• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những vướng mắc trong công tác quản lý và bảo tồn di tích tại Hà Nội

11/08/2018 11:25

(Tổ Quốc) - Những vướng mắc trong công tác quản lý và bảo tồn di tích tại Hà Nội là gì? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội

(Tổ quốc )- Hà Nội hiện là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa nhất cả nước. Đây vừa là tiềm năng đồng thời là thách thức với thành phố trong công tác bảo tồn, tôn tạo, trùng tu di tích, di sản. 

Bởi bên cạnh một số di tích tiêu biểu như Đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, phố cổ Hà Nội đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, và trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn của thủ đô, vẫn còn không ít các di tích rơi vào tình trạng xuống cấp như tại Quốc Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất…

Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội

Vậy những vướng mắc trong công tác quản lý và bảo tồn di tích tại Hà Nội là gì? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội

Thưa ông, Hà Nội là một trong những địa phương có số lượng di tích lớn nhất trong cả nước, xin ông cho biết những thông tin khái quát chung về các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố



+ Trước tiên là khái quát chung về các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn Thành phố, để từ đó có được sự nhìn nhận, đánh giá khách quan về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn:

Một là: về  số lượng, loại hình

- Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn nhất toàn quốc, số lượng di tích trong danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội đến 31 tháng 12 năm 2015 công bố theo Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2016 của UBND là: 5.922 di tích, bao gồm các loại hình di tích lịch sử, di tích kiến trúc - nghệ thuật, di tích khảo cổ, di tích danh lam thắng cảnh và gồm nhiều loại, như: đình, đền, chùa, miếu, phủ, quán, hội quán, nhà thờ họ, thành quách, khu phố cổ, làng cổ,...

- Tổng số di tích đã được xếp hạng (tính đến tháng 12/2017): 2.464 di tích, trong đó có: 01 di sản thế giới; 01 di sản tư liệu Thế giới Bia đề danh tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội; 14 di tích/cụm Quốc gia đặc biệt; 1.164 di tích Quốc gia; 1.284 di tích cấp Thành phố.

Hai là: về phân bố

Hệ thống di tích Hà Nội phân bố trên khắp 30 quận, huyện và thị xã với số lượng và mật độ khác nhau: các địa phương có nhiều di tích là Ba Vì, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn, Ứng Hòa, nhiều di tích nhất là huyện Thường Tín (440 di tích), ít nhất là quận Thanh Xuân (29 di tích).

Ba là: về  thực trạng bảo quản

Theo phân loại sơ bộ ban đầu vào tháng 12/2015, trong số 5.922 di tích có 2.235 di tích xuống cấp các hạng mục chính, có trên 200 di tích trong tình trạng xuống cấp nặng (số liệu này đánh giá đối với mức độ xuống cấp các hạng mục chính mà chưa thống kê số liệu xuống cấp của các hạng mục phụ trợ hoặc nhu cầu về tôn tạo mặt bằng tổng thể khu vực); Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa những nằm gần đây có phần lấn át cảnh quan, ảnh hưởng phần nào đến không gian và môi trường di tích trong khu vực nội đô và khu vực đông dân cư.

Nguyên nhân xuống cấp di tích chủ yếu do phần lớn các di tích có niên đại xây dựng từ sớm, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, do vậy, trải qua thời tiết mưa nắng, côn trùng (mối mọt) xâm thực đã gây nên tình trạng xuống cấp. Hiện nay, nhiều cấu kiện gỗ của các di tích bị hư hại xuống cấp, nhất là các di tích có niên đại xây dựng cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn bị tiêu tâm, chỉ còn lớp vỏ bên ngoài. Hiện tượng này thậm chí dẫn đến sự đổ nát hoặc hủy hoại di tích, như trường hợp đình Thần Quy, đình cổ Chế (Phú Xuyên...), đình cổ Đô, Đình VĩnhPhệ (Ba Vì)...

Đối với các di tích trong các quận nội thành Hà Nội cũ còn có tình trạng vi phạm di tích; quá trình vi phạm di tích diễn ra nhiều nhất vào khoảng năm 60 của thế kỷ XX. Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đó cũng do nhiều lý do: đó là những người ở trong di tích từ ngày Giải phóng Thủ đô (1954), người đi kinh tế mới trở về vào những năm 1960, người dân bãi chạy lũ lụt vào ở nhờ di tích và nhiều nguyên nhân khác.

Trong nhiền năm qua, đặc biệt là 10 năm trở lại đây khi Luật Thủ đô được thông qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Xin ông chia sẻ những chuyển biến đó?



+ Về kết quả đạt được trong thời gian gần đây:

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được kết quả nhất định trên các mặt hoạt động chính như:

Ban hành nhiều văn bản pháp lý và văn bản chỉ đạo điều hành liên quan tới việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, như : Quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn Thành phố; Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND Thành phố ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội…

Theo đó, Thành phố thực hiện việc phân cấp quản lý di tích, trong đó trực tiếp quản lý 10 di tích tiêu biểu và phân cấp quản lý các di tích còn lại cho các quận, huyện, thị xã; Ngân sách thành phố đầu tư cho các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến và hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý; ngân sách cấp huyện đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích còn lại trên địa bàn và đối ứng cùng ngân sách Thành phố đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý.

Việc phân cấp đã đạt được hiệu quả nhất định trong việc tăng cường quyền hạn, trách nhiệm cho cơ sở, vừa đảm bảo sự quản lý tập trung, thống nhất và thông suốt của chính quyền Thành phố, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Công tác tổng kiểm kê di tích trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành vào cuối năm 2015, theo đó hàng năm đã dần hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho các di tích thông qua việc tổ chức lập hồ sơ xếp hạng cho trên 50 di tích/năm.

Công tác chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích đã được Thành phố và nhân dân quan tâm: giai đoạn từ 2012 đến tháng 5/2017, có khoảng 200 lượt di tích trên địa bàn Thành phố được tu bổ, sửa chữa; Hiện nay, Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trọng điểm như khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, khu Thành cổ Loa, làng cổ Đường Lâm và nhiều di tích khác đang được các cấp quan tâm triển khai thực hiện. 

Nguồn kinh phí đầu tư cho công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ các hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di tích và kinh phí từ xã hội hóa do tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Nhiều quận, huyện đã làm tốt công tác xã hội hóa, thu hút được sự đóng góp lớn từ các tổ chức, cá nhân.

Việc giải quyết những vi phạm di tích do lịch sử để lại cũng được quan tâm từng bước và hầu hết ngăn chặn được những lấn chiếm mới đối với di tích. Một số quận nội thành đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng và di chuyển được nhiều hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích, như tại đình Kim Ngân, đền Quan Đế, Bích Câu đạo quán, chùa Hoè Nhai, đền Đông Hạ, đền Hai Bà Trưng... Những công trình xây liền kề làm ảnh hưởng tới không gian, cảnh quan di tích cũng giảm nhiều so với những năm trước đây. Những vụ việc vi phạm di tích đã được phát hiện và phối hợp giải quyết kịp thời.

Một số địa phương đã quan tâm hơn đến công tác tuyên truyền phát huy giá trị di tích qua việc tổ chức hội thảo, viết sách hay làm tờ gấp giới thiệu di tích. Một số lễ hội lớn như: Hội chùa Hương, hội đền Và (Sơn Tây], hội Gióng... đã đi vào trật tự, nề nếp hơn. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến trong nhân dân pháp luật về di sản được quan tâm, chú trọng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao nhận thức, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào việc thực hiện mục tiêu tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản văn hóa của Hà Nội với công chúng trong và ngoài nước.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều "điểm nóng", gần đây như sự việc tại đình Lương Xá, tại Khu di chỉ khảo cổ học Vườn chuối. Vậy vấn đề chính của những tồn tại này là gì?

+ Do nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan nên hiện nay công tác quản lý di tích còn những khó khăn, tồn tại, vướng mắc. Cụ thể những vấn đề chính như sau:

Thứ nhất, là nhận thức về di sản văn hóa và việc bảo vệ di sản văn hóa vẫn chưa thực sự sâu sắc trong cộng đồng dân cư, thậm chí trong cả một số tổ chức, cá nhân được giao trông coi bảo vệ di tích nên vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm, xâm hại di tích chưa được phát hiện kịp thời hay ngăn chặn.

Thứ hai, hệ thống di tích có số lượng lớn, nhiều di tích xuống cấp, nguồn kinh phí cho tu bổ di tích còn thấp so với nhu cầu thực tiễn nên hiện nay còn rất nhiều di tích đã xếp hạng bị xuống cấp nhưng chưa có kinh phí tu bổ, sửa chữa; Cá biệt, có nơi di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ nhưng quận, huyện, thị xã chưa bố trí được ngân sách để tu bổ.

Thứ ba, là nguồn nhân lực quản lý di tích các cấp còn mỏng, thiếu kinh nghiệm, còn chưa xứng với yêu cầu thực tiễn.

Hiện nay, Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện là đơn vị tham mưu về công tác quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn; cán bộ tham gia quản lý di tích có 01 người và vừa phải kiêm nhiệm các lĩnh vực, công việc khác của phòng, thậm chí, là còn kiêm nhiệm quản lý di tích, do vậy, vẫn còn tình trạng chưa nắm bắt kịp thời các hoạt động tại di tích và chưa chủ động đề ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.

Đội ngũ chuyên gia và công nhân kỹ thuật có trình độ và tay nghề cao còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của việc bảo tồn di tích nên vẫn còn tình trạng vi phạm, kém chất lượng trong tu bổ.

Thứ tư, việc kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương chưa thường xuyên, kịp thời, dẫn đến việc hạ giải, thay thế một số hạng mục chưa đúng quy định, nhất là đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Thứ năm, là thời gian thực hiện các thủ tục thỏa thuận, thẩm định, phê duyệt việc tu bổ các di tích phải qua nhiều bước, kéo dài, nhiều điểm còn chồng chéo giữa quy định của pháp luật di sản với pháp luật về xây dựng gây khó khăn cho công tác tu bổ, tôn tạo và huy động các nguồn lực để tu bổ.

Chân thành cảm ơn chia sẻ của ông./.

 

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ