(Tổ Quốc) - Chiều muộn ngày 20/3, Bộ Công Thương tổ chức họp báo thông tin về việc tăng giá điện. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực điều hành buổi họp báo.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực điều hành buổi họp báo.
Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định điều chỉnh giá bán điện tăng thêm 8,36%. Mức giá điện trung bình được điều chỉnh lên 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh tương ứng chia làm 6 bậc, thấp nhất 1.678 đồng/ kWh và cao nhất 2.927 đồng/kWh. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT.
STT | Khung điện sử dụng | Giá điện từ 20/3(*) |
Khung điện sử dụng | Cho từ 0-50 kWh | 1.678 |
Khung điện sử dụng | Cho từ 51-100 kWh | 1.734 |
Khung điện sử dung | Cho từ 101-200 kWh | 2.014 |
Khung điện sử dụng | Cho từ 201-300 kWh | 2.536 |
Khung điện sử dụng | Cho từ 301-400 kWh | 2.834 |
Khung điện sử dụng | Cho từ 401 kWh trở lên | 2.927 |
(*) đồng/kWh, chưa gồm thuế VAT
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, việc điều chỉnh tăng giá điện dựa trên kết quả kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có các văn bản trình phương án bán lẻ điện bình quân năm 2019.
Sau đó, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính để kiểm tra, rà soát các thông số đầu vào để tính toán giá điện theo quyết định 24/2017/QĐ-TTg , bao gồm nhiều thông số đầu vào, chênh lệch tỷ giá còn treo... Với các thông số đều vào, phương án giá điện đã được xây dựng theo nhiều kịch bản khác nhau, trong đó có kịch bản tăng giá điện ở mức 8,36%. Trong kịch bản có nhiều phương án khác nhau, và đều được báo cáo Thủ tướng, Thường trực Chính phủ xem xét.
Nhằm làm rõ thắc mắc của phóng viên về yếu tố đầu vào, ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích chi phí đầu vào bao gồm chi phí ở các khâu: phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành... Từ 5/1/2019, giá than bán trong sản xuất điện đã tăng từ 2,6% -7,67% tùy từng loại than, làm tăng chi phí phát điện lên khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, giá than cũng sẽ được điều chỉnh bước 2 và giá than cũng sẽ được điều chỉnh đồng thời với giá điện ngày hôm nay. Theo đó, giá than của TKV sẽ tăng khoảng 3,77%, than Đông Bắc tăng thêm 5%, ước làm tăng chi phí 2.000 tỷ đồng.
Năm 2019, do than trong nước không đủ nên một số nhà máy điện của EVN đang phải sử dụng than trộn giữa than trong nước và than nhập ngoại, thì hiện nay ước tăng khoảng 1.921 tỷ đồng. Đồng thời, năm nay cũng chính thức thực hiện luật thuế Bảo vệ môi trường.
"Đó là những yếu tố chính tác động tới việc tăng giá than. Còn đối với khí, trước ngày 20/3 có 2 loại khí. Một loại khí trong bao tiêu áp dụng giá theo quy định hợp đồng, còn giá trên bao tiêu là áp dụng theo thị trường. Từ hôm nay, toàn bộ khí bán cho các nhà máy điện (bao gồm cả khí trên bao tiêu và trong bao tiêu) đều thực hiện theo giá thị trường. Điều này khiến cho chi phí sản xuất điện tăng khoảng 5.800 tỷ đồng", ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích cụ thể về chi phí đầu vào.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết thêm, trong năm nay, một số khoản chi phí ngành điện phải trả bằng USD, tỷ lệ chênh lệch tỷ giá là 1,36%. Ngoài ra, EVN vẫn còn một khoản chênh lệch tỷ giá phải phân bổ dần vào giá điện trong giai đoạn 2016-2020.
Bóc tách vấn đề này, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỷ đồng từ việc tăng giá điện 8,36% từ ngày 20/3. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này sẽ được EVN chi trả cho các đối tác cung cấp khí, than, nhà máy điện bán cho EVN mà đáng lẽ phải trả cách đây 2 năm nhưng đã bị treo lại.
Buổi họp báo thu hút hàng trăm phóng viên tham dự.
Trong đó, số tiền chi trả cho đối tác bán than cho điện là 7.000 tỷ đồng, chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu 6.000 tỷ; chênh lệch tỷ giá của nhà máy điện ngoài EVN khoảng 3.825 tỷ đồng...
Theo đại diện này, tổng chi phí thanh toán mà EVN phải trả khoảng 21.000 tỷ đồng. Như vậy ngành điện vẫn bị âm khoảng 1.000 tỷ đồng nếu chi trả hết các đối tác.
"Chênh lệch tỷ giá với các nhà đầu tư bên ngoài trong năm 2018 vẫn còn 3.000 tỷ đồng vẫn phải treo tiếp, nếu đưa vào đợt tăng giá này thì sẽ rất cao", ông Đinh Quang Tri cho hay.
Giải thích thắc mắc của phóng viên về làm thế nào để hạn chế chênh lệch tỷ giá, ông Đinh Quang Tri nêu rõ, đây là vấn đề hoàn toàn do khách quan, do thị trường ngoại tệ. Trường hợp thị trường ngoại tệ ổn định thì chênh lệch tỷ giá sẽ giảm đi.
Cũng trong buổi họp báo chiều nay, để làm rõ tính minh bạch trong tính toán giá bán điện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Bộ trưởng Công Thương đã ban hành chỉ thị 11 về công khai minh bạch giá điện, xăng dầu và có trên website của Bộ. Định kỳ hằng tháng, hằng quý thông số đầu vào của những mặt hàng này đều được cập nhật. Ví như Bộ đã công bố sản lượng điện huy động, chi phí mua điện với các nhà máy điện, công bố chênh lệch tỷ giá...
Ngoài ra, hàng năm EVN đều phải thuê các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện. Theo đó, chỉ những chi phí nào liên quan đến giá thành sản xuất kinh doanh điện mà được kiểm toán thì mới được tính toán vào trong giá thành sản xuất kinh doanh điện. Và những yếu tố không liên quan đến giá thành sản xuất kinh doanh điện thì sẽ không tính vào trong giá thành sản xuất kinh doanh điện. Kết quả này được các đơn vị kiểm toán xác nhận.
Bộ Công Thương cũng có thành lập tổ công tác kiểm tra giá thành bao gồm đại diện các đơn vị của Bộ, mời các bộ ngành liên quan như Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB-XH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.... tham gia vào tổ công tác.
"Chúng tôi kiểm tra trên cơ sở những báo cáo đã được kiểm toán của đơn vị kiểm toán độc lập. Và sau khi có kết quả kiểm tra này, Bộ Công Thương họp báo công khai kết quả kiểm tra giá thành, nêu rõ chi phí, lợi nhuận và các khoản còn treo.... Ngoài ra, kết quả còn được đăng tải trên các website của Tập đoàn", ông Đinh Quang Tri nêu rõ.