• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nơi ấy là… Trường Sa

Văn hoá 19/01/2018 06:15

(Tổ Quốc) - "...Nặng lòng, cảm thông, cơ duyên với người lính đã thôi thúc tôi cầm bút ghi lại cuộc đời mình, tri ân với người lính bằng văn chương”- nhà văn Lê Thị Bích Hồng.

“Nơi ấy là Trường Sa” là tên tập truyện và ký của Tiến sĩ - giảng viên cao cấp trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội - nhà văn Lê Thị Bích Hồng do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành quý IV năm 2017. Ngay sau khi phát hành, “Nơi ấy là Trường Sa” đã đến mọi vùng miền đất nước, đặc biệt đã đến với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tác phẩm của chị đã chạm đến những miền cảm xúc thiêng liêng và nhận được bao tình cảm yêu mến của bạn đọc gần xa.

Bìa sách

“Nơi ấy là Trường Sa” là tập truyện và ký thứ hai ra đời sau 2 năm nhà văn Lê Thị Bích Hồng trình làng tập truyện và ký đầu tiên có nhan đề rất ấn tượng “Vệ đê trong đêm trăng” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2015). “Nơi ấy là Trường Sa” gồm 15 tác phẩm, trong đó có 9 truyện ngắn và 8 bút ký. Vẫn với lối viết dung dị, trẻ trung, giàu cảm xúc nhân văn, cách khai thác tứ, cốt truyện khá uyển chuyển, giàu kịch tính và nhất là chất văn đẹp, ngôn ngữ giàu chất thơ… nhà văn đã giúp người đọc chạm đến những miền cảm xúc thiêng liêng về chiến tranh nhìn từ số phận người phụ nữ. Tôi chợt nhớ cuốn sách “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của nhà báo Svetlana Alexievich đoạt Giải Nobel Văn chương năm 2015 là một tác phẩm phi hư cấu viết về chiến tranh đầy ám ảnh.

Tôi mang tâm trạng đó đọc truyện và ký của nhà văn Lê Thị Bích Hồng viết về số phận người phụ nữ. Đúng, chiến tranh không có một khuôn mặt của phụ nữ, nhưng lại hiện hình sâu sắc số phận người phụ nữ trong đó.

Điều dễ nhận thấy trong nội dung hai tập truyện và ký của nhà văn Lê Thị Bích Hồng chính là sự quy tụ tập trung đề tài. Dẫu viết gì, thì cuối cùng trang viết của chị vẫn ám ảnh về hiện thực cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, trong đó nổi bật hai nhân vật: người lính và người phụ nữ trong và sau chiến tranh. Đây là một đề tài hay, muôn thuở của một dân tộc trận mạc (chữ dùng của nhà văn Chu Lai). Với nhiều người viết, chiến tranh chưa bao giờ là một câu chuyện cũ, nhưng lại không dễ viết, khó viết hay nếu thiếu vốn sống, sự trải nghiệm gan ruột với nó. Vẫn biết chị chưa từng là người lính xông pha trận mạc. Chị cũng chưa có vốn sống, sự dạn dày thâm niên để cảm nhận cuộc chiến như người trong cuộc… Song, chị là con một người lính. Một cách tự nhiên, cảm xúc về người lính cứ bền chặt để nhà văn tự khẳng định có nhân duyên với người lính và số phận người phụ nữ. Cứ nhìn vào văn chương của Lê Thị Bích Hồng sẽ thấy rõ điều đó. Dường như nữ nhà văn này đã chiếm lĩnh, đã thuộc về đề tài này một cách sâu sắc, bền bỉ như đã tự khẳng định một dấu ấn phong cách rất tự nhiên. Không khó để nhận ra điều đó khi chạm mắt vào tác phẩm của chị. Truyện và ký của chị là minh chứng đầy sức thuyết phục với người đọc, dẫu người đọc khó tính. Dễ nhận thấy điểm xuất phát của chị, sự nặng lòng với đề tài này bởi chị như được “ăn lộc” từ điểm nhìn tuổi thơ. Cứ như chị đã được “tạm ứng trước thời gian”, tự “may áo trước tuổi” để cộng hưởng với năng khiếu bẩm sinh để viết. Tôi biết, di chứng chiến tranh (sợ bóng tối) đã đeo bám chị từ lúc thơ bé cho đến bây giờ khi đã là người đàn bà U60. Không tắm mình trong trận mạc bỏng rát như số đông nhà văn chiến sĩ, nhưng nhà văn Lê Thị Bích Hồng đã tìm được một chỗ đứng vững vàng từ sự điềm tĩnh quan sát lịch sử của dân tộc, từ người thân trong gia đình, từ những cảm nhận của một cô bé nhạy cảm, có năng khiếu văn chương để hóa thân cùng các nhân vật trong mỗi tác phẩm của mình. Có lẽ vì thế mà chị đã viết và dũng cảm dấn thân với mảng đề tài này, trung thân với nó để hình thành một dấu ấn phong cách.

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng trong chuyến công tác ra Trường Sa

Nỗi ám ảnh chiến tranh từ lúc thơ bé đã khiến chị có nhiều tác phẩm phi hư cấu khá thành công. Chị có một trí nhớ rất đặc biệt. Khi đọc ký của con gái, mẹ chị đã rất xúc động thốt lên “Dường như con chả quên điều gì. Con nhắc nhớ cho mẹ về một thời chiến tranh ác liệt, cả cái thời bao cấp không muốn nhớ…”. Tất cả như cuốn phim quay chậm thả ra từ tiềm thức của một nhà văn. Những mảnh đời, câu chuyện vui buồn trong bom gào, đạn xé… từ gia đình, xa rộng hơn là dân tộc đã găm sâu trong tiềm thức của chị từ lúc thơ bé để có những bút ký “Hành trình về quê nội”, “Đưa cha về quê ngoại”, “Đứa con Trường Sa”, “Người hành khất chỉ xin…”, “Tình yêu là sự sống”...

Trong phóng sự “Viết văn để tri ân cuộc đời” do Truyền hình Quốc phòng thực hiện, các nhà văn nhận xét thế mạnh của nhà văn Lê Thị Bích Hồng chính là văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn. Chị sở hữu một lối viết truyện ngắn trẻ trung, lãng mạn, nhân vật đẹp, cá tính, giàu lý tưởng khát vọng cống hiến, đặc biệt rất giàu kịch tính. Chị có nhiều truyện ngắn thật ấn tượng, như: Cha tôi là người lính, Chuyện tình người lính biển, Vệ đê trong đêm trăng, Sinh ngày ba tháng ba, Búp chè đón mặt trời, Người đàn ông của tôi, Người đàn ông của mẹ… Nhân vật nổi bật xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của chị là người lính, người phụ nữ, những đứa trẻ thời hậu chiến… Trên phông nền rộng lớn đó, nhà văn Lê Thị Bích Hồng đã kiến tạo cảm thức nhân văn cho tác phẩm của mình.

Điểm nhấn đặc biệt của cuốn sách là tình cảm của người viết dành cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Đó là kết quả sau chuyến đi công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương ra Trường Sa trên con tàu HQ 957 thuộc Hải đội 5, Lữ đoàn M25 - tiền thân của đoàn tàu không số anh hùng năm 2011. Là một cán bộ tuyên giáo trong đoàn công tác số 9, lại là một nhà văn, nên nhà văn Bích Hồng có ý thức tìm hiểu, quan sát, lặm lụi ghi chép…để sau chuyến đi công tác đó chị đã có nhiều bài viết về người lính đảo Trường Sa ấm áp, ân tình, như: “Nơi ấy là Trường Sa”, “Mong một ngày đến với Trường Sa”, “Những đứa con Trường Sa”, “Chuyện tình người lính biển”… Những khó khăn, vất vả nơi đầu sóng ngọn gió của người chiến sĩ ở đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn DK1 hiện lên trong từng trang viết. Chị xúc động nhận thấy tố chất của lòng yêu nước, ý thức bảo vệ biển đảo thiêng liêng hiện rõ trong cuộc sống, tư thế sẵn sàng làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước của từng cán bộ, chiến sĩ nơi chị được đặt chân đến. Dẫu trong hoàn cảnh xa xôi ngàn trùng chỉ có sóng, có gió, có loài chim biển… nhưng trên hết người chiến sĩ vẫn luôn lạc quan, yêu đời, vững tay súng nơi “đầu sóng ngọn gió” bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Chị viết “Mùa “bà già đi biển” năm 2011, tôi đã cùng 99 thành viên tham gia Đoàn công tác số 9, đi trong thời gian 9 ngày đêm trên biển, đặt chân đến 9 đảo, nhà giàn DK1 và đi trên tàu HQ 957. Chuyến đi ra đảo cho tôi thêm những chất liệu sâu sắc về người lính. Trước khi đi, anh Nguyễn Bắc Son - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (khi đó là Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương) đã đưa đoàn đến thắp hương tại Phủ Chủ tịch. Tôi là người được giao nhiệm vụ giữ chân nhang (xin trên bàn thờ Bác) đến dâng tại Đền thờ Bác Hồ tại đảo Trường Sa Lớn. Đêm giao lưu giữa biển trời lộng gió. Trăng rằm tháng 3 soi tỏ lung linh từng đóa hoa bàng vuông, từng cây phong ba chắn bão. Trăng tròn vành vạnh rơi xuống biển ánh bạc tầng tầng san hô… Những bài dân ca quan họ nghe giữa Trường Sa thật xúc động, thiêng liêng. Tôi mang tình quan họ đến Trường Sa và trở về đất liền với bao tình nhung nhớ. Tôi đã có 2 người con chiến sĩ ở Trường Sa sau chuyến công tác ấy”. Nhà văn đã trở thành người mẹ của Trung úy Nguyễn Bá Vinh (Nhà giàn DK1) và Thượng úy Đỗ Quang Thùy (Trưởng ngành Hàng hải, tàu HQ 957). Biết Nguyễn Bá Vinh sống nơi đầu sóng ngọn gió, quen với biển đảo, nhưng chưa một lần biết Hà Nội, nhà văn đã đón vợ chồng Vinh và cậu con trai 2 tuổi ra thăm Thủ đô. Chị và cậu con trai đã đưa gia đình Vinh đến thăm Lăng Bác, Chùa Một Cột, Bảo tàng Hồ Chí Minh, ra Hồ Hoàn Kiếm nhìn Tháp rùa soi bóng, đến Phủ Tây Hồ ăn bánh tôm, ăn bún ốc phố cổ... Con trai chị trở thành hướng dẫn viên cho gia đình Vinh những ngày ở Hà Nội. Lần đầu vào thăm Lăng Bác, vợ chồng Vinh vô cùng xúc động. Cảm mến người lính biển nhân hậu, con trai chị khi đó là cộng tác viên VTV6 đã viết kịch bản phóng sự “Người lính Trường Sa lần đầu ra Hà Nội” phát sóng trên VTV6 được khán giả đón nhận thiêng liêng. Trở về Nam, Nguyễn Bá Vinh nghẹn ngào nói với nhà văn “Con lại tiếp tục nhận nhiệm vụ ở đảo, nhà giàn. Không biết bao giờ mới có dịp trở lại Hà Nội, nhưng con sẽ mang theo hình ảnhThủ đô, tình cảm ấp áp của đất liền, của mẹ ra Trường Sa... và con sẽ kể cho đồng đội con về mẹ”. Nguyễn Bá Vinh trả phép vào đúng ngày biển động. Nhìn thấy nhà giàn DK1 rồi mà xuồng không chịu nổi sóng lớn, không áp được vào nhà giàn. Con phải lật lộn với sóng, bơi men theo dây. Mặc áo phao rồi mà sóng ôm trùm nhấn xuống, trồi lên nhiều lần. Sức vóc cường tráng, quen với sóng biển đã hơn 13 năm, thế mà mất cả tuần mới đi lại, ăn uống bình thường. Biết biển Đông có áp thấp nhiệt đới, nhà văn Bích Hồng gọi điện ngay ra hỏi thăm con và cả nhà giàn DK12. Chị viết “Vinh giấu mẹ việc cả nhà cùng chống chọi, vật lộn với bão tố dữ dội bảo vệ biển “Bông sen biển”. Tôi gọi điện đúng lúc Vinh và anh em nhà giàn DK1 đang chuẩn bị phương án ứng phó vì tối nay cơn bão đến Trường Sa. Cả đêm tôi lo lắng cho con và anh em ngoài đó. Sáng 18-12-2011, gọi sớm cho con, có tín hiệu, tôi rất mừng. Thế là con và đồng đội đã chống chọi với bão suốt đêm qua. Nhưng vẫn chưa biết cụ thể thế nào. Lúc sau, nhận được tin nhắn của con “Mẹ ơi, con cám ơn mẹ đã lo cho con và đồng đội của con. Chúng con là lính biển mà, chống chọi với sóng gió có nguy hiểm nhưng quen rồi... Anh em chúng con luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tất cả còn phụ thuộc vào Ông Trời thôi mẹ ạ. Gia đình yên tâm mẹ nhé, con chào mẹ”. Tôi lo lắng, nhưng chỉ biết đợi. Rồi con nhắn tin nhắn cho tôi lúc 07.39.35 “Chúng con vừa họp phương án... Sóng gió đang mạnh dần lên... Con đang chuẩn bị... Gia đình yên tâm... Chúng con là người lính mà... Con cám ơn mẹ và gia đình”. Tôi gọi điện ngay hỏi thăm, động viên con dâu tôi và cháu Vinh Quang đang sống ở thành phố Vũng Tàu...”. Còn Quang Thùy - những ngày cùng tàu 957 bảo vệ tàu địa chấn Bình Minh 02 con phải lùi lại ngày cưới. Tôi vẫn thường gọi điện hỏi thăm con và chiến sĩ trên tàu. Tháng 9 vừa rồi, ngày con về Nam Định cưới vợ, tôi đi công tác phía Nam không về dự được. Trước ngày con trở về đơn vị, tôi và những chiến sĩ Trường Sa đã đón 2 vợ chồng ở Hà Nội trong không khí ấm áp, thân tình. Con vừa gọi điện báo tin cho tôi tàu vẫn đang sửa, ngày 13/01/2012, con được đơn vị cho về phép thăm gia đình và báo cho mẹ tin vui “Vợ con đang có em bé” (Đứa con Trường Sa)... Thật vinh dự, năm 2017 người con Trường Sa của nhà văn Bích Hồng - Đại úy Đỗ Quang Thùy được Bộ Quốc phòng Việt Nam cử đi học tại “Học viện Chỉ huy tham mưu liên quân” (thuộc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc). Hiện Đại úy Đỗ Quang Thùy đã học xong “Học viện Ngôn ngữ” (Bộ Quốc phòng Hàn Quốc) để ngày 01/01/2018 chính thức vào học tại “Học viện Chỉ huy tham mưu liên quân”…

 Nhà văn Lê Thị Bích Hồng tại Đảo Trường Sa

Vốn là người viết văn xuôi, nhưng tình cảm với người lính đảo Trường Sa đã cho chị nguồn xúc cảm mãnh liệt, chị đã sáng tác bài thơ “Quan họ ở Trường Sa” với lời thơ xúc động. Cơ duyên nhạc và thơ đã “chắp cánh” cho giai điệu “Quan họ ở Trường Sa” vang ngân sau khi nhạc sĩ Đỗ Thanh Khang phổ nhạc bài thơ ấy. Bài hát thực sự đã tạo được tiếng vang khi phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Khi đọc văn xuôi của chị, tôi cũng chung quan điểm với nhiều người “Lê Thị Bích Hồng có sở trường ở thể loại truyện ngắn và tản văn. Văn đẹp, giàu chất thơ…”. Nhân vật của chị rất đẹp từ ngoại hình đến tính cách. Kết thúc tác phẩm của chị giàu tính hiện thực và nhân văn, kể cả nhân vật của chị phải đối mặt với cái chết. Cái chết gieo mầm cho sự sống là một mô típ khá quen thuộc trong văn học kháng chiến. Nhưng dưới con mắt tinh tế, lối viết văn trẻ trung đầy chất thơ, cách xử lý tình huống tài tình, nhà văn Lê Thị Bích Hồng đã định hình một phong cách riêng cho mình ở chính cách xây dựng nhân vật như vậy.

Nặng lòng, cảm thông, cơ duyên với người lính đã thôi thúc tôi cầm bút ghi lại cuộc đời mình, tri ân với người lính bằng văn chương”. Tiến sĩ, nhà văn Lê Thị Bích Hồng (Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương) đã từng chia sẻ như thế khi chị liên tiếp công bố tác phẩm của mình gắn bó với người lính.

Xin mượn lời của một nhà văn nhận xét về văn nghiệp của chị “Tự định hình cho mình một phong cách, tôi tin như tin ở hoa hồng, nhà văn Lê Thị Bích Hồng đã khẳng định một văn nghiệp của mình gắn bó chung thân với một sự lựa chọn thông minh. Văn của Bích Hồng nhẹ nhàng, dung dị, thấm đẫm chất tình. Dẫu viết gì thì hình như chị đã tự dấn thân với đề tài chiến tranh, với người lính và số phận người phụ nữ. Chiến tranh hiện lên qua ngòi bút của chị mang một sắc diện rất riêng, bởi nó là tiếng nói tri ân, sự tươi mới, xúc động… sâu bền trong lòng bạn đọc. Có lẽ rất giản dị thôi bởi nhà văn Lê Thị Bích Hồng viết bằng cảm xúc nhân văn, đi từ trái tim đến trái tim…”.

Trác Khánh Hương

NỔI BẬT TRANG CHỦ