• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NSND Chu Văn Thức - Người nặng lòng với chèo cổ

15/12/2007 07:23

Bất cứ lúc nào, hễ có dịp là NSND Chu Văn Thức lại say sưa trò chuyện về các vở chèo cổ. Ông hồn hậu: "Bây giờ, nhiều khi lên sàn tập huấn cho các bạn trẻ ở Nhà hát Chèo, tôi cáu: Tập luyện kiểu này, phải ngày trước, các cụ mắng cho chết". "Các cụ" ở đây chính là những nghệ nhân nức tiếng của các chiếng chèo xưa, những người đã dạy và truyền nghề cho Chu Văn Thức.

Bất cứ lúc nào, hễ có dịp là NSND Chu Văn Thức lại say sưa trò chuyện về các vở chèo cổ. Ông hồn hậu: "Bây giờ, nhiều khi lên sàn tập huấn cho các bạn trẻ ở Nhà hát Chèo, tôi cáu: Tập luyện kiểu này, phải ngày trước, các cụ mắng cho chết". "Các cụ" ở đây chính là những nghệ nhân nức tiếng của các chiếng chèo xưa, những người đã dạy và truyền nghề cho Chu Văn Thức.

Thuở ấy, cụ Trùm Thịnh, cụ Toái, cụ Ðóa, vợ chồng cụ Năm Ngũ, bà Cả Tam, bà Dịu Hương, bà Minh Lý, bà Phẩm... đã "bắt tay, bắt chân" rèn cho anh học trò Chu Văn Thức những bước cơ bản.

Tham gia Ban kịch của ông Thế Lữ, bà Song Kim từ rất sớm, từng vào vai Khorosov trong vở diễn Liuba nổi tiếng, nhưng được gợi ý của NSND Thế Lữ, Chu Văn Thức bắt đầu tiếp cận chèo. Năm 1958, ông tham gia lớp bồi dưỡng đạo diễn sân khấu do chuyên gia Liên Xô hướng dẫn. Sau đó, ông trực tiếp dàn dựng và cùng biểu diễn trong một số vở chèo cổ: Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, Quan Âm Thị Kính... Ở Hội diễn Sân khấu năm 1958, cái tên Chu Văn Thức bắt đầu tạo dấu ấn trong lòng người hâm mộ cùng với Diễm Lộc, Bùi Trọng Ðang, Bạch Tuyết, Vũ Thị Tý, Mạnh Tuấn, Nguyễn Thị Nhậm... - thế hệ đã làm nên diện mạo của sân khấu Chèo cách mạng...   

Một Dương Lễ hết lòng vì bạn trong Lưu Bình Dương Lễ, chàng Thiện Sỹ bạc nhược của Quan Âm Thị Kính, anh Thịnh trong Hương lúa tình quê là những vai diễn xuất sắc đầu tiên của ông. Ngay từ những ngày xa xôi ấy, ý thức giữ gìn nghệ thuật chèo truyền thống đã bám chặt lấy Chu Văn Thức. Nhiều năm liền, dù ở cương vị nào, là Phó Giám đốc hay Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Chu Văn Thức cũng chỉ chăm chắm với ý nghĩ: "Chèo phải thật sự là chèo. Nhìn đến chèo bây giờ thật buồn. Sân khấu Chèo trở thành sân khấu ca múa nhạc. Làn điệu chèo chỉ còn là những bài hát solo. Trước đây, tôi đã từng đưa bằng được cô bé Thanh Ngoan 15 tuổi từ Thái Bình lên Hà Nội. Giọng hát Thanh Ngoan lúc đó đẹp và hiếm. Nuột nà, đằm thắm. Nhưng bây giờ Thanh Ngoan hát chèo tôi nghe không được. Chạy "sô" nhiều quá, ghi âm nhiều quá, không còn ra giai điệu chèo. Nuốt hơi nhả chữ theo kiểu gì ấy".

Ở một vùng ngoại ô mà người dân Hà Nội quen gọi khu Văn công Mai Dịch, NSND Chu Văn Thức cùng những người bạn già: NSƯT Diễm Lộc, nhạc sĩ Hoàng Kiều, Hoàng Vũ... lập nên câu lạc bộ hưu trí Nhà hát Chèo Việt Nam để cố giữ bản sắc của chèo cổ đang ngày càng mai một. "Các cụ" tự phát dựng lại những vở, những trích đoạn chèo truyền thống. Lâu lâu có nơi biết tiếng mời, bầu đoàn thê tử lại kéo nhau đi biểu diễn. Lưu Bình Dương Lễ, Châu Long, Thị Mầu, Thị Kính, Xúy Vân... đều đã qua thời xuân sắc từ bao giờ, nhưng tiếng hát điệu múa còn ra dáng lắm. Thi thoảng, được các đạo diễn mời đi đóng phim truyền hình, ông lại xăm xắn lên đường. Và, NSND Chu Văn Thức đã quen mặt với công chúng màn ảnh nhỏ cả nước qua các phim như Mùa lá rụng, Cô gái đến từ Băng-cốc...

Cùng với NSƯT Bạch Tuyết đã tạo nên một Thị Mầu chưa ai vượt qua, NSƯT Diễm Lộc với Xúy Vân đầy khát vọng sống, khát vọng hưởng thụ tình yêu, NSND Mạnh Tuấn với những hề gậy, hề mồi, thầy bói, cu Sứt đã trở thành kinh điển, NSND Chu Văn Thức cũng đóng góp cho sân khấu chèo những vai kép đẹp, những chính nhân quân tử không lẫn vào đâu. Bạn bè, ngày lại ngày một thêm thưa vắng.

NSƯT Bạch Tuyết đã thành người thiên cổ từ lâu. NSND Mạnh Tuấn cũng đã làm chuyến phiêu du vĩnh cửu về với các cụ. Còn mấy ông bà già chèo ở một góc Mai Dịch chụm đầu bên nhau lo lắng: "Mai này, lấy ai người chỉ bảo cho bọn trẻ biết thế nào là chèo cổ, làm sao lớp diễn viên trẻ của chèo hiểu được truyền thống cha ông".

Theo ND

NỔI BẬT TRANG CHỦ