(Tổ Quốc) - Từng biểu diễn ra mắt trong hai ngày 25 và 26/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở opera đầu tiên của nền nhạc kịch Việt Nam sau hơn 40 năm đã được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao.
Vở nhạc kịch “Lá đỏ” sẽ là một trong những chương trình biểu diễn của 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL vào biểu diễn ở Nhà hát Lớn, xây dựng tác phẩm có chất lượng cao. Từng biểu diễn ra mắt trong hai ngày 25 và 26/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vở opera đầu tiên của nền nhạc kịch Việt Nam sau hơn 40 năm đã được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao.
Với hơn 100 diễn viên, nghệ sĩ của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cùng đội ngũ tác giả gồm nhiều gương mặt tên tuổi như Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đỗ Hồng Quân, NSND Anh Tú, vở opera không chỉ quy mô lớn về mặt dàn dựng mà còn giàu ý nghĩa đối với cuộc sống đương đại. Trong lần chuẩn bị biểu diễn khởi đầu này, nhạc sĩ, chỉ huy vở diễn Đỗ Hồng Quân đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi.
Bản hợp xướng về tình yêu đất nước, tình yêu tuổi trẻ
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: "Lá đỏ" được biểu diễn thường xuyên ở Nhà hát Lớn, qua đó, phần nào thay cho những bài giảng về chiến tranh, cho người hôm nay, từ đó, càng thêm những biết ơn những người đã hi sinh trong chiến tranh. |
+ Vở nhạc kịch “Lá đỏ” được lựa chọn biểu diễn đầu tiên cho chuỗi chương trình biểu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội, theo nhạc sĩ, điều này có ý nghĩa như thế nào?
- Đã lâu lắm rồi, sân khấu âm nhạc Việt Nam không có vở nào lớn, mang tính dài hơi như một vở nhạc kịch.
Thời điểm năm 1975, công bố vở “Người tạc tượng” của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận, trước đó năm 1965, có vở đầu tiên là “Cô Sao”. Cả một giai đoạn dài như vậy, do điều kiện đời sống xã hội cũng như đời sống âm nhạc chưa có tác phẩm lớn, dài hơi. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có QĐ 844/ QĐ-TTCP Hỗ trợ các tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí nói về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ từ 1930 đến nay. Năm 2013, Cục NTBD đặt hàng tôi viết một vở opera. Là tác phẩm dài hơi nên qua hội đồng duyệt rất chặt chẽ, sau khi được duyệt mới đưa vào dàn dựng, biểu diễn. Sự xuất hiện một vở nhạc kịch mới trong đời sống âm nhạc nó làm đúng được tinh thần của QĐ 844, quy mô lớn, trước nay chưa từng có, huy động cả Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, với một lượng nghệ sĩ lên đến 80 người, huy động cả Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam với những giọng ca chính, những solist xuất sắc, đoạt giải trong nước cũng như từng tốt nghiệp cao học ở nước ngoài…
Sự ra đời của “Lá đỏ” làm cho đời sống âm nhạc phong phú hơn. Chứng minh một điều là dù mình nhìn dưới góc độ nào khác thì mạch nguồn của âm nhạc Việt Nam vẫn phát triển, sự đầu tư vào văn hóa nghệ thuật là có hiệu quả, tất nhiên là hiệu quả ở thời gian lâu dài nhưng không phải vì thế mà chúng ta dừng chân tại chỗ.
Chúng ta có thể đầu tư vào nhiều loại hình khác từ văn học, mỹ thuật, hội họa, âm nhạc… nhưng biểu hiện trước hay sau thì cũng mang lại lợi ích cho đời sống xã hội lâu dài. Hơn nữa, chức phận của văn hóa nghệ thuật là gì, nếu không khắc họa, phản ánh, làm sống động lại những tư liệu lịch sử về thời kỳ đã qua thì sẽ lấy gì để nhắc lại thời kỳ đó trừ những bài học lịch sử và những hình ảnh tư liệu. Muốn làm mới lại, sống lại lịch sử thì phải đầu tư cho văn hóa nghệ thuật.
Theo chủ trương của Bộ VHTTDL, biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống và đỉnh cao đều đặn ở Nhà hát Lớn để nhiều thế hệ công chúng có thể biết đến, thưởng thức. Theo tôi, khi “Lá đỏ” được biểu diễn thường xuyên ở Nhà hát Lớn, qua đó, phần nào thay cho những bài giảng về chiến tranh, cho người hôm nay, từ đó, càng thêm những biết ơn những người đã hi sinh trong chiến tranh.
“Lá đỏ” là bản hợp xướng về tình yêu đất nước, tình yêu tuổi trẻ |
+ Việc tập luyện cho vở diễn hẳn không dễ dàng?
- Những công trình như thế này, sự luyện tập rất công phu, mất rất nhiều thời gian để có được hai đêm diễn, phải lao vào luyện tập trước 3, 4 tháng trời. Quy trình luyện tập cũng không đơn giản như tập một ca khúc ca múa nhạc đơn thuần. Phải đi từ các nhân vật thuộc giai điệu, thuộc bè của mình, rồi phối hợp với piano, chạy suốt với piano, rồi mới phối hợp với dàn nhạc, trên hết là vai trò của người đạo diễn, xuyên suốt tất cả công việc để tạo dựng những chuyển động, kịch tính. Đường dây xuyên suốt vở diễn là âm nhạc, chứ không phải là lời nói.
Đây là loại hình nghệ thuật rất cao, đòi hỏi sức lao động hết mình. Nếu không xả thân thì không đảm đương được. Một ca sĩ hát hai tiếng liền trên sân khấu sẽ khác với một ca sĩ chỉ hát 1 bài 5 phút. Cần phân biệt điều đó để thấy sự tự nguyện, quên mình vì nghệ thuật của các nghệ sĩ.
+ Nội dung và ý nghĩa mà vở diễn muốn gửi gắm là gì, thưa ông?
- Ý nghĩa vở diễn rất lớn, đề tài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vở nhạc kịch "Lá đỏ" với thời lượng 2 giờ đồng hồ, 2 màn, 6 cảnh xoay quanh câu chuyện bi tráng có thật về 8 chiến sỹ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên đường Trường Sơn. Với họ, hàng ngày được khai mở đường vận chuyển vào chiến trường, được giao lưu hồn nhiên với những chiến sỹ trên đường hành quân, được sẻ chia tâm sự về gia đình, ấy là mãn nguyện. Kịch tính của vở nhạc kịch được đẩy lên cao khi trong 1 trận cứu hàng tránh bom, 8 người họ đã bị vùi lấp trong hang. Dù bị kẹt trong hang sâu, họ vẫn không chùn bước, vẫn dạt dào hy vọng, kiên cường động viên nhau trụ lại cho đến phút giây hy sinh.
“Lá đỏ” là bản hợp xướng về tình yêu đất nước, tình yêu tuổi trẻ. Đây cũng là chủ đề phù hợp với yêu cầu của ngày hôm nay. Chúng ta không chỉ hát, nói về ngày hôm nay, phải tri ân quá khứ đặc biệt là hai cuộc kháng chiến.
Vở diễn không chỉ dành cho khán giả hôm nay mà còn cho những lứa tuổi đã từng tham gia cuộc chiến, những cựu TNXP, những cựu chiến binh đã từng có mặt trên những chiến trường khốc liệt nhất. Nhiều người xúc động thấy đúng là hiện thực được tái hiện sinh động, đầy ý nghĩa. Hơn nữa, được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc, nghệ thuật âm nhạc, bằng ca từ, giai điệu, hiệu quả của dàn nhạc giao hưởng nên cho hiệu quả mà ít người được thưởng thức, vượt qua thể loại thông thường như những ca khúc, những bài hát đơn giản mà chúng ta đã quá no đủ.
Vở diễn cũng có những ca khúc đơn lẻ của thời kỳ đó và kết vào vở diễn thành tổng hòa một mối quan hệ, mang âm hưởng không xa lạ với tai người nghe, không xa lạ với những cử chỉ, hành động của những người đã là nhân chứng lịch sử trong quá khứ.
Hy vọng không chỉ ở Hà Nội mà “Lá đỏ” còn được đi lưu diễn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước |
Mang nghệ thuật đỉnh cao tới những người chưa một lần xem nghệ thuật, đó là hạnh phúc
+ Vậy ở lần biểu diễn này sẽ có gì khác với lần ra mắt trước, thưa nhạc sĩ?
- Một tác phẩm khi đã định hình thì tất cả các yếu tố đã nằm trong tổng phổ âm nhạc. Nếu muốn nâng thì chỉ có nâng cao chất lượng diễn xuất. Nhân vật thể hiện sắc nét hơn, những mối quan hệ phải chặt chẽ hơn, logic hơn, những đoạn kịch tính như 2 thế giới như trong hang cận kề cái chết, ngoài hang bất lực thì phải được nâng cao hơn về diễn xuất. Về trang trí sân khấu cũng phải tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hơn. Tất nhiên, đây là giải pháp khó, như núi sập như thế nào, hai thế giới cùng trên một sân khấu, ước lệ. Nhưng tôi cũng kỳ vọng như vậy.
Điểm nữa là diễn xuất của ê kip chính. Lần trước, chỉ huy vở diễn là ngài Honna Tetsuji, nhạc trưởng người Nhật. Nhưng lần này, chính tôi, sẽ chỉ huy. Hy vọng với sự chỉ huy của chính tác giả thì hiệu quả sát thực hơn!
+ Ngoài việc biểu diễn ở Nhà hát Lớn, nhạc sĩ có kỳ vọng đưa vở diễn đến với công chúng nhiều hơn?
- Hội Nhạc sĩ và hai nhà hát cùng quyết định thực hiện biểu diễn “Lá đỏ” trong đêm diễn mở màn cho chuỗi chương trình xây dựng tác phẩm có chất lượng của Bộ VHTTDL ngoài việc ủng hộ và đánh giá cao chủ trương của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, cũng còn do nhu cầu của công chúng, đồng nghiệp. Hai đêm diễn tháng 5 số lượng người xem chưa nhiều. Những người hỗ trợ cho sự ra mắt của tác phẩm cũng chưa thưởng thức.
Tôi hy vọng không chỉ ở Hà Nội mà “Lá đỏ” còn được đi lưu diễn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước đặc biệt là các tỉnh thành miền núi ven Trường Sơn như Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị…những vùng gắn với Trường Sơn thời chống Mỹ. Mang nghệ thuật đỉnh cao tới những con người chưa một lần xem nghệ thuật trên sân khấu, với người nghệ sĩ đó là hạnh phúc.
+ Xin cám ơn nhạc sĩ!
Hoàng Nguyên (thực hiện)