(Tổ Quốc) -Năm 2017 trôi qua với rất nhiều sự kiện giáo dục tác động mạnh mẽ đến xã hội. Bên cạnh những thành tựu xuất sắc, thì đâu đó trong ngành giáo dục vẫn tồn tại những vấn đề đáng lưu tâm xuất phát từ học sinh, phụ huynh và hiện hữu ngay cả trong chính nhà trường, trong đội ngũ giáo viên trên khắp cả nước.
- 21.12.2017 Học sinh Đà Nẵng nghỉ Tết 9 ngày
- 23.12.2017 Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam
- 23.12.2017 Chuyển giao Dự án Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc
- 27.12.2017 Điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ
Đổi mới kỳ thi THPT Quốc Gia 2017
Năm 2017 là năm thứ ba kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội nhưng kết quả vẫn bảo đảm độ tin cậy để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ cho các đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh.
So với các kỳ thi năm 2015, 2016 , kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 tổ chức thi 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (KHTN) và Khoa học Xã hội (KHXH). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác theo hình thức trắc nghiệm khách quan trong 2 ngày rưỡi. Bên cạnh đó, quy chế thi cũng cho phép và khuyến khích học sinh ngoài thi các bài thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) thì có thể đăng ký thi cả 2 bài thi tự chọn (KHTN và KHXH) để tăng thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng và khuyến khích các em học tập toàn diện hơn. Ngoài ra, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tiếp tục sử dụng kết quả học tập trong năm lớp 12 với kết quả các bài thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Lạm thu hội Cha mẹ học sinh
Đầu tháng 9 năm 2017, dư luận bức xúc vì trên mạng xã hội xuất hiện bức ảnh một tờ phiếu thu mang tiêu đề trường THCS Minh Tân với 20 khoản thu lên tới hơn 9 triệu đồng. Mặc dù Trường THCS Minh Tân báo cáo không lạm thu nhưng đoàn kiểm tra của Phòng GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra thực tế, xác định tại trường này có tình trạng lạm thu trái quy định.
Sau đó, Bộ GD&ĐT có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc báo cáo và cam kết thực hiện giá dịch vụ giáo dục năm học 2017-2018. Bộ GD&ĐT cũng đề nghị cấp có thẩm quyền bên cạnh việc ban hành các văn bản hướng dẫn, chấn chỉnh, cần tăng cường kiểm tra việc thu, chi đầu năm học đúng quy định để bảo đảm quyền lợi của người học; xử lý nghiêm các trường học cố tình thu các khoản ngoài quy định dưới nhiều hình thức khác nhau, gây bức xúc cho phụ huynh và xã hội.
Đề án đổi mới chương trình SGK
Từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới đối với mỗi cấp tiểu học, THCS, THPT (Ảnh: Kênh Tuyển Sinh) |
Ngày 28-11-2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 yêu cầu từ năm học 2018 - 2019 bắt đầu triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới đối với mỗi cấp tiểu học, THCS, THPT với lộ trình cụ thể: năm học 2018 – 2019, lớp 1, lớp 6 và lớp 10; năm học 2019 – 2020, lớp 2, lớp 7 và lớp 11; năm học 2020 - 2021, lớp 3, lớp 8 và lớp 12; năm học 2021 – 2022, lớp 4 và lớp 9; năm học 2022 - 2023, lớp 5. Đến nay, việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 tuy đã đạt được một số kết quả nhưng còn nhiều hạn chế, bất cập.
Chính vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội cho phép triển khai áp dụng chương trình GDPT và SGK mới theo hình thức cuốn chiếu đối với cấp tiểu học từ năm học 2019 -2020, đối với cấp trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và đối với cấp trung học phổ thông từ năm học 2021 – 2022 (lùi một năm so với dự tính ban đầu). Tuy nhiên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức xây dựng và hoàn thiện chương trình, SGK phổ thông; không tăng kinh phí thực hiện đề án. Bên cạnh đó, Uỷ ban còn đặt ra vấn đề: lùi 1 năm liệu có đủ để chuẩn bị cải cách chương trình không, hay phải lùi thêm nữa?
Đề xuất miễn học phí tới cấp Trung học cơ sở
Tháng 11 năm 2017, Bộ GD-ĐT trình Chính phủ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành với một số thay đổi đáng chú ý, trong đó có dự thảo đề xuất mở rộng đối tượng không phải đóng học phí đến học sinh cấp THCS trường công lập.
Theo dự thảo, mức thu học phí được xác định theo cơ chế giá dịch vụ giáo dục, Chính phủ quy định cơ chế thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập được nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên thuộc trung ương quản lý. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập thuộc cấp tỉnh trên cơ sở đề nghị của UBND cùng cấp.
Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.
Nạn bạo hành trẻ em
Nạn bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục vẫn tiếp diễn (Ảnh: Người Đưa Tin) |
Nạn bạo hành trẻ em tại các cơ sở mầm non tư thục đang có chiều hướng gia tăng khi liên tiếp xuất hiện những clip ghi lại hình ảnh các cô giáo tại trường mầm non có hành động bạo hành trẻ được gửi tại tường. Ngày 8/1, trên mạng xã hội xuất hiện video dài gần 2 phút ghi cảnh một cô giáo tại trường mầm non Sen Vàng (phường Minh Khai – Hà Nội) cầm dép đập vào đầu, mặt bé trai khiến bé khóc, dùng vật cứng đập vào đầu bé khác cùng lời đe dọa “ngậm mồm”. Cuối video, một cô giáo mặc đồ thể thao, hai tay đút túi quần, dùng đầu gối thúc nhẹ vào bụng một bé đang khóc kèm lời quát
Đến ngày 26/11, clip của báo Tuổi Trẻ ghi nhận cảnh bạo hành trẻ em tại cơ sở tư thục Mầm Xanh (ngụ đường HT5, KP3, P.Hiệp Thành, quận 12) được đăng tải. Trong clip, các bảo mãu tại đây liên tục dùng tay chân đánh, đá mạnh vào cơ thể non yếu của trẻ hoặc tiện tay có khăn vải, bình nhựa, muỗng hay thậm chí là dao thì những người phụ nữ này cũng đều sẵn sàng “xuống tay” với các bé.
Dù cơ quan Công an và Bộ Giáo dục Đào tạo đã có những động thái giải quyết tình trạng nhưng sự việc đã khiến nỗi nghi ngại về chất lượng các cơ sở mầm non ngày một gia tăng.
Cải cách Tiếng Việt
Đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung & Phương pháp dạy - học phổ thông - về việc giảm bảng chữ cái từ 38 xuống còn 31 chữ, cải tiến chữ viết tiếng Việt với "giáo dục" thành "záo zụk", "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" của PGS.TS Bùi Hiền nhận được rất nhiều ý kiến tranh luận trên cộng đồng mạng.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đề xuất của ông Hiền đáng được ghi nhận vì đó là nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Dưới góc độ chuyên môn, một số chuyên gia ngôn ngữ nêu quan điểm đổi mới là cần thiết nhưng đối với chữ viết, sự ổn định là cần thiết hơn. Bởi vì, chữ viết đã trở thành một phần của văn hóa. Bên cạnh đó, việc thay đổi chữ viết sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề khác và có tác động không nhỏ đến xã hội.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng khẳng định, Chính phủ và Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ trong thời điểm hiện tại. Bộ GD&ĐT và Chính phủ trân trọng tất cả công trình nghiên cứu và đề xuất nghiêm túc của các nhà khoa học. Tuy nhiên, để đưa một đề xuất liên quan vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của chuyên gia, ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ.
PGS Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80
0h27 ngày 9/10, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh, qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 80 tuổi sau 3 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư gan. Lễ viếng PGS Văn Như Cương diễn ra từ 10h30 đến 12h30 ngày 12/10 (tức 23/8 âm lịch) tại nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào hồi 12h30 cùng ngày, an táng tại đài hoá thân hoàn vũ, nghĩa trang Văn Điển.
Kim Chi