• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nỗ lực đưa dân ca xứ Nghệ trở thành di sản văn hóa phi vật thể thế giới

27/08/2011 22:17

Nhằm bảo tồn và phát huy vốn dân ca xứ Nghệ, từ nay đến năm 2015, tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành xây dựng hồ sơ, tài liệu trình UNESCO xem xét công nhận Dân ca xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Nhằm bảo tồn và phát huy vốn dân ca xứ Nghệ, từ nay đến năm 2015, tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành xây dựng hồ sơ, tài liệu trình UNESCO xem xét công nhận Dân ca xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Từ lâu, dân ca xứ Nghệ đã đi vào tâm hồn, trí tuệ và trở thành cốt cách, đời sống của người dân xứ Nghệ. Sức sống và sự trường tồn của nó đã được khẳng định qua thời gian, minh chứng cho những giá trị văn hóa tinh thần giàu bản sắc của con người xứ Nghệ.

Dân ca xứ Nghệ được ra đời từ quần chúng lao động, sản sinh trong lòng quần chúng và được quần chúng nuôi dưỡng qua bao thế hệ. “Phải trả nó về với cộng đồng, với đời sống hàng ngày của người dân như người xưa từng gìn giữ. Như thế dân ca mới có sức sống lâu bền được”- NSƯT Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đề nghị.

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An cũng đã tích cực thành lập các câu lạc bộ hát dân ca. Thế nhưng, trên thực tế chỉ có khoảng 25 câu lạc bộ hoạt động trên tổng số gần 70 câu lạc bộ hát dân ca xứ Nghệ đã thành lập. Nguyên nhân của sự "chết chìm” này là thiếu kinh phí, thiếu sự quan tâm của địa phương, phong trào không phát triển được. Ngay như câu lạc bộ Hồng Sơn (huyện Quỳnh Lưu) dù đã hoạt động thường xuyên hơn 10 năm và được đánh giá là hiệu quả nhất, nhưng hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn bởi câu lạc bộ không thuộc xã nào quản lý nên không được hỗ trợ về kinh phí và địa điểm để diễn tập (vì thành viên CLB được tập hợp từ ba xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Hậu, Quỳnh Thạch). Để được hát, để được sống với dân ca, những nghệ sĩ “chân lấm tay bùn” hàng năm vẫn phải tự đóng kinh phí để mua sắm nhạc cụ, trang phục. Tình cảnh đó cũng là điều thường thấy ở tất cả các câu lạc bộ khác. Riêng tại thành phố Vinh, mang tiếng là nơi “đô hội”, nơi có nhiều điều kiện nhất để phát triển nhưng đến nay vẫn chưa có câu lạc bộ nào được thành lập.

Tiêu chí phải có nghệ nhân dân gian truyền nghề cũng là một điều nan giải. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện chỉ có 8 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Đây là tác giả của những câu hát phường vải đầu tiên và chính họ là những người bảo lưu, kế thừa và phát huy vốn hát ví, vốn ca dao, dân ca truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa quê hương. Thế nhưng với yêu cầu của UNESCO đưa ra là “nghệ nhân đã truyền nghề cho bao nhiêu thế hệ và truyền được bao nhiêu làn điệu” thì lại là một câu hỏi khó. Một cuộc kiểm tra mới đây nhất của Viện nghiên cứu Âm nhạc dân gian Việt Nam với các nghệ nhân hát dân ca của xứ Nghệ thì kết quả cho thấy: phần lớn các cụ đã già và khá lâu rồi cũng không còn hát dân ca. Việc truyền nghề cũng rất khó khăn bởi trí nhớ của các cụ không còn minh mẫn nữa. Kể cả những người làm công tác văn hóa ở cơ sở, rất nhiều người không biết hát dân ca hay hò ví dặm.

Quá trình tìm lại các tư liệu cũ liên quan đến dân ca xứ Nghệ cũng gặp nhiều khó khăn bởi những năm qua công tác gìn giữ chưa được các ngành quan tâm. Ví như, tư liệu về Bác Hồ về lại quê nhà nghe hát Phường vải nay không còn tìm thấy hồ sơ gốc. “Đó lại là một chi tiết quan trọng để khẳng định dân ca đã rèn dạy cho con người xứ Nghệ chí khí yêu nước”- NSƯT Hồng Lựu cho biết thêm.

Để dân ca xứ Nghệ sớm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, chung sức, chung lòng ngay từ cấp cơ sở cho đến cấp cao hơn. Động lực hiện nay để các cán bộ, nhân viên anh em nghệ sĩ ở Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ (đơn vị được giao hoàn thiện hồ sơ) là tấm lòng và tình yêu với dân ca quê hương. Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã tổ chức đi nghiên cứu, sưu tầm, ghi băng, quay hình những làn điệu dân ca truyền miệng trong đời sống nhân dân. Xây dựng môi trường không gian văn hóa hò, ví, dặm với hình thức phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động đối với các Câu lạc bộ đàn, hát dân ca ở cơ sở. Thêm vào đó là việc phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa môn dạy hát dân ca vào trường học, rồi dạy hát dân ca trên truyền hình tỉnh để tuyển chọn những hạt nhân cho bộ môn nghệ thuật này. Trung tâm cũng tổ chức Hội thi đàn - hát dân ca toàn tỉnh; tổ chức tọa đàm khoa học “Bảo tồn dân ca (hò, ví, dặm) trong cơ chế mở cửa, hội nhập quốc tế”; giới thiệu, quảng bá di sản dân ca hò, ví, dặm với hình thức in sách, đĩa hình, đĩa tiếng DVD, CD phát hành rộng rãi trong công chúng.

Thời gian tới, Trung tâm sẽ tổ chức đi tham quan tại quê hương của các làn điệu Quan họ, Ca trù hay Nhã nhạc Huế để học tập kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa thế giới./.

 

Theo TTX

NỔI BẬT TRANG CHỦ