• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những tiến bộ y học được ra đời từ cảm giác “tuyệt vọng” của bác sĩ và người làm khoa học

Sức khỏe 12/01/2023 09:00

(Tổ Quốc) - Trong lịch sử, đã có không ít tiến bộ y học được thúc đẩy xuất hiện bởi cảm giác tuyệt vọng tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề y tế cấp bách.

Ca sinh mổ đầu tiên thành công

Đó là vào khoảng năm 1500. Jacob Nufer là bác sĩ thú y ở một thị trấn tại Thụy Sĩ. Khi vợ của ông chuyển dạ, cô đã phải vật lộn trong nhiều ngày nhưng không sinh được. Mười ba bà đỡ của thị trấn đã cố giúp bà nhưng không được. Vì không có bác sĩ ở địa phương nên bà có nguy cơ tử vong.

Về cơ bản, với kiến thức và kỹ năng thành thạo của một bác sĩ thú y, Jacob Nufer biết cách giúp vợ sinh em bé. Những người như bác sĩ thú y từ lâu đã luôn thực hiện những ca mổ đẻ đối với động vật khó sinh như ngựa, bò, chó, cừu và lợn. Họ thường làm điều này để cứu con non khi sợ rằng con mẹ có thể chết. Các nữ hộ sinh cũng khá quen với kỹ thuật này.

Tuy nhiên, cho đến đầu thế kỷ 16 thì việc sinh mổ chỉ được phép thực hiện khi người mẹ đã qua đời mà thôi. Việc cứu sống người mẹ trước nguy cơ gây tử vong cho đứa bé bị cấm một cách nghiêm ngặt.

Những tiến bộ y học được "ra đời" từ cảm giác tuyệt vọng của người làm khoa học - Ảnh 1.

Jacob tuyệt vọng vô cùng. Nhưng may mắn là sau đó ông đã xin được sự cho phép khẩn cấp từ chính quyền để thực hiện ca mổ trên người vợ còn sống của mình. Ông dùng lưỡi dao lam để thực hiện ca mổ này. Vào thời ấy, khó có người sống sót sau một cuộc giải phẫu như vậy, nên hai vợ chồng đã nói lời vĩnh biệt trước khi ông Jacob Nufer tiến hành cuộc mổ.

Kết quả là, cả mẹ và con đều sống sót khỏe mạnh. Ca mổ thành công nhờ thể trạng tốt của sản phụ và tay dao khéo của người chồng, nhưng phần lớn là nhờ người vợ có thai ngoài tử cung. Nếu mang thai bình thường, chắc bà Nufer đã chết vì xuất huyết ồ ạt do vách tử cung bị phá. Ca mổ này được đa số các nhà khoa học cho là ca sinh mổ đầu tiên trên thế giới. Vợ ông sau đó còn có thêm 5 đứa con nữa và đều là sinh thường.

Phát hiện ra thuốc kháng sinh được thúc đẩy một phần bởi sự tuyệt vọng trước các bệnh nhiễm trùng chết người

Chúng ta đều biết rằng thuốc kháng sinh đã được sử dụng trong nhiều thiên niên kỷ để điều trị nhiễm trùng. Mặc dù cơn ác mộng kháng kháng sinh là có thật nhưng cũng không thể phủ nhận rằng khi được sử dụng đúng lúc, thuốc kháng sinh có thể chữa khỏi nhiều căn bệnh hiểm nghèo và nguy hiểm tính mạng.

Vào đầu những năm 1900, con người không có thuốc chống lại những vi trùng phổ biến sống trên da, trong ruột, trong miệng và cổ họng. Kết quả là con người phải chịu đựng rất nhiều. Mặc dù hệ thống miễn dịch chống lại bệnh tật của cơ thể thường có thể chống lại thành công các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, nhưng đôi khi vi trùng (vi khuẩn) quá mạnh và có thể gây bệnh.

Ví dụ như: Trước khi có kháng sinh, 90% trẻ em bị viêm màng não do vi khuẩn tử vong. Trong số những đứa trẻ còn sống, hầu hết đều bị khuyết tật nặng và lâu dài, từ điếc cho đến chậm phát triển trí tuệ; Viêm họng liên cầu khuẩn từng là một căn bệnh gây tử vong và nhiễm trùng tai đôi khi lan từ tai đến não, gây ra các vấn đề nghiêm trọng; Các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng khác, từ bệnh lao, viêm phổi đến ho gà, đều do vi khuẩn hung hãn sinh sản với tốc độ phi thường gây ra và dẫn đến bệnh nặng và đôi khi tử vong.

Với việc phát hiện ra penicillin và sự khởi đầu của kỷ nguyên kháng sinh, hệ thống phòng thủ của chính cơ thể đã mạnh mẽ hơn. Và người phát hiện ra loại thuốc này là nhà khoa học Alexander Fleming.

Những tiến bộ y học được "ra đời" từ cảm giác tuyệt vọng của người làm khoa học - Ảnh 2.

Alexander Fleming trong phòng thí nghiệm. Ảnh: loc.gov.

Vào năm 1928, nhà khoa học Alexander Fleming đã quên làm sạch dụng cụ nghiên cứu của mình trước khi ông đi nghỉ một vài ngày. Khi trở về, Fleming thấy rất nhiều vi khuẩn và nấm mốc trên dụng cụ của mình. Tuy nhiên, ông cũng nhận thấy có một số vùng mà vi khuẩn và nấm mốc không phát triển.

Ông chợt nghĩ có gì đó đã giết chết khuẩn cầu chùm và tiến hành thử nghiệm nhiều lần trên chất dịch nấm mốc. Fleming đã phân lập và phát triển nấm mốc trong môi trường nuôi cấy thuần túy. Kết quả thật kinh ngạc: Chất này có thể ngăn chặn một số vi khuẩn nguy hiểm nhất, không cho chúng phát triển. Ngay cả khi được pha rất loãng, chất dịch vẫn làm chết các vi khuẩn độc. Nó lại không gây hại cho cơ thể. Khi chất dịch được tiêm vào cơ thể chuột và thỏ thí nghiệm, chúng vẫn không có những biểu hiện bệnh lý.

Ông xác định rằng nấm mốc tạo ra một chất có thể hòa tan vi khuẩn. Ông gọi chất này là penicillin, được đặt theo tên của nấm mốc Penicillium đã tạo ra nó. Phát hiện này được thúc đẩy một phần bởi sự tuyệt vọng trong việc tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả cho các bệnh nhiễm trùng chết người, chẳng hạn như viêm phổi và nhiễm trùng huyết.

Những tiến bộ y học được "ra đời" từ cảm giác tuyệt vọng của người làm khoa học - Ảnh 3.

Phòng thí nghiệm nơi Fleming tìm ra penicillin giờ trở thành bảo tàng. Ảnh: visitengland.

Chẳng bao lâu sau, các nhà nghiên cứu khác ở Châu Âu và Hoa Kỳ bắt đầu tái tạo các thí nghiệm của Fleming. Họ đã có thể tạo ra đủ penicillin để bắt đầu thử nghiệm trên động vật và sau đó là con người. Bắt đầu từ năm 1941, họ phát hiện ra rằng ngay cả nồng độ penicillin thấp cũng có thể chữa khỏi các bệnh nhiễm trùng rất nghiêm trọng và cứu sống nhiều người. Với những khám phá của mình, Alexander Fleming đã giành được giải thưởng Nobel về Sinh lý học và Y học.

 Sự phát triển vắc-xin bại liệt được thúc đẩy bởi nhu cầu cấp thiết tìm ra giải pháp cho dịch bệnh bại liệt trong thế kỷ 20 

Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, dịch bệnh xảy ra thường xuyên khiến bệnh bại liệt trở thành căn bệnh đáng sợ nhất trên thế giới. Một đợt bùng phát lớn ở thành phố New York vào năm 1916 đã giết chết hơn 2000 người và đợt bùng phát tồi tệ nhất được ghi nhận ở Hoa Kỳ vào năm 1952 đã giết chết hơn 3000 người.

Nhiều người sống sót sau căn bệnh phải đối mặt với hậu quả suốt đời. Các chi bị biến dạng có nghĩa là họ cần nẹp chân, nạng hoặc xe lăn, và một số cần sử dụng các thiết bị thở như phổi sắt, một loại máy hô hấp nhân tạo được phát minh để điều trị bệnh nhân bại liệt.

Những tiến bộ y học được "ra đời" từ cảm giác tuyệt vọng của người làm khoa học - Ảnh 4.

Nhà khoa học Jonas Salk. Ảnh: History.

Vào giữa thế kỷ 20, virus bại liệt có thể được tìm thấy trên khắp thế giới và giết chết hoặc làm tê liệt hơn nửa triệu người mỗi năm. Không có thuốc chữa và dịch bệnh ngày càng gia tăng, nhu cầu cấp thiết về vắc-xin là rất cần thiết.

Và Jonas Salk (1914 – 1995) đã trở thành người anh hùng khi vắc-xin do chính ông tìm ra đã giúp ngăn ngừa an toàn và hiệu quả căn bệnh đáng sợ có khả năng lây lan nhanh chóng ở trẻ nhỏ này.

Jonas Salk đã tập trung vào việc phát triển vắc-xin để tiêu diệt bệnh bại liệt một lần và mãi mãi. Mối quan tâm của ông lúc này là ngăn chặn khả năng lây nhiễm của virus bại liệt trong vắc-xin trong khi vẫn bảo toàn kháng nguyên của nó. Salk đã sử dụng formalin, một loại formaldehyde, để khử hoạt tính của virus trước khi đưa vào vắc-xin, khiến chúng không thể lây nhiễm bệnh cho người được tiêm chủng.

Tháng 6/1952, trong trận dịch bại liệt lớn nhất mà Mỹ từng chứng kiến, Salk đã sẵn sàng cho cuộc thử nghiệm ở người đầu tiên với vắc-xin của mình, trên các bệnh nhân bại liệt tại Trung tâm Chăm sóc trẻ khuyết tật D. T. Watson Home ở ngoại ô Pittsburgh. Vắc-xin bại liệt do ông phát triển đã hoạt động hiệu quả. Salk lặp lại thử nghiệm với một nhóm lớn hơn gồm 63 trẻ em khuyết tật tâm thần tại Trường Polk State và thử nghiệm này cũng thành công.

Những thử nghiệm như vậy của Salk ngày nay chắc chắn không được phép diễn ra vì những vấn đề đạo đức, tuy nhiên, trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng thời đó, ông không còn lựa chọn khác cho các nghiên cứu của mình.

Ngày 12/4/1955, các nhà nghiên cứu tuyên bố vắc-xin của Salk an toàn, đạt hiệu quả 90% trong việc chống lại bệnh bại liệt. Vắc-xin bại liệt được cấp phép cùng ngày hôm đó và nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của chương trình tiêm chủng cho trẻ em ở Mỹ. Đến năm 1957, các trường hợp bại liệt hàng năm giảm từ 58 000 xuống còn 5600 và đến năm 1961, chỉ còn 161 trường hợp.

Những tiến bộ y học được "ra đời" từ cảm giác tuyệt vọng của người làm khoa học - Ảnh 5.

Y tá tiêm phòng vắc-xin bại liệt thử nghiệm của Tiến sĩ Salk cho các em nhỏ tiểu học ở Pittsburgh năm 1954. Ảnh: Getty Images

Salk đã cam kết tiếp cận bình đẳng với vắc-xin của mình và hiểu rằng các nỗ lực loại bỏ sẽ không hiệu quả nếu không có vắc xin phổ cập giá rẻ hoặc miễn phí.

Sáu công ty dược phẩm đã được cấp phép sản xuất IPV và Salk không thu lợi nhuận từ việc chia sẻ công thức hoặc quy trình sản xuất.

Trong một cuộc phỏng vấn năm 1955, khi được hỏi ai là người sở hữu bằng sáng chế cho IPV, ông trả lời: "Không có bằng sáng chế. Bạn có thể cấp bằng sáng chế cho mặt trời không?".

Mặc dù vắc-xin của Jonas Salk là vắc-xin phòng bạilieetj đầu tiên nhưng không phải là cuối cùng. Loại vắc-xin bại liệt thứ hai, vắc-xin bại liệt uống (OPV) được phát triển bởi bác sĩ và nhà vi trùng học Albert Sabin vào năm 1960.

Việc dễ dàng sử dụng khiến vắc-xin uống trở thành ứng cử viên lý tưởng cho các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt. Mặt khác, OPV đã làm gián đoạn chuỗi lây truyền, nghĩa là đây là một loại vắc-xin mạnh mẽ để ngăn chặn sự bùng phát bệnh bại liệt đang diễn ra.

Năm 1988, Đại hội đồng Y tế Thế giới đã thông qua nghị quyết thanh toán bệnh bại liệt - để đạt được mức giảm vĩnh viễn về 0, không có nguy cơ tái phát - và trong cùng năm đó, Sáng kiến Xóa sổ Bệnh bại liệt Toàn cầu (GPEI) đã được đưa ra.

T/h: Who, Healthychildre, Microbiologysociety, Reddit

HN

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ