(Tổ Quốc) - Bày tỏ tâm đắc với nhiều quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhất là tinh thần “nói thật, làm thật”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tin tưởng, với một quyết tâm như vậy chắc chắn ngành VHTTDL sẽ có khởi sắc.
Sáng nay (3/8), Bộ Văn hóa và Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có buổi làm việc với một số Ủy ban của Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL. Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục (VHGD) của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đồng chủ trì buổi làm việc.
"Ba mâu thuẫn, năm thách thức"
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong thời gian qua, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, Bộ VHTTDL đã tích cực hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Theo dự kiến, trong giai đoạn 2021-2026, sẽ có 5 bộ luật liên quan đến lĩnh vực VHTTDL được trình Quốc hội thông qua.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 10 năm, ngành VHTTDL thấy rằng đây là nhiệm vụ lớn. Vì vậy, khi xây dựng kế hoạch, Bộ đã dành thời gian định vị lại vị trí của ngành.
Để tập trung làm tốt nhiệm vụ VHTTDL mà Đảng, Nhà nước giao, Bộ đã tập trung làm rõ khó khăn, thách thức, khu trú lại những công việc nhằm tránh tính trạng hiểu chưa đúng, nhận thức chưa sâu, chưa đầy đủ về lĩnh vực Văn hóa.
Theo đó, Bộ đã có nhiều phiên làm việc với các cơ quan, với 63 tỉnh, thành phố để lắng nghe toàn diện, thấu đáo về nhiệm vụ phát triển VHTTDL tại địa phương. Từ đó, có định hướng xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2030; dự thảo Chương trình hành động phát triển Du lịch 2021-2026; dự thảo Chương trình phát triển thể thao giai đoạn 2021-2026... trên cơ sở có trọng tâm, trọng điểm.
Bộ trưởng chia sẻ, Bộ đã yêu cầu mỗi cán bộ phải suy nghĩ, nói thẳng, nói thật để cùng với toàn ngành tìm ra những vấn đề khó khăn, mâu thuẫn và tìm hướng giải quyết. Các vấn đề vượt thẩm quyền thì kịp thời báo cáo với cấp trên, những vấn đề yếu kém phải nghiêm túc sửa chữa, có như vậy mới tạo ra được "lực đẩy" cho ngành VHTTDL, đáp ứng được sự mong đợi của xã hội.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, qua nhiều năm thực hiện nhiệm vụ, trên tinh thần kế thừa những kết quả đạt được, đối chiếu với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, Bộ đã nhận thức sâu sắc, rút ra được ba điểm còn mâu thuẫn.
Thứ nhất, Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, sự quan tâm, đầu tư phát triển văn hóa chưa tương xứng với kinh tế. Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, nhiều ĐBQH cũng đã nêu vấn đề này ra khi phát biểu thảo luận.
Thứ hai, giữa giải phóng tiềm năng, thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn về VHTTDL với cơ chế chính sách còn chưa được làm rõ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rõ quan điểm, Văn hóa là lĩnh vực rộng, tác động nhiều đến nhiều ngành, nhiều cấp, đòi hỏi phải có chỉ đạo, thiết lập cơ chế chính sách. Tuy nhiên, hai vấn đề nêu trên vẫn chưa tương thích với nhau, rõ ràng còn nhiều bộ luật cần sửa đổi, còn nhiều vấn đề cần được giải quyết nhưng chưa có chính sách.
Mâu thuẫn thứ ba theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là, chúng ta đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, con người Việt Nam, phát triển Thể thao và Du lịch nhưng nguồn lực để tổ chức thực hiện, để thể chế hóa các quan điểm này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đặt vấn đề "trong một chừng mực nào đó, ngành Văn hóa đang loay hoay đi làm văn hóa chứ không phải thiết kế khung chính sách quản lý Nhà nước về văn hóa" - Bộ trưởng cho biết, trong quá trình tìm câu trả lời, Bộ đã nhìn thấy được năm thách thức.
Thứ nhất là mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đã tác động tiêu cực vào ngành Văn hóa.
Thứ hai, môi trường văn hóa đang hết sức phức tạp, thiếu lành mạnh. "Muốn có văn hóa phải có môi trường văn hóa, vậy ai là người kiến tạo, trách nhiệm đó của riêng Bộ hay của toàn xã hội" - Bộ trưởng bày tỏ băn khoăn.
Thách thức thứ ba đó là giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc. Theo Bộ trưởng, chúng ta vẫn thường nói, Văn hóa Việt Nam đậm đà, tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, cần phải làm rõ nội hàm của tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc là cái gì, được thể hiện ở góc độ nào và hiện đang đứng trước nguy cơ mai một ra sao? Trong khi đó, bản chất của con người là "thích cái mới, chuộng cái đẹp và yêu cái lạ", do vậy câu hỏi đặt ra ở đây là giữ gìn văn hóa bản sắc dân tộc bằng cách nào?
Thách thức thứ tư là xử lý mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát huy. "Hàng loạt di tích lịch sử cách mạng cần bảo tồn như thế nào, phát huy giá trị ra sao? Tác dụng của giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể trong vấn đề xây dựng văn hóa Việt Nam? - Bộ trưởng đặt câu hỏi và cho rằng, đây là vấn đề mà ngành rất trăn trở trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp.
Thách thức cuối cùng mà Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề cập đến đó là ngành VHTTDL đang đứng trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, vấn đề đặt ra là làm sao để ngành Du lịch thực sự trở lại thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nêu ra "ba mâu thuẫn, năm thách thức" như vậy để từ đó Bộ đã có nhiều đề xuất với Chính phủ nhằm tháo gỡ những khó khăn của ngành dựa trên quan điểm "xác định xây dựng văn hóa, con người Việt Nam là động lực phát triển".
Khẳng định, trong thời gian tới, sự chuyển hướng của ngành không chỉ tập trung vào kiến tạo chính sách mà sẽ đi vào vấn đề cụ thể, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ nỗ lực để trình Chính phủ Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, không được xao nhãng.
Cùng với đó là đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao, trong đó thể thao quần chúng là mục tiêu, nền tảng; Phát triển Du lịch trở thành đột phá, ngành kinh tế mũi nhọn; Bảo tồn và phát huy các giá trị về bản sắc văn hóa dân tộc…
Nhấn mạnh "chỉ có công cụ pháp luật mới giúp thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ", Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các Ủy ban của Quốc hội đồng hành, hỗ trợ Bộ trong quá trình xây dựng các dự án Luật trong 5 năm tới. Từ phía Bộ sẽ nỗ lực, cố gắng để làm đến đâu chắc đến đó, các dự án Luật khi ra đời phải có "tuổi thọ" dài.
Năm dự án Luật trình Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021-2026 là một nỗ lực lớn
Góp ý tại buổi làm việc, các đại diện của một số Ủy ban của Quốc hội đều bày tỏ đồng tình, ghi nhận sự nỗ lực của Bộ VHTTDL trong công tác hoàn thiện thể chế thời gian qua. Đồng thời cho rằng, việc Bộ xây dựng kế hoạch trình Chính phủ đưa ra Quốc hội xem xét năm dự án Luật liên quan đến lĩnh vực của ngành là sự cố gắng, nỗ lực.
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội cho rằng, trong quá trình xây dựng các dự án Luật cũng như thực hiện các nhiệm vụ, Bộ VHTTDL và Ủy ban VHGD cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa trong vấn đề thông tin. Sắp tới, Ủy ban cũng sẽ đồng hành với Bộ trong quá trình xây dựng các dự án Luật, cùng với đó là xây dựng các giải pháp phục hồi của ngành sau đại dịch COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội bày tỏ tâm đắc với nhiều quan điểm của Bộ trưởng, nhất là tinh thần "nói thật, làm thật", với một quyết tâm như vậy chắc chắn ngành VHTTDL sẽ có khởi sắc.
Khẳng định Quốc hội luôn sát cánh với Chính phủ, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, việc đưa vào năm dự án Luật trong giai đoạn 2021-2026 là quyết tâm lớn của ngành. Từ đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội đề nghị Bộ khi xây dựng dự án Luật cần có sự chuẩn bị công phu, có đánh giá tác động và lấy ý kiến kỹ trên diện rộng và phải sát với các vấn đề thực tiễn của ngành, của cuộc sống.
Bà Hoàng Thị Hoa - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV cho rằng, Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã xác định nguồn nhân lực chất lượng cao đó là một trong ba đột phá chiến lược, ngoài ra còn xác định Văn hóa là sức mạnh, động lực để phát triển đất nước, đây chính là cơ hội cho ngành Văn hóa.
Đặt vấn đề "Văn hóa đang ở đâu trong phát triển nguồn nhân lực", bà Hoàng Thị Hoa cho rằng, trước đây, khi xây dựng nguồn nhân lực chúng ta thường chú trọng đến kỹ năng, sức khỏe, nhưng bây giờ tiêu chí về nhân lực chất lượng cao cần phải đưa vào yếu tố văn hóa và khát vọng cống hiến. Từ đó, Bộ VHTTDL cần phối hợp với Bộ GD&ĐT trong việc đào tạo nguồn nhân lực vừa có trình độ, kỹ năng nhưng cũng phải có văn hóa, sức khỏe và quan trọng nhất là khát vọng cống hiến cho đất nước.
Ông Phan Viết Lượng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội bày tỏ vui mừng trước tinh thần đổi mới từ ngành VHTTDL kể từ sau Đại hội XIII của Đảng. Bộ trưởng đã thấy rõ thực trạng, từ đó xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức. Với biện pháp cụ thể, tin tưởng Bộ trưởng sẽ cụ thể hóa được các chủ trương về văn hóa của Đảng, Nhà nước bằng các giải pháp hiệu quả và thiết thực.
Một ý kiến khác của đại biểu tham gia buổi làm việc cho rằng, trong thời gian tới, cần truyền đi thông điệp để thay đổi quan niệm của xã hội cũng như các nhà quản lý, đó là Văn hóa không phải là lĩnh vực tiêu tiền mà chính là lĩnh vực kiếm ra tiền thông qua nền công nghiệp Văn hóa. Chỉ khi thay đổi quan niệm xã hội, ngành mới phát triển bền vững được.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ cảm ơn các đại biểu và khẳng định sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc, từ đó đưa ra các giải pháp trong việc xây dựng các bộ Luật dựa trên các tiêu chí sát và phù hợp, đảm bảo đúng tiến độ.
Trong quá trình xây dựng Luật, Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo cơ quan thuộc Bộ phối hợp với các đơn vị liên quan, các chuyên gia để có những dự thảo chất lượng, chặt chẽ. Đồng thời, Bộ cũng sẽ gắn kết chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, vừa làm vừa tranh thủ ý kiến để phát huy sức mạnh tổng hợp ngay từ đầu. Trong đó, chú ý nhiều hơn đến vấn đề khung chính sách, đối tượng tác động, các chính sách khi được ban hành đi vào thực chất, thực tiễn.
Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và Chủ nhiệm Ủy ban VHGD của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cũng chủ trì buổi làm việc liên quan đến dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Sau buổi làm việc, các bên đều thống nhất về thời gian trình dự án Luật này trước Quốc hội là tháng 10/2021./.