(Tổ Quốc) - Niềng răng được giới nha khoa nhận định là giải pháp hiệu quả giúp bạn có được nụ cười rạng rỡ với hàm răng đều đặn. Nhưng đâu mới là loại bạn nên làm?
Mạng xã hội đưa ra một nhận định hấp dẫn: Cô gái nào sắp tháo niềng là sắp lấy chồng. Dù đùa dù vui nhưng có một sự thật là niềng răng sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn vì bạn sẽ trở nên đẹp hơn, tự tin hơn và chuyện thành công hơn cũng là điều khó tránh.
Niềng răng được giới nha khoa nhận định là giải pháp hiệu quả giúp bạn có được nụ cười rạng rỡ với hàm răng đều đặn. Hiện nay, có nhiều phương pháp niềng răng khác nhau, phù hợp với nhu cầu và điều kiện cụ thể của mỗi người.
Trong thế giới nha khoa hiện đại, niềng răng không chỉ là một giải pháp chỉnh nha mà còn là phương tiện để cải thiện sự tự tin cho mỗi cá nhân. Niềng răng không chỉ giúp hàm răng đều thẳng tắp, khuôn mặt cân đối hơn mà còn giúp cải thiện chức năng ăn nhai và phát âm. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp niềng răng phù hợp rất quan trọng.
Theo BS Nguyễn Thị Hà (chuyên khoa Răng Hàm Mặt, làm việc tại Hà Nội), hiện nay có rất nhiều kiểu niềng răng cho chúng ta thỏa sức lựa chọn. Mỗi loại niềng răng đều có những ưu điểm riêng biệt cũng như nhược điểm đi kèm, chị em hãy cân nhắc để lựa chọn cho mình giải pháp tốt nhất tìm nụ cười xinh.
Các phương pháp niềng răng phổ biến hiện nay cùng những ưu - nhược điểm đi kèm, bao gồm:
1. Niềng răng mắc cài kim loại
Đây là phương pháp sử dụng mắc cài và dây cung bằng hợp kim cao cấp không gỉ để nắn chỉnh răng.
- Ưu điểm: Chi phí phải chăng, độ bền cao và hiệu quả đối với hầu hết các trường hợp chỉnh nha.
- Nhược điểm: Kém thẩm mỹ do mắc cài kim loại rõ ràng, có thể gây khó chịu và miệng dễ bị tổn thương ban đầu.
2. Niềng răng mắc cài sứ
Phương pháp là sự kết hợp dây cung kim loại truyền thống với mắc cài bằng sứ sinh học. Mắc cài sứ có cùng hình dáng với mắc cài kim loại nhưng khó nhận ra nhờ việc chế tạo cùng màu răng tự nhiên.
- Ưu điểm: Thẩm mỹ hơn mắc cài kim loại do màu sứ phù hợp với màu răng tự nhiên.
- Nhược điểm: Có thể bị bám bẩn hơn và có độ bền thấp hơn so với mắc cài kim loại. Chi phí cao hơn niềng răng mắc cài kim loại.
3. Niềng răng mắc cài tự động
Niềng răng mắc cài tự động cũng sử dụng mắc cài hoặc dây cung để tạo lực dịch chuyển răng. Niềng răng được thiết kế với rãnh trượt và nắp để giữ cho dây cung giữ chắc vào mắc cài, thay vì sử dụng hệ thống chun buộc.
- Ưu điểm: Đòi hỏi ít lần điều chỉnh hơn, giảm thời gian ghé nha sĩ và thời gian điều trị có thể ngắn hơn.
- Nhược điểm: Chi phí cao hơn các loại mắc cài truyền thống, vẫn có thể cảm thấy bất tiện do cấu trúc mắc cài.
4. Niềng răng mắc cài mặt trong
Phương pháp tương tự niềng răng mắc cài kim loại, phù hợp cho những người quan trọng ngoại hình, phải giao tiếp nhiều như MC, diễn viên, ca sĩ...
- Ưu điểm: Thẩm mỹ tối ưu vì mắc cài được lắp đặt ở mặt trong của răng, gần như không thể nhìn thấy từ bên ngoài. Phù hợp cho những người quan tâm đặc biệt đến vấn đề thẩm mỹ trong suốt quá trình điều trị.
- Nhược điểm: Phương pháp có thể mất thêm thời gian để thích nghi vì có thể gây cảm giác bất tiện hoặc khó chịu cho lưỡi, khó khăn hơn trong việc vệ sinh răng miệng. Niềng răng kiểu này thường đắt hơn so với các loại mắc cài khác, đòi hỏi kỹ thuật chính xác hơn và kinh nghiệm của nha sĩ chỉnh nha.
5. Niềng răng trong suốt
Khác với phương pháp niềng răng mắc cài, niềng răng trong suốt (Invisalign) lại có ưu điểm vượt trội hơn và hiện đang được nhiều khách hàng ưa chuộng hơn.
Niềng răng trong suốt Invisalign là phương pháp nắn chỉnh răng hiện đại nhất hiện nay. Thay vì sử dụng mắc cài và dây cung gắn trực tiếp lên răng, phương pháp này sử dụng khay niềng trong suốt có xuất xứ từ Mỹ, được thiết kế riêng biệt và duy nhất cho mỗi khách hàng.
Các khay này được lắp vào toàn bộ cung răng với những điểm tạo lực để đưa răng đến vị trí mong muốn. Nhờ đó, răng bạn có thể dễ dàng điều chỉnh về đúng khớp cắn, thuận tiện hơn hẳn các phương pháp niềng răng mắc cài.
- Ưu điểm: Gần như không nhìn thấy khi đeo, có thể tháo ra khi ăn và đánh răng, gây khó chịu ít hơn so với mắc cài truyền thống.
- Nhược điểm: Chi phí cao, không phù hợp cho một số trường hợp phức tạp, đòi hỏi kỷ luật cao của người dùng trong việc đeo đủ 22 tiếng mỗi ngày.