(Tổ Quốc) - Trước tình hình nông sản trong nước "ùn ứ" tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) nhiều ngày nay do phía bạn hàng siết chặt việc kiểm tra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi tiếp Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) Vương Dư Ba chiều ngày 23/10 đã đề nghị được quan tâm, tháo gỡ.
Đề nghị phía Trung Quốc giải quyết tình trạng ùn tắc nông sản của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được đưa ra trong bối cảnh nhiều ngày qua hàng trăm xe trở các mặt hàng nông sản bị tắc nghẽn tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Nguyên nhân là do phía bạn hàng siết chặt việc kiểm tra về tiêu chuẩn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ và các đóng gói bao bì....
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi tiếp Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam Vương Dư Ba đã đề nghị tháo gỡ tình trạng "ùn ứ" nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh. Ảnh VGP/Thành Chung
Cụ thể, tình trạng ùn ứ xảy ra do phía Trung Quốc thực hiện quy trình kiểm soát đối với phương tiện vận tải và hàng hóa nhập khẩu kể từ ngày 12/10. Theo đó, tất cả phương tiện nhập cảnh vào Trung Quốc đều được các lực lượng chức năng phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ, kiểm tra thủ công từng cabin, container hàng, dẫn tới kéo dài thời gian, thông quan.
Nếu như trước kia khi làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam chỉ cần khai báo và sẽ sớm được thông quan trong vòng 2 phút/ xe hàng, nhưng nay do phía Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt đối với phương tiện và hàng hóa trên xe hàng nên mỗi xe hàng khi làm thủ tục, kiểm tra và thông quan lên tới 10 phút/ xe hàng.
Chính vì thời gian thông quan mỗi xe lâu gấp vài lần so với trước đây nên đã dẫn đến tình trạng tồn xe, cao điểm ngày 18/10 chỉ xuất khẩu được 182 xe, tồn khoảng 500 xe. Tính đến 19h ngày 21/10 lượng phương tiện tại cửa khẩu còn tồn khoảng 470 xe hàng.
Hiện nhiều xe đang dừng ở bãi tập kết hàng chờ xuất khẩu hoặc nhích từng bước về phía cửa khẩu chờ xuất hàng. Thậm chí, có một số xe đành phải quay lại do hàng bị hư, bán đổ bán tháo ngay bên hông cửa khẩu Tân Thanh. Để tránh hỏng hàng, các xe luôn trong tình trạng nổ máy, bật điều hòa...
Trước tình hình này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai, đề nghị các đơn vị này cập nhật, đưa thông tin công khai, thường xuyên về diễn biến thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và nông sản, thanh long nói riêng qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tỉnh để triển khai kịp thời, hiệu quả các công tác điều phối hoạt động xuất khẩu thanh long nói riêng và nông sản nói chung...
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành thống nhất với Trung Quốc cho phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu khác của Lạng Sơn như: Chi Ma, Na Hình, Bình Nghi…để tăng khả năng thông quan cho nông sản.
Nhằm giải quyết khó khăn này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cũng đã có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn cuối tuần qua.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, đã thành lập đoàn công tác tiến hành trao đổi, làm việc với các lực lượng chức năng phía Trung Quốc, đề nghị đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, giám sát hàng hóa; không thực hiện kiểm tra, giám sát tại cổng cửa khẩu mà chỉ thực hiện khi xe hàng đã vào bãi tập kết, đồng thời kéo dài thời gian làm thủ tục thông quan tới 21 giờ (giờ Hà Nội).
Đến nay, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, sau khi giảm 5,5% trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng đầu năm 2019 lại tiếp tục giảm 10,5%.
Hàng trăm container chở nông sản vẫn đang nằm chờ thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh. (Nguồn: vnexpress.net)
Nguyên nhân sụt giảm là do nhu cầu tiêu thụ nội địa yếu đi và những động thái mới trong chính sách và thực thi chính sách của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đã cơ cấu lại bộ máy quản lý, sáp nhập Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch quốc gia (AQSIQ) về Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo ngành dọc, đồng thời tăng cường công tác thực thi pháp luật, các chính sách thương mại biên giới được siết chặt theo hướng ngày càng đi vào chính quy, với trọng tâm là tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định của Trung Quốc đối với hoạt động nhập khẩu nông thủy sản trên tuyến biên giới đất liền.
Liên quan đến xuất khẩu nông sản, sáng 14/10 vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong buổi chủ trì diễn đàn "Nông dân quốc gia lần thứ 3" với chủ đề "Khơi nguồn nông sản Việt", cho biết, Việt Nam hiện có 10 mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 5 mặt hàng giá trị trên 2 tỷ USD. Trái cây chính thức soán ngôi dầu thô, nếu làm tốt có thể đạt xấp xỉ 4 tỷ USD trong năm. Nhiều mặt hàng nông sản được mùa, sản lượng cao kỷ lục nhưng nhờ chủ động tổ chức tiêu thụ tốt, làm tốt khâu xúc tiến thương mại, quảng bá nên tiêu thụ vẫn thuận lợi và được giá.
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ sẽ hoàn thiện hơn nữa các chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư. Với sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tình trạng được mùa mất giá, ế thừa nông sản sẽ ngày càng giảm đi, đời sống và thu nhập của người nông dân ngày càng được nâng cao.