• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống tại Sơn La

Văn hoá 02/11/2023 13:58

(Tổ Quốc) - Sơn La có đặc thù là tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại; trong đó có nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trên địa bàn tỉnh có những cặp vợ chồng còn rất trẻ nhưng đã có con được vài năm.

Nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống tại Sơn La - Ảnh 1.

Đẩy mạnh tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Hệ lụy từ tảo hôn

Trong quá trình tìm hiểu về cuộc sống của những cặp vợ chồng nên duyên từ lúc còn rất trẻ, vẫn đang tuổi ăn, tuổi học đã phải làm bố mẹ, có nhiều câu chuyện khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn ái ngại.

Tình trạng tảo hôn làm cho cuộc sống những gia đình trẻ thêm đói nghèo, sức khỏe không ổn định, gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Chỉ mới 16 tuổi, thế nhưng "vợ chồng" em G.T.M và V.A.T (xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) đã về ở chung với nhau được 2 năm. M. và T. quen nhau trong thời gian theo học ở Trường PTDT nội trú rồi sau đó cùng nghỉ học khi mới hết lớp 9.

Gia đình cho biết, vì chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định nên 2 em chưa thể làm đám cưới. Dù chưa phải là vợ chồng theo đúng quy định mà pháp luật cho phép thế nhưng M. đã chuẩn bị kỳ sinh nở. Cả hai vợ chồng đều phân vân chưa biết nuôi con như thế nào khi vẫn phụ thuộc vào bố mẹ.

Chia sẻ với chúng tôi, em V.A.T cho biết, cuộc sống của hai em hiện tại rất khó khăn. Miếng ăn chủ yếu là do em đi làm nương để trồng ngô, sắn. Bố mẹ em phải đi làm thuê ở vùng đô thị để trang trải cuộc sống gia đình. Tằn tiện chi tiêu lắm mới có thể thu xếp được một ít tiền gửi về cho em trang trải cuộc sống.

Dù biết việc lập gia đình sớm sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng nhiều em đang ở trong tuổi ăn, tuổi lớn vẫn bỏ học. Và câu chuyện tương tự như "vợ chồng" em G.T.M và V.A.T không phải là hiếm trên địa bàn xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Bỏ học hơn 2 năm để về nhà lấy chồng, em V.T.S (xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên) đến nay vẫn chưa thể làm đám cưới và được đăng ký kết hôn do các quy định của pháp luật về độ tuổi hôn nhân. Cuộc sống của em hiện chỉ trông vào hạt bắp, củ sắn trên nương rẫy.

Chia sẻ với chúng tôi, em V.T.S cho biết, hồi đi học, các thầy cô giáo cũng bảo em là còn nhỏ lắm, đi học chứ đừng bỏ học, cố gắng đến trường để học cùng các bạn. Cô giáo còn bảo em, nhà nghèo rồi cố gắng học đi để sau này thoát khỏi nghèo nhưng khi về đến nhà bố em bảo bỏ học để đi lấy chồng nên em nghe theo.

"Mình cứ về sống chung với nhau, còn việc tổ chức đám cưới khi nào nhà có điều kiện thì làm, nếu không có điều kiện thì thôi" - em S. chia sẻ.

Nghèo càng thêm nghèo

Không chỉ riêng huyện Bắc Yên, tại huyện Vân Hồ những năm qua, nạn tảo hôn cũng diễn biến phức tạp.

Đến xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, chúng tôi được chứng kiến nhiều cảnh đời là nạn nhân của tảo hôn. Hiện nay, xã Lóng Luông có 1.395 hộ với 6.793 nhân khẩu (trong đó, đồng bào dân tộc Mông chiếm hơn 80%). Theo số liệu thống kê, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn xã đã có 38 cặp tảo hôn.

Ông Mùa A Di, cán bộ tư pháp-hộ tịch xã Lóng Luông cho biết, từ năm 2020, số lượng cặp tảo hôn trên địa bàn gia tăng khiến việc làm giấy khai sinh cho trẻ gặp vướng mắc.

“Muốn khai sinh cho con, bố mẹ phải có giấy đăng ký kết hôn. Các cặp tảo hôn sẽ không đủ điều kiện để được cấp giấy đăng ký kết hôn, vì vậy chưa thể làm giấy khai sinh cho con. Những trường hợp này chỉ được cấp giấy chứng sinh và phải đợi đến khi bố mẹ đủ tuổi đăng ký kết hôn, điều này dẫn đến tình trạng khai sinh muộn, khai sinh quá hạn”, ông Mùa A Di nói.

Số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, toàn huyện Vân Hồ có tới 53 trường hợp tảo hôn và con số này chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống tại Sơn La - Ảnh 2.

Đẩy mạnh tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

"Năm 2022, số vụ tảo hôn ở Vân Hồ tăng 6,25% so với năm 2021. 6 tháng đầu năm 2023, số vụ tảo hôn cũng đã tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Theo số liệu thống kê, cứ 4 cặp kết hôn lại có 1 cặp tảo hôn. Độ tuổi tảo hôn đối với nam là 15-16, nữ 12-14 tuổi, chủ yếu tập trung ở nhóm người Mông" - ông Sồng A Phư, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Hồ cho hay.

Cùng với đó, tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở Vân Hồ cũng tăng cao, nguyên nhân do nhận thức của đồng bào còn hạn chế, vẫn còn quan niệm “trọng nam khinh nữ” nên bằng mọi cách phải đẻ được con trai.

Ông Sồng A Phư chia sẻ thêm, có nhiều trường hợp, khoảng cách giữa những lần sinh con quá ngắn, người mẹ không có thời gian nghỉ ngơi để chăm sóc sức khỏe giữa các lần sinh. Cùng với đó, do không có việc làm ổn định, kinh tế khó khăn nên nhiều gia đình đã bao năm vẫn không thể thoát nghèo.

Cần những giải pháp đồng bộ ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết

Thực trạng đáng báo động này đã để lại nhiều hệ lụy, cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt để hạn chế, ngăn ngừa. Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng tảo hôn, ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho biết, ở một số nơi quan niệm, hủ tục lạc hậu đã ăn sâu vào nhận thức của người dân, trực tiếp ảnh hưởng và chi phối đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bà con cho rằng, cho con kết hôn sớm để gia đình có thêm người lao động hoặc kết hôn trong cùng họ tộc thì mới giữ được tài sản của gia đình, dòng họ. Ngoài ra, trình độ dân trí, hiểu biết về pháp luật và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn hạn chế.

Cùng với đó, việc can thiệp, ngăn chặn của chính quyền địa phương đối với tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống chưa triệt để, thiếu quyết liệt, không thể hiện rõ vai trò nêu gương của người đứng đầu. Thực tế cho thấy, không chỉ người dân, mà có nơi cả cán bộ, đảng viên ở cấp xã cũng vi phạm, tạo ra sự nể nang, né tránh.

Để ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng này, trong thời gian qua, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2015-2025" theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La Thào Xuân Nếnh cho hay, thực hiện đề án, các địa phương đã vào cuộc triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó, nhiều huyện, thành phố tập trung vào truyền thông trong đối tượng là các em học sinh Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở để các em sớm nhận biết tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ ở thôn, bản cũng sẽ là cầu nối, cánh tay đắc lực góp phần hạn chế tình trạng tảo hôn.

"Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thường xuyên bám, nắm cơ sở, bám sát thực tiễn để kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thông" - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La Thào Xuân Nếnh cho hay./.

PV

NỔI BẬT TRANG CHỦ