(Cinet)- Lễ công bố và đón nhận “Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận” được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tổ chức vào sáng 19/10 tại Tháp Pô Klong Garai (TP Phan Rang-Tháp Chàm); Tháp Pô Rômê và Đền Pô Inư Nưgar (huyện Ninh Phước).
Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: TCDL) |
Lễ hội Katê của người Chăm diễn ra trong 3 ngày, trong đó sự kiện chính diễn ra ngày 1 tháng 7 theo lịch Chăm (khoảng từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 10 dương lịch) trên một không gian rộng lớn, lần lượt từ đền tháp (Bi môn, Ka lan) đến làng (Paley) và từng gia đình (Nga wôm), tạo thành một dòng chảy phong phú, đa dạng.
Đây là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm. Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính - nơi lưu giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm mà còn gắn tới lĩnh vực khác của văn hoá: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với nước với dân. Lễ hội còn là dịp để những người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca - múa - nhạc dân gian với phong cách độc đáo. Những người tham dự lễ hội được hoà cùng điệu múa của các cô thiếu nữ Chăm, say sưa cùng tiếng trống Gi năng, kèn Saranai. Lễ hội Katê là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Ninh Thuận chính thức được ghi tên trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2017 của Bộ VHTTDL.
Ngoài Lễ hội Katê, trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia còn có Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước). Cùng với làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp (một làng khác của thị trấn Phước Dân), làng gốm Bàu Trúc được coi là hai làng nghề cổ xưa nhất của Đông Nam Á, hình thành cách đây khoảng 500 năm và hiện còn bảo lưu cơ bản kỹ thuật chế tác hoàn toàn bằng thủ công truyền thống. Ngoài sản xuất những vật dụng gia đình, sản phẩm gốm Bàu Trúc ngày nay nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, đa dạng về chủng loại và mẫu mã, đặc biệt đã tạo ra dòng sản phẩm có tính mỹ thuật cao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Lễ công bố Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc là di sản văn hóa phi vật thể sẽ được tổ chức vào ngày 20/10 tại Sân vận động làng nghề Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.
Bình Nguyên (t/h)