đốc khi ký trình HĐQT ban hành nghị quyết và thiếu kiểm tra, giám sát cấp dưới thực hiện nghị quyết của HĐQT nên phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền giải ngân cho Công ty Liên doanh Lifepro vay bị giải ngân sai và chiếm đoạt trong giai đoạn giữ chức vụ Tổng giám đốc là gần 1.900 tỷ đồng. Tổng số tiền thiệt hại liên quan đến hành vi của bị can Phạm Thanh Tân là hơn 2.100 tỷ đồng.
Đầu tháng 2/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiếp tục bắt tạm giam và khởi tố bà Phí Thị Ong, nguyên Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn do Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cụ thể, nhận hồ sơ vay vốn nhưng bà Ong cùng cấp dưới bị tình nghi không thẩm định dự án khiến ngân hàng này thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Trước đó, năm 2014, bà Phí Thị Ong cũng từng bị khởi tố khi còn là Giám đốc Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Mạc Thị Bưởi. Nhân vật này đã gây thiệt hại cho Agribank trong quá trình cho vay.
Nguyên thành viên HĐQT MHB bị khởi tố
Ông Huỳnh Nam Dũng (Nguồn Internet) |
Ngày 30/1/2016, hai thành viên cũ trong HĐQT của Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) là ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hòa bị cơ quan điều tra, Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam để điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, hai cá nhân trên liên quan đến hàng loạt sai phạm trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, kinh doanh tại Công ty chứng khoán MHBS. Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) chịu thiệt hại nhiều tỷ đồng.
Năm 1997, MBH được thành lập. Ông Dũng trong vai trò là những người đầu tiên tham gia với tư cách thành viên Ban trù bị, và được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc. Năm 2002, ông được bầu là Chủ tịch HĐQT MHB và được tái bổ nhiệm vào năm 2007.
Ngày 8/6/2011, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐTV Ngân hàng MHB.
Tổng giám đốc GPBank bị bắt do thất thoát 5.500 tỷ đồng
Ông Phạm Quyết Thắng, nguyên TGĐ Ngân hàng GPBank (Nguồn: gpbank.com.vn) |
Tháng 3/2016, ông Phạm Quyết Thắng, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) bị khởi tố về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát 5.500 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của GPBank dưới thời ông Thắng chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng. Tính đến tháng 4/2015, GPBank ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 12.280 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm gần 9.200 tỷ đồng. Dư nợ cho vay giảm xuống còn hơn 6.600 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu cao kỷ lục lên tới 45.37%.
Sau khi GPBank bị mua lại với giá 0 đồng, NHNN đã có phương án hỗ trợ GPBank thông qua việc điều chuyển hai thành viên của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) sang nắm giữ các vị trí lãnh đạo tại ngân hàng này. Cụ thể, ông Phạm Huy Thông, Phó Tổng giám đốc VietinBank sang làm Tổng giám đốc GPBank, còn bà Trần Thị Lệ Nga, thành viên Ban kiểm soát sang làm Chủ tịch HĐTV.
CEO của DongA Bank bị bắt vì sai phạm trong kinh doanh
Ông Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc DongA Bank (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Ngày 10/12/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố và bắt tạm giam ông Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tháng 8/2015, NHNN đã công bố kết luận thanh tra DAB theo quy định của pháp luật và Quyết định kiểm soát đặc biệt đối với ngân hàng này do DAB đã có nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và kinh doanh của DAB.
NHNN cũng đã quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên HĐQT và chức danh Tổng Giám đốc DAB; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc DAB.
Đồng thời, NHNN đã cử các cán bộ có trình độ chuyên môn, có năng lực quản trị tiếp quản và nắm các vị trí chủ chốt vào quản trị, điều hành DAB để chỉ đạo xây dựng Đề án tái cơ cấu, củng cố toàn diện tổ chức và hoạt động của DAB.
Trong quá trình công tác tại DongABank, ông Trần Phương Bình từng đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ngân hàng. Trước khi bị NHNN đình chỉ chức vụ TGĐ, ông Trần Phương Bình là cổ đông cá nhân lớn nhất tại DongABank.
Mặc dù 2 cựu lãnh đạo bị bắt vì những sai phạm trong kinh doanh nhưng hoạt động tại DongA Bank không chịu ảnh hưởng quá lớn. Tính đến hết tháng 11/2016, tổng huy động vốn của DongA Bank tăng 5% so với cuối năm ngoái. Tín dụng cũng ghi nhận sự tăng trưởng trở lại kể từ tháng 8 năm nay.
Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng
Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Phạm Công Danh (Nguồn: Cafef) |
Hồi cuối tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng bị bắt vì hành vi Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngân hàng TMCP Xây dựng tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank). Vào thời điểm tái cấu trúc và đổi tên, tháng 5/2013, Trust Bank có 23 năm hoạt động với vốn điều lệ 3.000 tỷ, tổng tài sản hơn 28.000 tỷ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh đã cùng một số cổ đông tham gia góp vốn và tái cấu trúc Trust Bank, đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, với tôn chỉ hoạt động là ngân hàng đa năng đầu tiên tập trung phục vụ lĩnh vực xây dựng.
Ngày 9/9, sau gần hai tháng xét xử sơ thẩm và nghị án, TAND TP HCM tuyên phạt ông Phạm Công Danh mức án 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt bị cáo phải nhận 30 năm tù.
HĐXX nhận định, hồ sơ vụ án đủ cơ sở xác định ông Danh cùng 35 đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng của VNCB. Hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng đến đến hoạt động tín dụng, quản lý kinh tế của nhà nước. Đây là vụ án kinh tế gây thiệt hại số tiền lớn nhất từ trước đến nay./.
Hà Giang (T/h)