(Tổ Quốc) - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có công văn gửi Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam về việc ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam trước nguy cơ dịch viêm phổi cấp do vi rút corona gây ra.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nông sản nhập khẩu tại Trung Quốc. Đồng thời, do công tác phòng chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng bị hạn chế, ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng của Việt Nam sang Trung Quốc.
Trước tình hình này, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics thông báo cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics phụ vụ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc cấn bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm dược những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra.
Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp có kho lạnh ưu tiên, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam lưu giữ, bảo quản nông sản trong khi chờ xuất khẩu sang Trung Quốc, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước.
Cũng theo Cục Xuất Nhập khẩu, các cặp cửa khẩu thuộc địa bàn thị Bằng Tường của Trung Quốc sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết ngày 8/2/2020 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan mở cửa vào ngày 3/2/2020) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch. Nếu dịch kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản, cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp. Các doanh nghiệp cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra. Các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động giao thương của cư dân biên giới để đảm bảo có biện pháp quản lý đồng bộ với hoạt động thương mại thông qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia.
Nông sản, thủy sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang Trung Quốc, luôn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 20%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Trung Quốc cũng đồng thời là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của nước ta ra thế giới. Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.