(Tổ Quốc) - Bóng hồng ôm chục tỷ của trùm đánh bạc Phan Sào Nam, Đại gia Nguyễn Đức Tài mất hàng chục tỷ đồng tài sản, Bộ Công Thương bàn giao 6 'ông lớn' Nhà nước về Siêu Uỷ ban... là những tin tức gây chú ý tuần qua.
(Nguồn: Soha)
Đại gia Nguyễn Đức Tài mất hàng chục tỷ đồng tài sản
Cổ phiếu MWG của Thế giới Di động tuần qua đã sụt giảm 1.500 đồng, tương ứng 1,3% còn 110.500 đồng/cổ phiếu sau khi phục hồi nhẹ 0,5% so với phiên ngày hôm trước, thậm chí có thời điểm mã này đã sụt về 108.200 đồng/cổ phiếu
Diễn biến MWG đang chịu tác động tiêu cực bởi vụ việc hơn 5 triệu thông tin khách hàng được cho là bị hacker đánh cắp từ Thế giới Di động (TGDĐ).
Trong khi đại diện TGDĐ khẳng định đây là thông tin thất thiệt và nhấn mạnh "các thông tin được lan truyền trên mạng là giả", hệ thống của TGDĐ vẫn an toàn, hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng thì mới đây, hacker trên diễn đàn raidforums.com lại tiếp tục tung ra phần tiếp theo của khối dữ liệu chứa thông tin thẻ thanh toán của người dùng.
Trước đó, TGDĐ khẳng định rằng, TGDĐ không lưu bất kỳ thông tin thẻ của khách hàng. Khi người dùng cà thẻ thì máy POS do chính ngân hàng cung cấp sẽ tiếp nhận thông tin và chuyển sang thanh toán. Và TGDĐ không có lưu trữ bất cứ thông tin thẻ mà khách hàng dùng để thanh toán.
Vị đại diện này nhấn mạnh rằng, tất cả dữ liệu của khách hàng đều được bảo mật một cách tuyệt đối và người dùng không phải đổi bất cứ mật khẩu, khóa thẻ…
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định chưa có trường hợp nào bị lộ thông tin thẻ trong vụ việc và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Theo Ngân hàng Nhà nước, vụ việc trên đã gây tác động xấu tới dư luận xã hội và tâm lý lo lắng cho khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán. Cơ quan này cũng cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, làm rõ đối tượng, động cơ đánh cắp, phát tán thông tin để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Bộ Công Thương bàn giao 6 'ông lớn' Nhà nước về Siêu Uỷ ban
Ngày 10/11, Bộ Công Thương đã chính thức bàn giao 6 tập đoàn, tổng công ty về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).
Sáu "ông lớn" này có số vốn Nhà nước hơn 555.000 tỷ đồng, tương đương một nửa vốn Nhà nước mà siêu Uỷ ban sẽ nắm giữ tại 19 tập đoàn, tổng công ty.
Trước khi bàn giao, các công việc liên quan giữa hai cơ quan đã được làm rõ, trên tinh thần đảm bảo không để khoảng trống, không gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cơ chế phối hợp giữa 2 cơ quan cũng được xác lập nhằm tiếp tục chỉ đạo và quản lý doanh nghiệp hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp theo phương án đã được phê duyệt.
Các nội dung bàn giao lần này, gồm các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp như quyết định thành lập doanh nghiệp; điều lệ tổ chức và hoạt động; quyết định phê duyệt Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp; quyết định phê duyệt Quy chế tài chính, vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm các chức danh; báo cáo tài chính hợp nhất...
Bóng hồng ôm chục tỷ của trùm đánh bạc Phan Sào Nam
Ngoài việc được nữ CEO Lưu Thị Hồng trợ giúp đắc lực, ông trùm Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam còn được nhiều bóng hồng có tài năng, nhan sắc khác giúp sức, trong đó có cả người nhà là Đỗ Bích Thủy (46 tuổi, trú tại quận Tân Bình, TP HCM).
Bà Thủy khi đó đang là Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ phát triển đầu tư Nam Việt (Công ty Nam Việt) và là con chị gái ruột của mẹ Phan Sào Nam.
Tuy nhiên, trong số những nữ doanh nhân vướng lao lý thì cái tên Châu Nguyên Anh (SN 1979, trú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nguyên Giám đốc điều hành Công ty CP thanh toán điện tử VNPT EPAY là cái tên đáng chú ý nhất.
Nữ giám đốc điều hành 39 tuổi này đã cùng đồng phạm đã thỏa thuận để nâng khống doanh số hóa đơn lên 1.200 tỷ đồng. Trong đó, doanh số nâng khống xác định là 650 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, nữ giám đốc sinh năm 1979 đã thừa nhận hành vi Mua bán trái phép hóa đơn. VNPT EPAY đã nộp khắc phục hậu quả số tiền 53 tỷ đồng.