• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nơi ấy có nhà thơ họ Mai

10/03/2013 11:40

(Toquoc)- Khi ông vào tuổi 80, ai gặp cũng trầm trồ "Tuổi 80 mà hai chân đi nhoay nhoáy, quần áo dính vào người con trai… Thế mà thơ thì chẳng thấy thấp thoáng bóng giai nhân nào cả."



(Toquoc)- Tên thật, cũng là bút danh: Mai Ngọc Thanh; bút danh khác: Thái Thi. Sinh năm 1933 tại Ghép, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.

Tác phẩm thơ đã xuất bản: Hương vườn mẹ (in chung hai tác giả. Hội văn nghệ Thanh Hóa), Sau những tháng năm (in chung ba tác giả- NXB Tác phẩm mới), Con mắt thức (Hội Văn nghệ Thanh Hóa), Ngày trồng hạt (NXB Thanh Hóa), Tìm lại với người (NXB Thanh niên), Cánh chim tôi đợi (NXB văn học), Xanh lặng lẽ (NXB Hội Nhà văn), Hoa hồng có gai (NXB Văn học), Những bông tôi lượm (NXB Hội Nhà văn), Thơ Mai Ngọc Thanh (NXB Hội Nhà văn). Ngoài ra có 9 đầu sách dịch văn học Trung Quốc, trong đó có 3 cuốn dịch chung với một dịch giả nữa.



Khi ông vào tuổi 80, ai gặp cũng trầm trồ "Tuổi 80 mà hai chân đi nhoay nhoáy, quần áo dính vào người con trai… Thế mà thơ thì chẳng thấy thấp thoáng bóng giai nhân nào cả." Ông nghiêng đầu cười, nhỏ nhẹ đọc mấy câu thơ của cụ Chế:

"Năm mươi tuổi tình yêu như lửa đỏ

Mà bên ngoài vẫn trắng như không"

Mấy chục năm về trước, một lần tôi cùng ông về Ghép, mũ phớt, quần soóc, ông đạp xe như bay, đố ai mà theo kịp. Về đến nhà, bỏ xe, thoắt đã ra chợ, mang tôm lớt về, xông vào bếp, nhoáy một cái là tôm luộc nhạt với bánh đa vừng bày ra. Ngon miệng, rượu ngấm, tôi nằm lăn ra chõng tre ngủ, còn ông thì thoắt đi thăm hỏi người trong làng. Câu ca "Tôm lớt Ngọc Trà bánh đa chợ Ghép" là câu cửa miệng người quê ông truyền đi tứ xứ. Về vùng cửa sông này mà chưa được ăn món rươi và tôm lớt bánh đa thì coi như chưa được về.

Nơi ấy, suốt một vùng bến Ghép, sông Yên đã sinh ra nhiều nhà văn có tiếng, nhà thơ Hồ Zhếnh, nhà văn TchyA Đái Đức Tuấn, nhà nghiên cứu văn học Đái Xuân Ninh, nhà văn Trần Hiệp và hai cha con nhà văn họ Mai: Mai Ngọc Thanh và Mai Linh. Nơi ấy từ xa xưa đã là nơi sơn thủy hữu tình, nơi họ Mai khá đông, nhiều người có tài thơ phú, nơi hội tụ ngược xuôi của xứ Thanh. Nơi ấy vào thời chống Mỹ là một vùng lửa ác liệt, vang dội chiến công. Nhà thơ Mai Ngọc Thanh đã cất lên một giọng thơ ngợi ca vừa hào sảng vừa tỉnh táo. Ông đã lội qua "Những cung đường bom" thức với những "Đêm bốc vác", lên với "Đêm Phù Nhi", về với "Người đánh cá", dọc ngang "Trên bãi B52"… Một thời trai trẻ, ông đi và viết không mệt mỏi, ngợi ca và say sưa tràn đầy niềm tin yêu trong sáng.

"Chúng tôi hát vì biết con đường gian lao

Trong tiếng hát dồn cho nhau sức mạnh

Xuyên Trường Sơn vô tận rừng già"

(Chúng tôi hát)

Tiếng hát ấy nằm trong giàn đồng ca một thời đất nước xây dựng và đánh giặc. "Giữa lúa" là bài thơ thể hiện rõ chất kể, tả kỹ càng của thơ ông. Có những câu, những khúc đoạn thật hay:

"Mây của trời và mây ca dao

Có đẹp bằng sắc lúa

Lúa sinh ra cả màu của gió

Đang tung tăng lượn khắp xứ đồng ta"

Mạch thơ ngợi ca có thể nói đã ngấm vào tiềm thức tình cảm của ông. Nhưng ca ngợi mà không sáo rỗng, không tùy tiện dễ dãi. Trong mạch thơ ngợi ca ấy đã hé mở chiều hướng ngẫm ngợi khái quát. Bài thơ "Bạch đàn" viết vào năm 1971:

"Bạch đàn, bạch đàn

Biết đánh rụng những cành vướng trái

Để dồn sức cho chiều cao"

Tiếp theo những bài "Ve sầu", "Tiếng chim", "Con khướu ấy", "Thấy trong thiên nhiên"… đã tự phát sáng những ý tưởng đời sống thật thú vị:

"Nó đã quen hót ở trong lồng

Con khướu ấy không còn là chim nữa"

(Con khướu ấy)

"Rút hết ruột gan rồi

Cho bản tráng ca mùa ha

Rồi rơi xuống nhẹ hơn chiếc lá

Ve thế, sao lại gọi ve sầu"

(Ve sầu)

Càng những năm về sau, khi đã cao tuổi, ông vẫn đi, đi như là bản tính hành động, như là cho bõ khát thèm. Ông đi qua nhiều vùng từ tỉnh đầu Móng Cái đến chót mũi Cà Mau, lượn trên bầu trời, đặt gót chân trên những thành phố của các nước Pháp, Italy, Nga, Trung Hoa cổ xưa. Đi đến đâu ông cũng đều có thơ ngợi ca của một người từng trải nhiều chiêm nghiệm. Vẫn bằng lối thơ kể, tả chi tiết sáng rõ quen thuộc của ông xưa nhưng bây giờ được tinh lọc qua trí tuệ, kiến thức và một cách nhìn trầm tĩnh:

"Tôi đứng ngẩn trên Trường Thành vạn lý

Gió như cuồng thổi bạc xóa ngàn lau"

(Vạn lý Trường Thành)

Và nữa:

"Tôi đã tới bây giờ lại tới

Để mắt nhìn được trở lại xanh non

Để được Hạ Long thanh lọc tâm hồn

Để lại được Hạ Long đánh lừa bằng sự thật"

(Hạ Long)

Có một chuyện vừa lạ, vừa vui về nhà thơ Mai Ngọc Thanh. Sau khi bài thơ "Trường ca Sơn Tỷ" in trên báo Văn nghệ, ông đi đâu cánh văn nghệ cũng gọi ông là Sơn Tỷ. "Sơn Tỷ đến đấy!", "Sơn Tỷ thị xã Thanh Hóa đây rồi!".

Bài thơ dài khoảng 90 câu, kể về cuộc đời và tính cách của một người hâm, độc thân lang thang bằng nghề gánh thuê ở thị xã Thanh Hóa vào những năm 1955-1987 gian khó và chiến tranh khốc liệt. Bài thơ kết thúc thật táo bạo, càng ngẫm càng sâu xa:

"Đâu chỉ có những tên tuổi lớn

Để lại trong ta khoảng trống lúc không còn

Tôi còn cảm thấy từ hôm Sơn Tỷ vắng

Thị xã mình bảng lảng… buồn hơn"

(Trường ca Sơn Tỷ)

Có thể nói từ bài " Trường ca Sơn Tỷ" (1987), thơ Mai Ngọc Thanh mở ra một hướng cảm nhận về thân phận đời người. Đấy là cả một cuộc thay đổi lớn trong sáng tác, một bước vượt lên để khẳng định phẩm chất Người và thi ca của ông. Nhiều bài thơ dựng chân dung tỏ rõ tài quan sát, bút pháp thơ văn xuôi lạnh lùng. Đoạn kết bài thơ thường tỏa sáng cảm quan đời sống giàu tính nhân văn, ví dụ trước bức tranh Nga:

"Người trong áo dạ mũ lông

Mà xem băng giá tận lòng không tan"

(Người đàn bà xa lạ)

"Thời giặt lụa Trữ la ơi

Biết ri thà cứ làm người gái quê"

(Tây Thi)

Với bài thơ "Chúa hài đồng", viết về một đứa con ngoài hôn nhân, Mai Ngọc Thanh thực sự bộc lộ mạnh bạo cái nhìn mới vượt lên thói thường: "Thằng bé đẹp/ như chúa hài đồng/ mọi trả giá nặng nề mẹ đã trả/ bú no rồi chân đạp tung như múa/ và cái chim phóng một cầu vồng".

Mảng thơ cấu tứ, dựng chân dung, suy ngẫm của Mai Ngọc Thanh nằm sẵn ngay từ những bài thơ đầu tiên "Nơi con mương Tén Tần bắt đầu nhận nước/ chảy hồn nhiên… như tự có đất này" và "Bạch đàn" "Bám chặt vào bền sâu của đất/ bạch đàn lên ung dung".

Chất thơ ấy ngầm chắt ra từ thơ vịnh của ông cha ta thời xưa. Đấy là một nét thơ riêng mà ít có ai tạo được một vệt sâu đậm trong đời thơ của mình. Cấu tứ mạch lạc, câu chữ sáng rõ, gần với văn xuôi. Đấy là thơ Mai Ngọc Thanh.

Một người bạn thơ tâm đắc của ông, nhà phê bình Hồ Nguyên Cát thời còn sống đã hóm hỉnh vỗ nhẹ vào vai bạn: "Thơ Mai Ngọc Thanh tỉnh quá, tỉnh đến khô đi". Tỉnh là được. Thơ phải tỉnh chứ sao! Tỉnh là một trạng thái xúc động liên tục làm ta không mê man lạc lối. Nhưng "khô đi" thì chưa hẳn. Thơ Mai Ngọc Thanh có nhiều bài thuyết lý, khái quát, câu chữ khô khan nhưng cũng không ít bài thơ ông giấu xúc động vào sau những câu chữ khô lạnh, để phải đọc hết bài, ngẫm nghĩ tình ý sẽ rung lên. Thơ như thế sao gọi là khô được.

Lại nhớ từ buổi đầu tôi đến với thơ, khi trò chuyện, ông nói: "Phải giết hết các tính từ". Nhưng lạ sao, nhà thơ Mai Linh- con trai của ông, lại làm cho tính từ và những từ bổ nghĩa sống động, biến hóa và nhiều gợi cảm:

"Trước mặt là sông

Chảy trắng buốt tay người xòe ngửa"

(Bà)

Đọc thơ Mai Linh ta gặp nhiều câu kiểu như: "Lá thu rơi đứt ruột những đêm dài", "Gió hun hút lau vết hôn lần cuối", "Run run đầu ngón buồn/ lang thang buồn"…

Thơ Mai Ngọc Thanh khác hẳn, rất ít thấy trong thơ ông những câu, những từ cảm thán, mê mải với những tâm trạng buồn vui, thương nhớ kiểu như Mai Linh hay như "Ô kìa! Bóng nguyệt…", "Đàn ghê như nước lạnh, trời ơi!...". Nếu có những bài diễn tả tình cảm tâm trạng thì thường chỉ là những câu có hình, nhạc gợi cảm. Đọc mãi mới gặp bài "Những ngày" thơ lục bát thả chữ như một nỗi day dứt kéo dài: "Những ngày/ vô nghĩa quá thôi/ sự nhàn rỗi bút/ hành tôi bơ thờ/ Một đời/ giăng díu với thơ/ khổ này/ là nợ bao giờ trả xong".

Đó là nỗi lòng- nỗi thơ- nỗi đời muôn thuở của thi nhân mà nhà thơ Mai Ngọc Thanh muốn chia sẻ. Hãy tìm tâm tình trong thơ ông như người tìm lửa trong đá.

Đầu năm mới 2013

Văn Đắc

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ