Cần lắm một tinh thần đồng lòng, trực tiếp sẻ chia trách nhiệm để gánh vác công việc chứ không phải là những văn bản “trên trời” nhằm che chắn để “tội chú, công anh”…
Phi thực tế, thiếu tính khoa học, không có cơ chế cụ thể để xử lý… Đó là những qui định mà dân gian gọi là “trên trời”, “sản xuất trong phòng lạnh”.
Song, khi có sự cố, nó chính là tấm khiên che chắn và “chối tội, tranh công” rất hữu hiệu.
Chuyện ban hành những qui định hoặc không biết để làm gì, hoặc ngay cả người ký ban hành có khi cũng cho rằng khó, thậm chí, không đi vào cuộc sống ở ta không hiếm.
Đã từng có không ít văn bản ban hành xong để đấy.
Đã từng có những văn bản ký chưa ráo mực đã phải hủy vì sự bất hợp lý của nó khiến dư luận phản đối…
Thế nhưng buồn thay, nó đã và chắc sẽ vẫn “sinh sôi” dù đã “N” lần “rút sợi dây kinh nghiệm”.
Mới đây nhất, trả lời báo chí về những qui định xung quanh việc đưa học sinh trở lại trường sau dịch Covid 19, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết một loạt các qui định khá khắt khe, trong đó nhiều cái thực tế rất khó, thậm chí không thể thực hiện.
Ví như, qui định học sinh đến trường phải ngồi cách nhau 1,5 m, mỗi lớp không quá 20 em.
Nếu xét về khoa học, đây là qui định hoàn toàn đúng. Nó đúng đến mức nếu nói khác, có khi lại bị cho là thế này, thế khác.
Thế nhưng trên thực tế, nó có lẽ chỉ áp dụng được với học sinh vùng sâu, vùng xa, nơi mà thầy cô giáo ngày ngày phải đến từng nhà “lùa” học sinh đến lớp. Song, đây cũng là những nơi mà khả năng phát dịch rất ít và nếu có thì cũng ít khả năng phát tán ra diện rộng.
Trong khi đó, ở những vùng đông dân cư, đặc biệt là những thành phố lớn, qui định này gần như… không tưởng.
Lý do, phòng học thì nhỏ (thường chỉ khoảng 40-50 m2), mỗi lớp nhồi nhét 50-60 em (thậm chi còn hơn) mà nhiều nơi vẫn còn phải học theo ca, theo kíp thì làm sao mà thực hiện được cái qui định đúng đến 101% này? Thời gian đã chật kín rồi, có còn đâu mà chia với bôi thêm được nữa? Lấy giáo viên từ đâu để bổ sung? Chế độ bồi dưỡng làm thêm thế nào?...
Rồi việc rửa tay, đo nhiệt độ, khử khuẩn có thể làm được với sĩ số 20 học sinh/lớp. Đằng này, 50-60 em thì quả là rất khó.
Những khó khăn này, không phải Bộ không biết.
Tuy nhiên, bộ còn “thòng” thêm quan điểm phải an toàn mới cho học sinh trở lại lớp. "Phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trường học... Đặc biệt, không được để dù một học sinh bị lây nhiễm bệnh từ trường học”. Ông Độ nói.
Những câu như thế này rất… ‘chặt chẽ như trong hợp đồng” nhưng cũng đầy tính trói buộc trách nhiệm cho cơ sở, mang dáng dấp “bùa ngải” phòng thân cho cấp trên.
Nếu tốt thì “công anh”, còn không may xảy ra điều gì đó, “anh” sẽ… phủi tay, thậm chí còn qui trách nhiệm bởi “ngày này, tháng này, công văn này… đã qui định thế này, thế này, thế này…”… Tóm lại là cơ sở đã làm trái (chí ít là không tuân theo) qui định đã ban hành.
Có một thực trạng hiện nay, đó là bệnh sợ trách nhiệm nhưng rất… thích quyền hạn.
Đáng lẽ phải sẻ chia trách nhiệm, càng lên cao, trách nhiệm càng phải lớn thì ngược lại, “công thì anh mà tội thì chú”.
Xin thưa, tiếng Việt ta hay lắm, thâm thúy lắm. “Quyền hạn” bao giờ cũng gắn với “trách nhiệm” và trong “quyền” còn có “hạn”.
Trở lại với việc học hành, sau dịch, giáo dục đào tạo là một trong những ngành phải gánh chịu hậu quả nặng nề và lâu dài nhất với đầy ắp những khó khăn.
Vì thế, lãnh đạo ngành giáo dục & đào tạo cần phải có tầm nhìn chiến lược với tư duy “chặn trước”, “đón đầu” như việc chủ động xây dựng phương án tổ chức thi Trung học phổ thông vừa được Thủ tướng đánh giá cao chứ không phải “lẽo đẽo” theo sau khiến dân bức xúc.
Cũng cần lắm một tinh thần đồng lòng, quyết liệt, trực tiếp sẻ chia trách nhiệm để gánh vác công việc nặng nề này chứ không phải là những văn bản “trên trời” nhằm che chắn để “tội chú, công anh”…