(Tổ Quốc) - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng khẳng định niềm tin của cộng đồng NVNONN đối với sự phát triển của đất nước, niềm tự hào dân tộc trong bà con được củng cố và tăng cường.
Trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả 2 năm triển khai thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong tình hình mới, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng khẳng định, niềm tin của cộng đồng NVNONN đối với sự phát triển của đất nước, niềm tự hào dân tộc trong bà con được củng cố và tăng cường.
- Xin Thứ trưởng đánh giá về tác động của Kết luận số 12-KL/TW (KL12) đối với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) sau hơn 2 năm triển khai?
+ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng: Sau hơn 2 năm triển khai, với sự chỉ đạo và quan tâm sát sao của Lãnh đạo các cấp, sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và quyết tâm, trách nhiệm của những người làm công tác về NVNONN, KL12 đã tạo được tác động và chuyển biến rất tích cực trên nhiều mặt công tác NVNONN.
Trước hết, phải khẳng định rằng KL12 đã nâng cao hơn nữa nhận thức và sự quan tâm của cả xã hội về vai trò của cộng đồng NVNONN trong sự nghiệp đại đoàn kết, huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc cho khát vọng xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Công tác đối với NVNONN do đó ngày càng nhận được sự chú trọng và vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, được coi là một trong những ưu tiên ở các cơ quan đại diện và điều quan trọng là được kiều bào ta hết sức hưởng ứng và trân trọng.
Với KL12, công tác về NVNONN thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN. Tinh thần "chăm lo" và "trách nhiệm" ấy thực sự đi vào đời sống, được triển khai trên thực tế và đưa lại những kết quả rất thiết thực và ý nghĩa.
Công tác tham mưu, xây dựng chính sách đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Ủy ban Nhà nước về NVNONN tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các chính sách liên quan đến NVNONN, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của bà con trong các vấn đề về quốc tịch, xuất nhập cảnh, đầu tư, sở hữu tài sản…
Việc hỗ trợ kiều bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở sở tại rất được quan tâm. Trong các hoạt động đối ngoại, lãnh đạo ta cũng luôn đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh sống, học tập, làm việc.
Song song với công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, công tác tiếng Việt được quan tâm sâu sắc. Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2022, có thể coi là đột phá trong công tác này, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của cộng đồng.
Công tác đại đoàn kết, vận động và phát huy nguồn lực NVNONN là hai mảng công tác được đặc biệt chú trọng. Các hoạt động kết nối, phát huy nguồn lực kiều bào được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, mở rộng về số lượng và quy mô, thu hút bà con tham gia và hiến kế cho Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển; tham mưu, tư vấn chính sách nhằm giải quyết các vấn đề nổi lên trong thời gian qua như năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo...
Công tác thông tin tới NVNONN được đổi mới, đa dạng về nội dung và hình thức. Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông báo chí trong nước và truyền thông của NVNONN trong việc phát triển nội dung trên nền tảng số, kiều bào có thể dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận thông tin khách quan về mọi mặt tình hình đất nước.
Với những nỗ lực nói trên, niềm tin của cộng đồng NVNONN đối với sự phát triển của đất nước, niềm tự hào dân tộc trong bà con được củng cố và tăng cường. Đồng bào ta ở xa Tổ quốc ngày càng hướng về, chủ động và tích cực tham gia đóng góp cho đất Mẹ.
- Xin Thứ trưởng đánh giá về vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (CQĐD) trong việc triển khai KL12?
+ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng: Hiện nay, chúng ta có 94 CQĐD; trong đó hầu hết các địa bàn có đông kiều bào đều có sự hiện diện của CQĐD. Công tác đối với NVNONN được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của CQĐD.
CQĐD trực tiếp kết nối cộng đồng 6 triệu NVNONN với quê hương đất nước, góp phần củng cố đại đoàn kết dân tộc. CQĐD tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, cung cấp thông tin để đồng bào ta ở nước ngoài hiểu và và ủng hộ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, không hưởng ứng các hoạt động có hại cho lợi ích quốc gia dân tộc. Bên cạnh đó, CQĐD tiếp nhận các ý kiến của cộng đồng NVNONN đóng góp để xây dựng các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với kiều bào.
Một trong những kết quả nổi bật trong công tác cộng đồng của CQĐD thời gian qua là chăm lo, hỗ trợ cộng đồng NVNONN củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở sở tại. Tại những địa bàn cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, các CQĐD thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh công tác hỗ trợ người gốc Việt, qua đó từng bước tạo những chuyển biến tích cực, giúp bà con nâng cao địa vị pháp lý, hội nhập và ổn định cuộc sống ở sở tại. Tại những địa bàn xảy ra xung đột như Ucraina, Israel hay ở những địa bàn xảy ra thiên tai nặng nề như Thổ Nhĩ Kỳ…, các CQĐD phối hợp cùng các hội đoàn người Việt sở tại đã tích cực, kịp thời triển khai công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng, thực sự trở thành "điểm tựa" cho bà con trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn.
Ngoài ra, các CQĐD thường xuyên trao đổi với chính quyền sở tại đề nghị tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt ổn định cuộc sống, hội nhập tốt vào xã hội sở tại. Với sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực vươn lên của chính bà con, vai trò, vị thế của kiều bào ở sở tại ngày càng được củng cố và nâng cao. Sau CH Séc, tháng 6/2023, Chính phủ Slovakia đã công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số thứ 14 của nước này, khẳng định sự hội nhập thành công và những đóng góp của cộng đồng ta đối với sự phát triển của Slovakia.
Các CQĐD cũng đã tích cực quy tụ, tập hợp bà con, hỗ trợ thành lập các ban liên lạc người Việt Nam ở sở tại. Đặc biệt, tại những địa bàn có đông cộng đồng, công tác phát triển hội đoàn cũng có những bước đột phá, nhiều hội đoàn được lập mới và kiện toàn như ở Úc, Hội trí thức, chuyên gia Việt Nam – Úc với khoảng 300 thành viên chính thức được thành lập vào tháng 5/2023 trên cơ sở hợp nhất các câu lạc bộ trí thức người Việt tại các tiểu bang; tại Đức, ngày 3/12 vừa qua, Liên hiệp Hội người Việt tại Đức đã tổ chức thành công Đại hội thành lập.
Cùng với các hoạt động trên, các CQĐD còn chú ý triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ cộng đồng giữ gìn tiếng Việt, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa. Năm 2023 - năm đầu tiên triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN (ngày 08/9 hàng năm), các CQĐD đã tích cực cùng Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức hoạt động tìm kiếm sứ giả tiếng Việt; hỗ trợ các hội đoàn tổ chức các lớp học tiếng Việt dành cho con em kiều bào, động viên những người có kinh nghiệm đứng lớp giảng bài cho các em, qua đó lan tỏa tình yêu tiếng Việt, rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước tới thế hệ trẻ kiều bào như Campuchia, Lào, Thái Lan, Nhật Bản (Fukuoka)...
Phát huy vai trò trong việc huy động nguồn lực của kiều bào đóng góp cho sự phát triển của đất nước, các CQĐD đã tích cực phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức hơn 50 chương trình, sự kiện, hội nghị, hội thảo, tọa đàm… nhằm tập hợp ý kiến của kiều bào hiến kế cho đất nước, kết nối kiều bào với địa phương và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các CQĐD còn trực tiếp kêu gọi, vận động kiều bào hưởng ứng các phong trào quyên góp, từ thiện ở trong nước. Chính vì vậy, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, kiều bào luôn đồng hành và sẵn sàng ủng hộ. Tiêu biểu là trong đại dịch Covid-19 vừa qua, kiều bào đã đóng góp hơn 80 tỷ đồng tiền mặt và nhiều vật phẩm y tế trị giá hàng chục triệu USD cho công tác phòng chống dịch ở trong nước; phối hợp với các CQĐD triển khai ngoại giao vắc-xin, vận động các nước sở tại hỗ trợ vắc-xin, vật phẩm y tế cho Việt Nam.
Có thể nói, các CQĐD chính là lực lượng "tuyến đầu" trong triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào; là nơi thường xuyên, trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con. Những kết quả đạt được trong triển khai KL12 của Bộ Chính trị suốt hơn 2 năm qua có sự đóng góp quan trọng của các CQĐD VNONN.
- Vậy trong thời gian tới, định hướng triển khai công tác về NVNONN sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?
+ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng: Trong thời gian tới, công tác NVNONN cần được triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và KL12 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung vào một số trọng tâm sau:
Thứ nhất, chú trọng công tác nghiên cứu, theo dõi, nắm bắt tình hình cộng đồng NVNONN để kịp thời tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những chính sách liên quan đến NVNONN; triển khai hiệu quả những chủ trương, chính sách liên quan đến NVNONN, bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, từ trong ra ngoài.
Thứ hai, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc đối với NVNONN. Chú trọng công tác vận động hướng tới kiều bào trẻ, lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng. Kiên trì vận động những kiều bào còn định kiến để bà con yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc.
Thứ ba, chú trọng công tác chăm lo, đầu tư nguồn lực cho công tác hỗ trợ NVNONN. Củng cố và phát huy hơn nữa vai trò của các hội đoàn NVNONN, để những hội đoàn này thực sự là hạt nhân, có uy tín, ảnh hưởng lớn để quy tụ, hỗ trợ, phát triển cộng đồng ngày càng đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực của NVNONN đóng góp cho sự phát triển của đất nước thông qua việc hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của kiều bào; tăng cường tổ chức các hoạt động, hội nghị, hội thảo nhằm gắn kết doanh nhân, trí thức NVNONN với trong nước; phát huy nguồn lực và vai trò của kiều bào trong việc nâng cao vị thế quốc gia và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Thứ năm, đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng trong việc dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tăng cường công tác thông tin đối với NVNONN theo hướng đổi mới về nội dung và hình thức, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng NVNONN./.