(Tổ Quốc)- Đã gần đến ngày hết hạn áp dụng chính sách miễn visa cho công dân 5 nước Tây Âu (30/6/2017), nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin chính thức về việc chính sách này có tiếp tục được gia hạn hay không? Điều này khiến cho doanh nghiệp du lịch như “ngồi trên đống lửa”.
- 29.05.2017 Đại biểu Quốc hội hoan nghênh Chính phủ quyết liệt vụ quy hoạch Sơn Trà
- 29.05.2017 Hà Nội thu hút gần 10 triệu lượt khách trong 5 tháng
- 29.05.2017 Mạnh tay chống khủng bố, Mỹ tính siết chặt quy định hàng không
- 30.05.2017 Đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo Luật Du lịch
- 30.05.2017 Liều lĩnh “quỵt” tiền điện, chủ khách sạn lĩnh án tù
- 30.05.2017 “Nếu giữ nguyên hiện trạng, Sơn Trà sẽ trở thành đảo hoang”
- 31.05.2017 UBND TP Đà Nẵng: kiến nghị giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà là “chưa phù hợp”
Miễn visa đem lại lợi ích rõ rệt
Chính sách miễn thị thực (visa) có thời hạn cho công dân 5 nước Tây Âu (Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha, Cộng hòa Italia) thời gian qua đã có những tác động tích cực và lợi ích rõ ràng trong việc thu hút khách du lịch từ những thị trường này đến Việt Nam. Trong 12 tháng đầu tiên miễn thị thực nhập cảnh (7.2015- 6.2016), tổng lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu đạt gần 721.000 lượt người, tăng 15,4% so với gần 625.000 lượt của 12 tháng cùng kỳ tương ứng của năm 2014 và 2015. Trong khi giai đoạn 2010- 2014, tổng lượng khách du lịch từ thị trường 5 nước Tây Âu tăng trung bình 5,35%/ năm. Với tốc độ tăng này, năm 2016 có thể thu hút 694.000 lượt. Tuy nhiên, sau khi được miễn thị thực nhập cảnh, năm 2016, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 781.000 lượt, tăng 19% so với năm 2015, tăng thêm 87.000 lượt người so với lượng khách tăng ở mức 5,35%.
Trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 333.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức tăng cao đối với thị trường xa, có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày. Trong đó, thị trường Tây Ban Nha tăng 32%, Đức 18%, Italia tăng 16%, Pháp tăng 13% và Anh tăng 13%.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đối với thị trường xa, đó là mức tăng trưởng rất lớn vì những thị trường này tăng không dễ như những thị trường gần. Bên cạnh đó, số lượng du khách từ các thị trường này tuy không đông như những du khách ở khu vực gần nhưng thời gian lưu trú dài ngày (ít nhất từ 15 ngày đến 1 tháng) và mức chi tiêu cao, đem lại lợi ích lớn không chỉ cho ngành du lịch mà cả những ngành nghề khác.
Bộ VHTTDL đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước Anh, Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha từ 1 năm lên 5 năm |
Theo điều tra của Tổng cục Du lịch, mức chi tiêu trung bình của khách du lịch từ 5 nước Tây Âu được miễn thị thực tại Việt Nam là 1.316 USD. Với số lượng khách tăng thêm 87.000 lượt người năm 2016 mang lại tổng thu trực tiếp tăng thêm đạt hơn 114 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa đạt hơn 124 triệu USD. Tổng thu tăng thêm từ lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu ước đạt hơn 238 triệu USD.
“Mục tiêu lâu dài là chúng ta ưu tiên hướng tới những thị trường có chi tiêu cao, lưu trú lâu dài chứ không phải là những thị trường đến đông nhưng lưu trú ngắn ngày, chi tiêu thấp. Hiện nay các quốc gia trong khu vực cũng đẩy mạnh miễn visa cho các nước trên thế giới, ví dụ: Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước, vùng lãnh thổ; Malaysia miễn thị thực cho công dân 155 nước và vùng lãnh thổ; Singapore miễn thị thực cho công dân 158 nước và vùng lãnh thổ; Indonesia miễn cho công dân 169 nước và vùng lãnh thổ... Các nước này đều áp dụng chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử (e-visa). Các quốc gia này đều sử dụng visa như một công cụ để nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực du lịch, thu hút khách quốc tế” – ông Tuấn cho hay.
Cần chính sách visa dài hơi
Những ngày qua, các doanh nghiệp lữ hành rất nóng lòng trông chờ Chính phủ tiếp tục chính sách miễn giảm visa cho du khách các nước Tây Âu, tuy nhiên việc chưa có thông tin chính thức khiến cho doanh nghiệp không biết trả lời như thế nào với khách hàng, đối tác. Một doanh nghiệp chia sẻ, có rất nhiều đối tác nước ngoài than thở rằng không ít du khách hoãn đặt tour lại vì không được biết chính xác liệu họ có được áp dụng chính sách miễn visa khi đến Việt Nam trong mấy tháng tới hay không?
Thực tế, trong nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam thời gian gần đây, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) không thể đưa ra những thông tin rõ ràng cho các cơ quan, doanh nghiệp du lịch những vấn đề liên quan đến chính sách thị thực đối với 5 nước Tây Âu từ sau ngày 30/6/2017. Điều này phần nào gây bất lợi cho du lịch Việt Nam trong việc thu hút du khách.
Về vấn đề này, ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty Du lịch Hanoitourist bày tỏ: “Gần 2 năm thực hiện miễn visa cho 5 nước Tây Âu, chúng ta đã thấy rõ những được- mất nên cũng không nên lăn tăn làm gì về những khó khăn hay thiệt thòi cục bộ của ngành nào trong việc này nữa. Chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng, thế giới đang làm thế nào, họ được lợi gì hay thiệt thòi gì mà cứ miễn liên tục, miễn càng ngày càng nhiều để đón người dân khắp thế giới đến? Hãy công tâm xem xét Việt Nam thực sự thu được, mất mát gì khi miễn thị thực cho công dân đến từ thị trường 5 nước Tây Âu để có những quyết sách dài hạn và ổn định”.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia du lịch, việc triển khai visa điện tử không thể thay thế những lợi ích mà miễn visa đem lại cho Việt Nam. Hiện nay, chính sách thí điểm cấp thị thực điện tử của Việt Nam trong vòng 2 năm (kể từ ngày 1/2/2017) mới chỉ cho 40 nước. Trong đó có 16 nước đã miễn thị thực đơn phương, còn lại là các thị trường không lớn (trừ Mỹ) nên hiệu quả chưa rõ rệt. Hơn nữa, việc cấp thị thực điện tử chỉ là công cụ để đơn giản hóa thủ tục nên chưa góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam về chỉ số yêu cầu thị thực nhập cảnh.
“Miễn visa và thực hiện visa điện tử là hai vấn đề khác nhau. Miễn visa thể hiện sự hội nhập của Việt Nam với thế giới trong việc tạo điều kiện, thuận lợi hơn cho du khách đến với Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam nằm trong top những nước lạc hậu nhất trên thế giới vì vấn đề visa. Cấp visa điện tử chỉ là công cụ để thực hiện nhanh hơn, dễ hơn cho du khách, nhưng không thể thay thế vấn đề miễn visa, đồng thời không thể hiện rõ sự hội nhập của Việt Nam với thế giới” - ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định.
Được biết, mới đây, Bộ VHTTDL đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước Anh, Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha từ 1 năm lên 5 năm; Tiếp tục xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam...Những kiến nghị cụ thể này bám sát theo định hướng “tạo thuận lợi tối đa và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam” như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Visa là một trong những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam và hiện đây cũng là một yếu tố mà du lịch Việt Nam còn kém khi xét về năng lực cạnh tranh. Mặc dù thời gian vừa qua, Việt Nam đã có bước tiến trong việc cải thiện về vấn đề visa, nhưng chúng ta cần có bước tiến mạnh mẽ hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hầu như các quốc gia trên thế giới đều miễn visa cho thị trường Tây Âu, nếu chúng ta áp dụng 2 năm rồi lại dừng lại thì là điều hết sức đáng tiếc" - ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định./.