• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số

Thực hiện: Nam Nguyễn | 19/12/2023

(Tổ Quốc) - Bản Tà số 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La nằm ở độ cao 1.050 mét so với mực nước biển, cách Hà Nội 180km về phía Tây Bắc, xanh mát và yên bình. Cũng như 130 hộ dân tộc Mông khác trong bản, thu nhập chính của gia đình chị Sùng Y Hoa và anh Mùa A Hạng là từ nông nghiệp.

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 1.

Bản Tà Số Mộc Châu được mệnh danh là “viên ngọc thô” của cao nguyên Mộc Châu vì vẻ đẹp vừa nguyên sơ, vừa trong trẻo, lại ẩn chứa nhiều điều thú vị về văn hóa của bà con người Mông.

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 2.

Tà Số vốn là bản làng của người Mông với những nét đẹp văn hóa truyền thống được lưu giữ qua nhiều thế hệ. Nơi đây chia thành hai bản là Tà Số 1 và Tà Số 2. Ước tính có hơn 1000 nhân khẩu sinh sống tại Tà Số. Từ năm 2011, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, bản làng này bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng.

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 3.

Kể từ khi bản Tà Số 2 được chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng, gia đình chị Y Hoa và anh Hạng mạnh dạn bắt tay vào làm mô hình homestay và là một trong những gia đình tiên phong làm du lịch cộng đồng ở bản Tà Số 2. Cùng với gia đình anh chị, ở bản còn có 6 hộ đầu tư dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch.

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 4.

Để vào được nhà của chị Sùng Y Hoa, chúng tôi đã đi bộ qua một con đường nhỏ rải sỏi, hai bên xanh mát mắt với những hàng cây đào, cây mận trồng ngay ngắn. Xen lẫn giữa những gốc cây ăn quả là những vạt hoa theo mùa luôn khoe sắc quanh năm. Lấp ló trong sắc xanh của núi rừng ấy là ngôi nhà truyền thống của người Mông với mái lá, tường gỗ xinh xắn.

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 5.

Mở cánh cửa ra, đó là một không gian hoàn toàn khác hẳn, với chiếc giường nệm trắng tinh, với hệ thống vệ sinh khép kín hiện đại. Đây là ngôi nhà đã được vợ chồng chị Sùng Y Hoa xây dựng thành homestay để đón khách.

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 6.

Cẩn thận gạt từng hạt bụi bẩn khỏi chiếc ga giường trắng muốt, chị Sùng Y Hoa - người phụ nữ dân tộc Mông 30 tuổi đang phấn khởi chờ đón đoàn khách đã hẹn trước. Công việc dọn phòng cho khách đã trở thành công việc thường xuyên mỗi sáng của chị.

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 7.

Giới thiệu về homestay nằm giữa đỉnh đồi, bao quanh vườn cây thơ mộng của mình, chị Sùng Y Hoa cho biết, vợ chồng chị đặt tên homestay là Hoa Phong, bởi Phong có nghĩa là gió, ngôi nhà nằm trên đồi cao này luôn có hoa và quanh năm lộng gió. Hoa và gió cũng là đặc sản của vùng đất này. Họ chăm chút cho ngôi nhà của mình thật sạch, thật đẹp, để những du khách đến với bản, với homestay có thể ngắm hoa và nghe tiếng gió mỗi ngày.

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 8.

Du khách tới đây vào mùa nào cũng sẽ được thưởng lãm những cảnh vật cũng như các sản vật địa phương tại đây.

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 9.

Đầu cuối tháng 12 đầu tháng 1 là thời điểm hoa mai anh đào nở rộ, đây cũng là thời điểm thu hút đông khách du lịch tới với bản Tà Số nhiều nhất.

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 10.

Chị Sùng Y Hoa kể: "Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đón khách tôi khá hồi hộp. Tôi không biết phải nói gì và nấu gì cho họ ăn. Giờ thì tôi đã biết nhiều kỹ năng hơn. Tôi hoàn toàn có thể trò chuyện thoải mái với khách và phục vụ họ. Tôi chuẩn bị sẵn một thực đơn các món để khách có thể lựa chọn. Giờ tôi nấu được nhiều món khác nhau từ các nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà. Khách Việt thì thích thịt lợn, gà quay và các món rau trong khi khách ngoại thì thích món mỳ và thịt lợn quay".

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 11.

Những kỹ năng đó chị Hoa học được từ các khóa tập huấn nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua phát triển du lịch tại Lào Cai và Sơn La của dự án GREAT (do chính phủ Úc tài trợ). Không chỉ được học cách làm du lịch, học nấu ăn, tiếp khách, hỗ trợ trồng hoa, cây cảnh cho khu homestay, vợ chồng chị Hoa còn được đi tham quan các mô hình du lịch cộng đồng ở các tỉnh khác. Nhờ đó, chị có thêm kiến thức, kỹ năng để tự tin nói chuyện với khách, thuyết minh về văn hóa, phong cảnh địa phương.

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 12.

"Không chỉ vợ tôi mà phụ nữ trong bản giờ thay đổi nhiều lắm. Họ ý thức được bình đẳng giới, tự tin hơn và chủ động quản lý kinh tế gia đình. Khi nhà có khách thì trước đây vợ chỉ có ở dưới bếp. Ngày nay thì người phụ nữ năng động ra tiếp khách, biểu diễn văn nghệ, giao lưu với khách, phụ trách nấu nướng, dọn dẹp buồng phòng, cùng trò chuyện với khách về nếp sống của người bản địa. Dịch vụ homestay đã mang lại thu nhập thêm cho vợ chồng tôi. Bây giờ vợ chồng tôi có nhiều thứ để chia sẻ hơn. Chúng tôi bận hơn nhưng rất hạnh phúc", anh Mùa A Hạng tự hào.

Niềm hạnh phúc từ mô hình homestay trên bản Tà Số - Ảnh 13.

Homestay xinh xắn nằm trên đỉnh đồi tràn ngập gió và hoa. Niềm hạnh phúc được đôi vợ chồng người dân tộc Mông vun đắp và sẻ chia mỗi ngày.

NỔI BẬT TRANG CHỦ