(Tổ Quốc)- Xóa đói giảm nghèo là mục tiêu được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc. Những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tranh thủ các nguồn lực của nhà nước và xã hội, phát huy nội lực, động viên tinh thần, ý chí vươn lên của người dân và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cho công tác giảm nghèo bền vững. Năm 2022, tỉnh Lào Cai đã giảm 9.770 hộ nghèo, đạt 108,6% KH giao.
Nhiều quyết sách quan trọng
Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 4%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm từ 6%/năm trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 6%/năm trở lên. Đến năm 2024, huyện Bảo Thắng và thành phố Lào Cai cơ bản không còn hộ nghèo. Đến năm 2025, huyện Bắc Hà thoát khỏi huyện nghèo.
Để thực hiện những mục tiêu trên, tỉnh Lào Cai đã thực hiện đảm bảo, kịp thời các chính sách của Nhà nước, đặc biệt là triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và ban hành những chính sách, cơ chế phù hợp quy định làm điểm tựa để người dân vươn lên thoát nghèo.
Lào Cai luôn dành 70% nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, các đề án trọng tâm của Tỉnh ủy giai đoạn 2020 – 2025 được ban hành, trong đó có Đề án số 10 -ĐA/TU về giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 – 2025; Nghị quyết số 20-NQ/TU về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, có xét đến năm 2030; Nghị quyết số 10-NQ/TU về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội đồng nhân dân tỉnh có Nghị quyết số 32/2021/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND ngày của HĐND tỉnh về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế xã hội tại các xã có tỉ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Nghị quyết số 33/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 về sửa đổi, bổ sung Điều 16 Quy định kèm theo Nghị quyết số 26/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao,…
Theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lào Cai có 04 huyện nghèo gồm Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát. Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về nhà ở là một trong những nội dung hoạt động trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tỉnh Lào Cai đã ban hành Quyết định số 2695/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương và Bát Xát. Theo đó, giai đoạn 2023-2025, Lào Cai sẽ thực hiện xây mới và sửa chữa 7.555 nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo. 4 huyện nghèo được phân bổ hỗ trợ xây mới 2.808 nhà, sửa chữa 4.747 nhà với tổng kinh phí trên 414 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ về nhà ở được triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có được căn nhà ổn định để yên tâm xây dựng cuộc sống “an cư lạc nghiệp”.
Để nâng cao chất lượng giảm nghèo, Lào Cai đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề. Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với năng lực đào tạo khoảng 9.500 lao động/năm. Các đơn vị khác ngoài tỉnh cũng tham gia đào tạo cho hơn 1.000 lao động/năm. Bên cạnh những nghề truyền thống phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, tỉnh chỉ đạo các trường, trung tâm tăng cường đào tạo chuyển đổi nghề, nhất các nghề dịch vụ, du lịch. Đào tạo luôn đi đôi với giải quyết việc làm, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thực tế, giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài. Ngoài sự đầu tư của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo, cần huy động các nguồn lực đóng góp của toàn xã hội và cần khơi thông các nguồn lực. Lào Cai triển khai vận động “Quỹ vì người nghèo” và phát động phong trào thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" trong hệ thống MTTQ các cấp tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025. Qua đó, vận động ủng hộ chương trình an sinh xã hội được 53 tỷ 287 triệu đồng gồm cả tiền mặt và hiện vật để tổ chức hỗ trợ, trao tặng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh. Lồng ghép tín dụng chính sách với các mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững được Lào Cai triển khai với phương châm "giảm dần việc cho không, cấp không sang hình thức cho vay qua Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi". Cân đối vốn địa phương thực hiện cho vay phát triển kinh tế xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% trên địa bàn tỉnh, mỗi năm tối thiểu 1 tỷ đồng/năm. Số vốn ngân sách tỉnh Lào Cai ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND năm 2022 là 48.000 triệu đồng, 6 tháng đầu năm 2023 là 37.000 triệu đồng.
Tổng số lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng cho vay khác vay vốn từ năm 2021 đến 26/6/2023 là 58.656 lượt hộ, doanh số cho vay là 3.386.178 triệu đồng. Sáu tháng đầu năm 2023 là 10.091 lượt hộ/933.543 triệu đồng.
Khơi dậy ý chí thoát nghèo
Cùng với các chủ trương chính sách, Lào Cai quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong công tác giảm nghèo. Các cơ quan báo chí địa phương, hệ thống trang/cổng thông tin điện tử đã có hơn 130 nghìn tin, bài tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước và của tỉnh Lào Cai, trong đó có hàng nghìn tin, bài tuyên truyền về chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Lào Cai đến với Nhân dân. Nhiều mô hình xóa đói giảm nghèo hiệu quả, gương điển hình trong phát triển kinh tế được biểu dương, nhân rộng và lan tỏa tới cộng đồng. Qua đó, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân.
Huyện Mường Khương là một ví dụ về nỗ lực vượt khó trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Trong số 10 xã thuộc vùng "lõi" nghèo của cả tỉnh, Mường Khương có tới 5 xã. Thời gian qua, Mường Khương đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực của địa phương trong xóa đói giảm nghèo. Năm 2022, toàn huyện đã có trên 2.200 hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng. Nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi mà hàng nghìn hộ đã vươn lên thoát nghèo và xuất hiện nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Mô hình trồng hồng giòn của anh Vàng Dỉ Mìn, thôn Sa Pả, thị trấn Mường Khương. Hiện Mường Khương đã có gần 100 ha cây hồng giòn và 20 ha đã bước đầu cho thu hoạch. Trồng và chăm sóc tốt, cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ 100 – 200 triệu đồng/ha. Mô hình xanh vườn, ao, chuồng của gia đình anh Sin Soàn Hoàng cho thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng/năm từ nuôi lợn, trồng quýt và nuôi cá. Ngoài ra, Mường Khương còn có các mô hình trồng chè, chuối, dứa cũng là những cây trồng chủ lực đã và đang giúp người dân Mường Khương thoát nghèo bền vững, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no. Nhờ đó, năm 2022 số hộ nghèo của huyện Mường Khương đã giảm 7,7% so với năm 2021.
Cùng với hàng chục hộ dân của xã được hỗ trợ vay vốn chuyển đổi mô hình kinh tế theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh về sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 - 2025, năm 2023, anh Chấu Seo Chu ở xã Hoàng Thu Phố (huyện Bắc Hà) quyết định chuyển đổi 0,3 ha đất nương sang trồng lê VH06.
"Được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn, phát triển kinh tế, đồng thời được cán bộ xã, huyện nhiệt tình về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lê để thu được năng suất cao nên tôi mạnh dạn làm, quyết tâm sớm thoát nghèo”, anh Chấu Seo Chu bày tỏ.
Nhiều mô hình, dự án hiệu quả về kinh tế được nhân rộng và triển khai tại các địa phương trên toàn tỉnh. Tiêu biểu như: Nuôi gà thả đồi tại huyện Bảo Thắng; nuôi vịt bầu tại xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên; nuôi lợn đen, gà đen ở vùng cao, chăn nuôi đại gia súc tại các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát, trồng quế, quýt, lê, mận và các cây dược liệu, du lịch homestay tại Sa Pa… đã đem lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, nỗ lực vươn lên thoát nghèo, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống./.