• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nỗ lực giảm nghèo thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Pháp luật 15/11/2023 19:11

(Tổ Quốc) - Ngày 15/11, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng thực hiện Chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.

Tham gia tập huấn có, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hằng; Phó Vụ trưởng Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc Đinh Xuân Thắng; cùng đông đảo các phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Nỗ lực giảm nghèo thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hằng cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ triển khai dự án giảm nghèo về thông tin.

Hội nghị "Tập huấn nâng cao kỹ năng, năng lực thực hiện chương trình giảm nghèo về thông tin thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025" được tổ chức nhằm nâng cao năng lực truyền thông; kỹ năng viết bài cho các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là cung cấp thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thông tin cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã có tỉ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại hội nghị, các giảng viên sẽ cung cấp các thông tin tập trung vào 3 nội dung. Thứ nhất, về chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin đối với một số đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ hai là các chính sách về dân tộc và miền núi. Thứ ba là kỹ năng viết bài, truyền thông về đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

"Với những nội dung thiết thực như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ ngày càng tăng cường sự phối hợp thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước và các phóng viên, biên tập viên, để góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo nói chung"- bà Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh.

Thông tin về chuyên đề Một số chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2015, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc Đinh Xuân Thắng cho biết, thông tin là một trong 5 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều bao gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin. Đến năm 2021-2025 đưa thêm một dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều là việc làm. Tiêu chí xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận thông tin bao gồm: Sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Xuân Thắng, hiện nay, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc thiếu tivi, radio, máy tính để bàn thì cần quan tâm đến việc nếu có những thiết bị này thì thì họ sử dụng như thế nào. "Tôi đi phỏng vấn ở Hà Giang, có thực tế rất nhiều hộ nghèo được cấp tivi, radio, nhưng chưa bao giờ mở ra, không xem, không nghe, và họ không có thời gian để nghe. Ví dụ đồng bào Mông ở Hà Giang đi làm từ 3 giờ sáng đến 9 – 10 giờ tối mới về thì họ xem tivi vào lúc nào. Qua đó, cho thấy, việc cấp thiết bị cho hộ nghèo cũng có hai mặt, bởi cần định hướng tốt, đánh giá đúng thực trạng, có thiết bị nhưng dùng như thế nào là nội dung cần phản ánh khách quan, do đó việc thông tin đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng" - ông Đinh Xuân Thắng chia sẻ thêm.

Nỗ lực giảm nghèo thông tin cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Không gian hội nghị

Trong giai đoạn 2021-2025, có một số chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin như: Chính sách cung cấp dịch vụ bưu chính công ích; chính sách hỗ trợ hoạt động báo chí cung cấp thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; chính sách hỗ trợ tiếp cận thông tin thông qua 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Trong giai đoạn này, để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận thông tin, công tác truyền thông chính sách rất quan trọng, vậy nên Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc đề nghị, các cơ quan báo chí đồng hành cùng Ủy ban Dân tộc tuyên truyền hiệu quả chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đã đề ra. Trong đó, nội dung tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; các thông tin thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các thông tin có liên quan đến cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thông tin cho người dân sống trên địa bàn các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số.

Cũng tại hội nghị, các học viên còn được lắng nghe chuyên gia trình bày nhiều nội dung khác liên quan đến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân tộc, miền núi; kỹ năng viết bài, thông tin tuyên truyền về vùng đồng bào dân tộc, miền núi.

Thông qua buổi tập huấn, đội ngũ phóng viên, biên tập viên đã có được thông tin đầy đủ, cụ thể để tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thông qua các tin bài và phóng sự nhằm lan tỏa chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người miền núi; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nắm và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tạo động lực phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền sai trái, xuyên tạc của các thể lực thù địch, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Kết thúc hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hằng đánh giá, các thông tin được chia sẻ tại hội nghị rất hữu ích cho các phóng viên, biên tập viên. Từ đó, đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công tác truyền thông về xóa đói giảm nghèo nói chung và dự án truyền thông của Bộ Thông tin và Truyền thông nói riêng./.

Linh Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ