• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nỗ lực đến gần với khán giả nhí

30/05/2018 07:19

(Cinet) - Mừng ngày Quốc tế thiếu nhi năm nay, nhiều chương trình nghệ thuật sôi động đã được các nghệ sĩ dày công tập luyện để mang đến những vở diễn hấp dẫn tạo niềm vui, tiếng cười cho trẻ thơ.

(Cinet) - Mừng ngày Quốc tế thiếu nhi năm nay, nhiều chương trình nghệ thuật sôi động đã được các nghệ sĩ dày công tập luyện để mang đến những vở diễn hấp dẫn tạo niềm vui, tiếng cười cho trẻ thơ.

Đa dạng các loại hình biểu diễn nghệ thuật, tạp kỹ

“Khán giả nhí” là một trong những ưu tiên quan trọng của nhiều nhà hát hiện nay, đặc biệt là dịp hè, khi các em có nhiều thời gian để tham gia và thưởng thức các show diễn. Mở màn chuỗi các chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho thiếu nhi năm nay Nhà hát Tuổi trẻ đã mang đến 03 chương trình gồm: “Căn bếp đại chiến” (Đoàn kịch 1), “Niềm vui của đám gà nhà” (Đoàn kịch 2) và “Giấc mơ của nàng tiên cá” (Đoàn ca múa nhạc). Nhà hát Tuổi trẻ cũng là một trong những nhà hát tiên phong với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật tạp kỹ hấp dẫn dành cho khán giả nhí quanh năm.

Các nghệ sĩ trong chương trình múa rối "Đi phượt cùng bà lão đánh cá". Nguồn: Nhà hát múa rối Trung ương

Đi đầu trong các phong trào, các chương trình biểu diễn múa rối chất lượng của thủ đô, không thể không kể tới Nhà hát Múa rối Thăng Long và Nhà hát Múa rối Việt Nam. Trong dịp này, Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa chính thức giới thiệu vở rối mới “Đi phượt cùng bà lão đánh cá” dưới sự dàn dựng của đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng cùng sự tham gia của tập thể diễn viên đoàn diễn 1 của Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Nhà hát Múa rối Thăng Long lại mang đến chương trình “Thế giới của chúng em 2”, một chương trình nghệ thuật tổng hợp với phong cách dàn dựng mới lạ của NSƯT Đức Hùng. Trong chương trình các em nhỏ sẽ được gặp gỡ những thần tượng tuổi thơ của mình, được hòa mình với các nền văn hóa đa sắc màu về thế giới quanh ta thông qua chuyến du lịch của các ông bà nội, ngoại….Đặc biệt, đạo diễn Đức Hùng đã khéo léo lồng những nhân cổ tích Việt Nam vào vở diễn như Thạch Sanh, mẹ con Lý Thông, Công chúa Quỳnh Nga, đại bàng…một cách rất sáng tạo và độc đáo. Bên cạnh đó, là các tiết mục múa rối rực rỡ sắc màu như: “Hoa ban đỏ”,”Vườn thú đáng yêu”,” Đại dương xanh”, “Cô bé quàng khăn đỏ”, đặc biệt là câu chuyện về "Nàng công chúa ngủ trong rừng”.

Điểm chung của các vở diễn này là tái hiện những câu chuyện cổ tích đã gắn bó với trẻ thơ để sáng tạo nên những vở diễn vô cùng đặc sắc. Nguồn: Liên đoàn xiếc Việt Nam

Cũng từ 26/5 - 3/6 tại Rạp Xiếc Trung ương, Liên đoàn Xiếc Việt Nam ra mắt chương trình ''Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên'' phục vụ các em thiếu nhi. Theo NSƯT Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chương trình sử dụng nhiều tiết mục xiếc thú đặc sắc như: Voi, trăn, khỉ, chó, lợn, vẹt... cùng sự xuất hiện của nhiều nhân vật hoạt hình nổi tiếng như công chúa tóc mây, chú mèo máy Doraemon, gấu Kungfu Panda... để tạo nên “khu rừng thần tiên” hấp dẫn đối tượng “khán giả nhí”.

Điểm chung của các vở diễn này là tái hiện những câu chuyện cổ tích đã gắn bó với trẻ thơ để sáng tạo nên những vở diễn vô cùng đặc sắc, “vừa lạ, vừa quen” và rất thú vị. Bên cạnh đó là sự hòa trộn của đa dạng các loại hình biểu diễn nghệ thuật như hài kịch, múa rối, ca múa nhạc, xiếc, tạp kỹ, hoạt cảnh…

NSND Nguyễn Tiến Dũng – Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết “Chúng tôi lấy ý tưởng từ các câu chuyện cổ tích làm đề tài luôn phù hợp và gần gũi với các em thiếu niên nhi đồng, năm nay cũng vậy câu chuyện được lựa chọn là Ông lão đánh cá và con cá vàng”.

Nỗ lực đến gần với khán giả nhí

Từ Bắc vào Nam, có thể thấy rằng các vở diễn do các nhà hát dàn dựng rất đa dạng và phong phú về hình thức thể hiện. Các chương trình đặc sắc, đầy ắp tính thẩm mỹ, tính giáo dục. Các nhà hát đã có sự tìm tòi, có sự đổi mới, lồng ghép từ nội dung cốt truyện cũng như hình thức để đáp ứng nhu cầu của các khán giả nhí.  Điều này thể hiện nỗ lực của các nhà hát để đến gần với khán giả.

Hình ảnh trong vở diễn "Nàng tiên cá". Nguồn: NHTT

Như đối với vở rối “Đi phượt cùng bà lão đánh cá”, cốt truyện được lựa chọn là “Ông lão đánh cá và con cá vàng” nhưng lần này nhân vật chính không phải là Ông lão mà là Bà lão - vợ của ông. “Sở dĩ lấy nhân vật Bà lão đánh cá làm nhân vật chính để các nhân vật khác xoay xung quanh tạo nên những tình huống, cảnh diễn gây cười cũng như gây khó chịu, tức tối cho người xem bởi lòng tham của người đàn bà này, thông qua vở diễn muốn cho các em thiếu nhi nhạn ra cái xấu của tính ích kỉ, trong cuộc sống không được tham lam và Bà lão đánh cá là nhân vật điển hình cho thói xấu đó” – NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết.

Tuy nhiên, do hướng phục vụ đối tượng chính là thiếu nhi, nên các vở diễn còn có nội dung khá đơn giản dễ truyền tải và thẩm thấu, không đi sâu vào nội tâm nhân vật mà tập trung nhiều vào phần sân khấu, hóa trang, phục trang bắt mắt, cùng các phân đoạn gây cười cho khán giả nhí.

NSƯT Chu Lượng - Phó giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long chia sẻ “Chúng ta phải luôn có những món ăn tin thần dành cho các các bạn nhỏ. Tuy nhiên, cái khó của chúng tôi cũng giống nhiều đơn vị nghệ thuật khác. Đó chính là hiện nay, tác giả viết kịch bản cho thiếu nhi không nhiều. Chủ yếu chỉ có những tác phẩm dành cho người lớn. Với cá nhân mình, tôi thấy các chương trình dành cho thiếu nhi là rất quan trọng. Vì đó là mầm non cho tương lai đất nước. Chúng ta phải xây dựng những chương trình đặc sắc, mới lạ nhưng phải gắn với tinh thần của người Việt Nam”.  

Như tại Nhà hát Múa rối Thăng Long, Hội đồng nghệ thuật đã có sự chắt lọc kỹ lưỡng. Những vở diễn phải mang tính trong sáng, hồn nhiên gần gũi với trẻ em mới được lựa chọn. Để làm được điều đó việc đầu tiên là phải xâm nhập và gần gũi với trẻ thơ. Đó cũng là lý do các câu chuyện, các nhân vật cổ tích được số đông các nhà hát lựa chọn.

“Qua nhiều chương trình dàn dựng và rút ra nhiều kinh nghiệm. Nhà hát đã có hướng đi mới. Điều này được kiểm chứng trong chương trình “Đón Noel 2017”, chúng tôi đã đưa những nhân vật cổ tích của người Việt đã đi vào tâm hồn trẻ thơ, thông qua các vở múa rối, thông qua nghệ sĩ múa rối, chúng tôi diễn và kể cho các cháu nghe. Cho các cháu hiểu sự kết tinh văn hóa lâu đời của người Việt cần phải được giữ gìn.” - NSƯT Chu Lượng cho biết.

 

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ