Trong năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận sẽ triển khai việc lập và trình UNESCO công nhận Lễ hội Katê là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lễ hội Katê. Ảnh Phương Thảo/Báo Du lịch
Trong năm qua, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được triển khai sâu rộng, đồng bộ đã góp phần tạo môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thông tin, cổ động, triển lãm, hoạt động văn hóa, văn nghệ đã được triển khai rộng khắp tới vùng sâu, vùng xa, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Các hoạt động tham gia liên hoan văn hóa, văn nghệ cấp khu vực và toàn quốc đạt được nhiều thành tích tốt, từ đó quảng bá thêm được hình ảnh về văn hóa, con người, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Đặc biệt, trong công tác quản lý di sản: Ngành VHTTDL tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội và quản lý di tích lịch sử văn hóa; triển khai Luật Di sản văn hóa, Thông tư, Nghị định và các văn bản khác trên lĩnh vực quản lý di sản văn hóa. Ngành đã lập hồ sơ trình Tổ chức UNESCO ghi danh "Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc" vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp; "Lễ bỏ mả của người Raglai" đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; Hoàn thiện hồ sơ khoa học xếp hạng 2 di tích và 2 danh thắng cấp tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh... Các sự kiện văn hóa này thu hút được sự quan tâm đông đảo của công chúng, du khách và nhân dân tỉnh.
Phát huy những thành tích đã đạt được, năm 2019, ngành VHTTDL tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh; Tham mưu, hướng dẫn công tác tuyên truyền và tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh trong năm 2019;…
Bên cạnh đó, nghiên cứu và làm rõ giá trị di tích tháp Hòa Lai và tháp Po Klong Garai gắn với hệ thống tháp Chăm các tỉnh miền Trung để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới trong những năm tới. Đặc biệt, phối hợp triển khai việc lập và trình UNESCO công nhận Lễ hội Katê là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.