Niềm vui của ngư dân ra khơi mùa gió Nam…
(Tổ Quốc) - Với ngư dân Quảng Bình, mùa gió Nam (hay còn gọi là gió Lào – PV) khoảng từ tháng 3 đến giữa tháng 9 hàng năm rất được ngư dân mong đợi bởi vào thời điểm đó tất cả các loại tàu, bơ nan (loại tàu nhỏ kết bằng tre)… của ngư dân đều đồng loạt ra khơi để đánh bắt cá.
Mỗi chuyến đi của người dân ở các vùng biển bãi ngang, vùng khó khăn ở các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh… đều bắt đầu từ khi trời bắt đầu chập choạng tối và trở về khoảng 2-7h sáng ngày hôm sau. Họ sử dụng các loại loại tàu cá hoặc "bơ nan chèo tạm" có gắn máy công suất nhỏ để ra khơi đánh bắt hải sản.
Mỗi chuyến đi của ngư dân vùng bãi ngang trở về, ngư dân kiếm được dăm bảy kg cá, tôm, mực như vậy là đủ để trang trải cuộc sống của gia đình mình. Chuyến đi may mắn, ngư dân câu được con mực ống, mực nang lớn thì số tiền mang lại có thể lên đến tiền triệu sau khi trừ các chi phí khác.
Đối với những tàu cá lớn, những chuyến ra khơi kéo dài hơn nửa tháng với lực lượng lao động là "bạn" đi cùng có khi hơn cả 10 người. Mỗi chuyến đi như vậy, ngư dân chỉ mong sao đánh bắt được hải sản chứa đủ khoang là có thể vào bờ.
Giai đoạn này, giá dầu đèn lên cao nên những chi phí cho mỗi chuyến đi lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng do vậy mỗi chuyến đi của các tàu lớn chỉ hi vọng lại vốn và có thêm dăm bảy triệu để chia cho "bạn" cùng tàu là may mắn đối với một chuyến đi biển của ngư dân…
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Bảo Ninh cho biết: Theo thống kê sơ bộ, xã này đã có 7 tàu cá cập bờ, thu về hơn 10 tỉ đồng nhờ trúng luồng cá nục. Trúng đậm nhất là tàu của ngư dân Phạm Tuyển, đánh bắt được 250 tấn cá nục, bán tại Cảng cá Nhật Lệ mỗi kg 10.000 đồng, thù về 2,5 tỉ đồng, lãi 1,8 tỉ đồng. Các chủ tàu còn lại như: Trần Đình Thuỷ, Nguyễn Ngọc Huy, Phạm Thạch, Nguyễn Thiết Kế, Nguyễn Đại Thắng, Nguyễn Quyết Tiến… thu được từ 1,2 tỉ đồng trở lên.
Theo ông Hiếu, đây là chuyến đi đầu tiên sau thời gian dài nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao của ngư dân Bảo Ninh. Xã Bảo Ninh hiện có 193 tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 90CV trở lên, trong đó hơn một nửa thường đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa.
Chuyến đi vừa rồi, để tiết kiệm chi phí, nên các chủ tàu tập trung đánh bắt ở vùng biển Vịnh Bắc bộ và đã trúng luồng cá nục. Mỗi chuyến đi ra khơi trở về với khoang tàu đầy cá tôm là sự khích lệ lớn để ngư dân tự tin vươn khơi, vươn xa để phát triển kinh tế và bảo vệ biển đảo trong giai đoạn hiện nay.