• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những vụ thất thoát khiến ông Đinh La Thăng vướng vòng lao lý

Kinh tế 08/12/2017 19:51

(Tổ Quốc) -Việc PVN góp vốn vào OceanBank nằm trong thời gian ông Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐTV.

Thông tin mới nhất cho hay, Cơ quan Cảnh sát điều tra và Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra 2 vụ án liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 Bộ luật Hình sự); lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280 Bộ luật Hình sự), gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Oceanbank) và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản (Điều 278 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Việc PVN góp vốn vào OceanBank nằm trong thời gian ông Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐTV.

Ngày 7/5/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII.

Thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho biết, mặc dù có quá trình công tác gần 35 năm, có những đóng góp nhất định cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và những cơ quan, đơn vị ông Đinh La Thăng giữ cương vị lãnh đạo nhưng trên cương vị Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV PVN giai đoạn 2009 - 2011, ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp uỷ, tổ chức đảng và cá nhân ông Đinh La Thăng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng.

Trước đó, ngày 27/4/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo đề nghị xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng và 4 lãnh đạo PVN vì những vi phạm trong giai đoạn 2009-2015.

Tại đại án Oceanbnak, Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án tử hình đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, còn Hà Văn Thắm chung thân. Ảnh: VnExpress.

Theo đó, cơ quan kiểm tra kết luận Ban thường vụ Đảng uỷ PVN giai đoạn nêu trên và một số cá nhân liên quan, trong đó có ông Đinh La Thăng (lúc đó là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN) có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng.

Theo Ủy ban Kiểm tra, Ban thường vụ Đảng ủy PVN đã để HĐTV ban hành các nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm nghị định của Chính phủ; tham mưu Thủ tướng cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm quy định pháp luật.

Các vi phạm khác của Ban thường vụ Đảng ủy PVN là thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, thực hiện các dự án đầu tư dẫn đến HĐTV và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn gần 900 tỷ đồng; trong đó góp vốn vào Ngân hàng cổ phần Đại Dương (OceanBank) mất 800 tỷ đồng.

Ban thường vụ Đảng ủy PVN cũng đã để HĐTV ban hành Nghị quyết (số 4266 ngày 16/05/2011) góp vốn đầu tư vượt mức quy định vào OceanBank, trái Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Tập đoàn.

Ông Thăng cũng bị cho là đã vi phạm quy chế làm việc khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại văn bản số 6934 ngày 18/09/2008, giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT OceanBank. Nội dung văn bản thể hiện Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank, trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.

Ông Đinh La Thăng còn chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266 góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN…

Liên quan đến “đại án” Oceanbank, PVN đã góp vốn vào OceanBank 3 đợt, đợt 1 góp 400 tỷ đồng, đợt 2 góp 300 tỷ đồng, đợt 3 góp 100 tỷ đồng. Theo Cơ quan điều tra, việc góp vốn đợt 3 của PVN có dấu hiệu vi phạm pháp luật của một số cá nhân trong HĐTV, Ban Tổng giám đốc, người đại diện góp vốn và Ban kiểm soát.

Tư liệu từ vụ xét xử “đại án” Oceanbank cho hay, ngày 12/5/2011, Nguyễn Xuân Sơn lúc đó là Phó tổng giám đốc PVN ký văn bản gửi HĐTV (gồm 7 thành viên) báo cáo về tình hình đăng ký tăng vốn điều lệ và dự kiến điều chỉnh kế hoạch cụ thể trình Hội đồng thành viên xem xét và chấp thuận tiếp tục hỗ trợ và tăng vốn điều lệ thêm là 500 tỷ đồng x 20% =100 tỷ đồng.

Sau đó Nguyễn Xuân Sơn ký ban hành văn bản gửi các thành viên HĐTV. Có 3/5 thành viên là ông Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Phan Minh Đức ký chấp thuận đồng ý ngay tại tờ trình của Nguyễn Xuân Sơn. Còn lại ông Nguyễn Xuân Thắng và Hoàng Xuân Hùng đề nghị Ban kiểm soát báo cáo rõ thêm việc này, trong khi 2 thành khác vắng mặt.

Ngày 16/5/2011, ông Ninh Văn Quỳnh lúc đó là Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán đã ký văn bản báo cáo Nguyễn Xuân Sơn về tình hình đăng ký vốn điều lệ và dự kiến điều chỉnh kế hoạch như văn bản mà ông Sơn đã ký gửi các thành viên Hội đồng thành viên và có nêu thêm: “Mức tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng vẫn nằm trong khung đã cho phép là 5.000 tỷ đồng và nguồn tăng vốn điều lệ chủ yếu lấy từ nguồn cổ tức được chia năm 2010…”

Cũng trong ngày 16/5, Nguyễn Xuân Sơn ký Quyết định chấp thuận góp thêm 100 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ đợt II/2010 của OceanBank, sau đó một ngày PVN chuyển 100 tỷ đồng cho OceanBank.

Như vậy tổng số tiền góp của PVN tại OceanBank qua 3 lần là 800 tỷ đồng, bằng 20% vốn điều lệ của OceanBank. OceanBank sau đó đã được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng. PVN chấm dứt tư cách cổ đông và toàn bộ các quyền, nghĩa vụ của cổ đông tại Oceanbank, đồng nghĩa với việc PVN phải ghi nhận một khoản lỗ tương đương 800 tỷ đồng./.

Thái Tùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ