(Tổ Quốc) - Nơi ấy là chiến trường của tác giả Phạm Quang Nghị là cuốn nhật ký và ghi chép những năm tháng đi B vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành với nhiều trang viết chân thật, cảm động và chứa đựng nhiều giá trị lịch sử.
Nhắc đến tên Phạm Quang Nghị hẳn nhiều người nghĩ ngay đến nhiều vị trí lãnh đạo mà ông từng kinh qua như: Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam (1997 – 2001), Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (2001 – 2006), Bí thư thành ủy Hà Nội khóa XIV – XV, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương các khóa VIII, IX, X, IX, Ủy viên Bộ chính trị các khóa X, XI… nhưng ít ai biết rằng ông còn là một người cầm bút, từng theo học Trường viết văn Quảng Bá của Hội Nhà văn. Có lẽ chính vì thế khi rời ghế nhà trường Đại học vào chiến trường B2 Nam Bộ, tác giả đã duy trì thói quen viết nhật ký. Đó là lý do để hôm nay độc giả có cơ hội cầm trên tay cuốn sách dày dặn, nhiều tư liệu quý giá về những năm tháng chiến tranh gian khổ, hào hùng nhưng cũng rất đỗi tự hào của dân tộc.
Cuốn sách Nơi ấy là chiến trường của tác giả Phạm Quang Nghị
Với hơn 500 trang, Nơi ấy là chiến trường được tác giả Phạm Quang Nghị chia làm 8 phần lớn như: Vượt Trường Sơn, ở R, Về miền Đông, Nhịp sống đồng bằng, Người vùng ven, Tây Ninh ngày ấy, Gặp gỡ Sài Gòn, Ngày trở về . Bên cạnh đó còn có các phần Phát biểu trước ngày lên đường đi B, Lời kết, cùng một số nhận định, cảm nhận của các nhà văn, nhà báo. Phần cuối của cuốn sách là một số hình ảnh và tư liệu về những ngày tác giả Phạm Quang Nghị ở chiến trường.
Nhận định về cuốn sách, NXB Hội Nhà văn đánh giá: "Cuốn sách vừa mang tính xác thực như những tư liệu về một giai đoạn lịch sử oanh liệt của đất nước, vừa tạo nên cảm xúc và ấn tượng của một tác phẩm văn học cho người đọc.
Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của chúng ta đã kết thúc gần nửa thế kỷ, nhưng những trang viết này vẫn còn nguyên giá trị, vẫn dựng lên được hình ảnh nhân tính và kiêu hãnh của con người Việt Nam và vẫn chứa đựng những bài học sâu sắc cho lẽ sống của con người đối với Tổ quốc mình, không chỉ trong chiến tranh mà cả trong công cuộc xây dựng đất nước. Bởi thế, những câu chuyện rất thực, rất riêng tư của một người lính ngày ấy lại là câu chuyện của một dân tộc.
Những cuốn nhật ký và kỷ vật của tác giả. Ảnh chụp lại từ cuốn sách
Tác giả Phạm Quang Nghị đã tình nguyện đi vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc khi còn rất trẻ. Ông vừa cầm súng, vừa cầm bút ghi lại những câu chuyện, những suy nghĩ và cảm xúc của mình về gia đình, về đồng đội và về cuộc chiến tranh. Những trang viết thật giản dị và súc tích nhưng lại cho người đọc thấy được sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần dâng hiến cho Tổ quốc của những người lính"- NXB Hội Nhà văn viết trong lời giới thiệu.
Bên cạnh đó, nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá cuốn sách "Nơi ấy là chiến trường là một cuốn nhật ký chân thực và cảm động và có ý nghĩa chống lại mọi sự lãng quên".
Cứ như cái tên Nơi ấy là chiến trường thì cuốn nhật ký phản ánh hiện thực chiến tranh. Nhưng hiện thực chiến tranh đâu chỉ có bom đạn, sống chết mà còn là và rất quan trọng là tình cảm, tâm trạng, chiều sâu của tư tưởng, của hồn người. Rất tự nhiên, anh Phạm Quang Nghị đã thực hiện được cả hai yêu cầu ấy một cách sống động, hài hòa, tự nhiên như chính cuộc sống. Vì vậy, chiến tranh đã lùi xa hơn bốn mươi năm mà tôi đọc lại những trang nhật ký của anh vẫn thấy cuốn hút, mới mẻ, cảm động và gần gũi như vừa mới hôm qua – nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.
Còn nhà thơ Thanh Thảo thì cho rằng: Nhật ký chiến tranh của Phạm Quang Nghị nằm trong số những tập nhật ký chiến trường có thể gây xúc động.