• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nơi các cô giáo đến trường bằng trái tim người mẹ

Giáo dục 20/10/2022 07:11

(Tổ Quốc) -Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật tỉnh Phú Thọ là nơi các cô giáo dành trọn tình yêu cho các con.

Các cô giáo nơi đây đến trung tâm không chỉ dạy văn hóa như các trường học thông thường mà còn có chức năng chăm sóc và chỉ bảo các em học sinh về mọi mặt. Tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi Tàn tật Việt Trì, nơi đây với chức năng bảo trợ xã hội, giáo dục chuyên biệt, hướng nghiệp và dạy nghề cho học sinh khuyết tật trên địa bàn tỉnh Phú Thọ các cô giáo giảng dạy các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt là những học sinh kiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ.

Với những đặc thù các giáo viên vừa là cô giáo vừa chăm sóc các em như một người mẹ, bởi vì học sinh không chỉ chậm về tiếp thu kiến thức văn hóa mà các em còn gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Có những em khuyết tật mồ côi các cô hỗ trợ chăm sóc 100% từ ăn uống đến sinh hoạt cá nhân. Hiện tại Trung tâm nuôi dạy 127 em từ 7 đến 17 tuổi.

Nơi các cô giáo đến trường bằng trái tim người mẹ - Ảnh 1.

Trung tâm giảng dạy và chăm sóc các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt là những học sinh kiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ.

Nơi các cô giáo đến trường bằng trái tim người mẹ - Ảnh 2.

Giáo viên hướng dẫn học sinh làm lễ chào cờ bằng ngôn ngữ ký hiệu trong khai giảng năm học 2022-2023.

Cô giáo Nguyễn Thị Nghĩa, Giám đốc trung tâm chia sẻ: "Trung tâm hiện có 38 cán bộ, giáo viên đều tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm và được đào tạo về chứng chỉ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật. Ở đây mỗi giáo viên đều nỗ lực hết sức để bao quát từng em học sinh, với mong muốn có thể giúp các em hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực. Cùng với đó là định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.

Từ đó các em hình thành, phát triển kỹ năng sống cần thiết, trang bị những kiến thức sơ giản và cơ bản nhất của cấp tiểu học để phát huy tối đa năng lực của học sinh, giúp các em có thể tiếp tục học tập; hướng nghiệp, học nghề và trở thành những thành viên độc lập và hòa nhập trong cộng đồng xã hội".

Nơi "những cô giáo không bao giờ có hoa ngày 20/10" - Ảnh 10.

Cô giáo Cô Nguyễn Thị Minh Thọ dạy môn toán lớp học khiếm thính.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thọ là một giáo viên công tác lâu năm tại trung tâm chia sẻ:“ Điều khó khăn nhất là việc trao đổi thông tin với các em trong quá trình tiếp xúc là phải thông qua ngôn ngữ kí hiệu. Không những thế, khả năng tiếp thu của các em rất chậm, không đồng đều. Bên cạnh đó sức khỏe các em có nhiều hạn chế và tâm lý không như trẻ bình thường nên trong quá trình dạy cô giáo phải nghĩ ra phương pháp cho các em giải trí để các em thoải mái, vui vẻ, không căng thằng trong quá trình học.

Chúng tôi không thể chữa lành khuyết điểm trên cơ thể của các em, nhưng với những kiến thức, kĩ năng, tình yêu thương của người giáo viên tôi luôn mong muốn có thể giúp các em có thể đủ kiến thức và kỹ năng sống để hòa nhập cùng cộng đồng, xoa dịu bớt phần nào sự thiệt thòi của các em".

Nơi "những cô giáo không bao giờ có hoa ngày 20/10" - Ảnh 12.

Cô giáo hướng dẫn học sinh vẽ tranh bằng bút sáp trong tiết sinh hoạt ngoài giờ lên lớp.

Các hoạt động ngoài giờ lên lớp là chương trình được trung tâm đặc biệt chú trọng để rèn luyện kỹ năng cho các em học sinh khuyết tật. Các em học sinh khuyết tật của trung tâm thường xuyên được tham gia những hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt ngoại khóa về các môn nghệ thuật, từ đó các em hoàn thiện hơn về kỹ năng sống.

Nơi các cô giáo đến trường bằng trái tim người mẹ - Ảnh 6.

Cô giáo hướng dẫn học sinh nội trú sinh hoạt thường ngày.

Hiện tại trung tâm đang nuôi dạy 7 trẻ mồ côi từ 0 đến 10 tuổi. Đối với các bé mồ côi ít tháng tuổi luôn có các mẹ trông coi 24/24. Các bé được chăm sóc ở phòng riêng, đảm bảo sạch sẽ, và điều kiện sống cơ bản. Cô giáo Nguyễn Thị Vọng Nguyệt, người trực tiếp chăm các bé mồ côi chia sẻ: "Các con không chỉ khiếm khuyết về thể chất mà điều làm chúng tôi trăn trở nhất là phần lớn đều bị chính người thân bỏ rơi nên các con luôn khao khát có được tình yêu thương của mọi người. Có những bé trung tâm nhận nuôi khi còn quá non, sức khỏe yếu, có những bé phải theo dõi ở viện trong vài tuần sức khỏe mới ổn định. Các bé mồ côi rất đáng thương, chúng tôi chăm sóc các con như con đẻ của mình. Chúng tôi chỉ mong các bé lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn, phát triển bình thường, có thể tự chăm sóc bản thân và có ích cho xã hội".

Nơi "các mẹ không có hoa ngày 20/10" - Ảnh 7.

Mẹ Nguyễn Thị Vọng Nguyệt và bé Nguyễn Phương Thanh 6 tháng tuổi.

Nơi "các mẹ không có hoa ngày 20/10" - Ảnh 8.

Các bé mồ côi được theo dõi sức khỏe mỗi ngày và kiểm tra chiều cao, cân nặng theo định kì.

Nơi "những cô giáo không bao giờ có hoa ngày 20/10" - Ảnh 17.

Lãnh đạo trung tâm bảo trợ trẻ em MCTT Việt Trì và đại diện doanh nghiệp trong lễ khai giảng năm học 2022-2023.

Với sự đoàn kết và nỗ lực năm học 2021-2022 sau 29 năm thành lập, lần đầu tiên trung tâm được nhận giấy khen Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đạt tập thể lao động xuất sắc. Số học sinh được khen thưởng tăng gấp đôi so với những năm học trước.

Trung tâm Bảo trợ trẻ em mồ côi tàn tật Việt Trì Phấn đấu trở thành một trung tâm giáo dục chuyên biệt có chất lượng cao ở khu vực trung du miền núi phía Bắc, để mỗi học sinh của trung tâm đều có cơ hội phát triển, có khả năng thích ứng được với cuộc sống và hòa nhập xã hội, có tâm hồn hướng thiện, phát huy tối đa năng lực cá nhân để khắc phục những khiếm khuyết của bản thân. Đồng thời giáo dục học sinh phát triển toàn diện, có kỹ năng sống, luôn năng động, sáng tạo, có ý chí vươn lên tự tin để hòa nhập cộng đồng. Bằng tình yêu thương bằng "Trái tim người mẹ" mỗi giáo viên nơi đây luôn tận tâm từng ngày để trao cho các em học sinh tình yêu thương và nghị lực sống.

Vy Liên

NỔI BẬT TRANG CHỦ