(Toquoc)-NSND Lan Hương chia sẻ rằng, đã có lúc chị rất nản trước những khó khăn khi theo đuổi kịch hình thể.
(Toquoc) – Được xem như là người tiên phong cho loại hình nghệ thuật mới – kịch hình thể, NSND Lan Hương vẫn đang miệt mài tìm “đất sống” cho khi kịch hình thể. Tuy nhiên, NSND Lan Hương cũng chia sẻ rằng, đã có lúc chị rất nản trước những khó khăn, thử thách khi theo đuổi kịch hình thể.
Tên tuổi NSND Lan Hương gắn liền với những bộ phim như "Em bé Hà Nội", "Những người sống quanh tôi"…Nhưng 10 năm trở lại đây khán giả biết đến NSND Lan Hương trong vai trò mới – đao diễn, trưởng đoàn kịch hình thể - thể nghiệm (Nhà hát Tuổi trẻ). Cho dù gặp rất nhiều chông gai và thử thách trên con đường đi tìm “đất sống” và khán giả cho loại hình nghệ thuật kịch hình thể, song NSND Lan Hương vẫn kiên định, quyết tâm theo theo đuổi đến cùng môn nghệ thuật mới này. Chị đã chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc về những dự án kịch hình thể gần đây cũng như những khó khăn, thử thách trên con đường nghệ thuật mình đã lựa chọn.
+Thưa NSND Lan Hương, trước đây vở diễn “Nguyễn Du và Kiều” do chị dàn dựng đã gây ra nhiều tranh cãi, khi chị đã đưa nhiều thể loại âm nhạc dân tộc vào vở diễn và thay đổi phần kết của Truyện Kiều, hoá thân Kiều thành Phật bà nghìn tay nghìn mắt. Chị có suy nghĩ gì về những ý kiến này?
-Trước đây, tôi đã từng lên báo để giải thích lại cái kết của vở diễn “Nguyễn Du và Kiều”, nhưng vẫn có một số người cố tình nói tôi thay đổi “cho Kiều hóa thành Phật bà”. Thực tế, cái kết cuộc đời Kiều trong tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du là Kiều đi tu. Nếu ai đã đến xem thì thấy rõ tôi không thay đổi.
NSND Lan Hương: "Chỉ có thể lấy niềm đam mê để theo đuổi con đường nghệ thuật chông gai này"
Đi tu sẽ nhiều người hiểu khác nhau. Người cho là tu tại gia, tu chùa và tu tại tâm. Kết thúc vở diễn, tôi xây dựng Phật bà đón Kiều vì Kiều đi tu. Lúc đầu, tôi định tạo hình tượng Phật bà với hình ảnh bàn tay, nhưng sau đó tôi đã tạo thêm đầu và thân, vì lo ngại khán giả sẽ không hiểu nên phải làm rõ hình tượng Phật bà. Kết thúc vở diễn là hình ảnh Kiều bước lên tượng Phật bà nghìn mắt nghìn tay. Theo tôi, đây là hình tượng sân khấu đẹp. Đừng nghĩ sai lệch đi như vậy.
+Được biết, chị định tiếp tục sẽ làm vở kịch hình thể “Ghen Hoạn Thư”, song dự án đã phải dừng lại. Vậy chị có thể cho biết lí do vì sao không?
-“Ghen Hoạn Thư” của tác giả Ngọc Thắng, và sẽ do anh làm đạo diễn. Ngọc Thắng mong muốn tác phẩm “Ghen Hoạn Thư” sẽ được thể nghiệm kịch không lời. Tuy nhiên, sau gần 3 tuần tập, chúng tôi đã không tìm được tiếng nói chung. Bởi vì Ngọc Thắng lại muốn hướng diễn viên theo hướng khai thác bằng kịch nói. Nếu nói thì sẽ thu hút được khán giả, khán giả sẽ dễ hiểu hơn nhưng như vậy không đúng với tiêu chí của đoàn kịch hình thể.
Tiêu chí của của kịch hình thể là tạo hình, diễn bằng nội tâm, tạo hình sân khấu mới là quan trọng nhất, lời nói chỉ là phụ trợ. Nếu mang ra biểu diễn trước công chúng mà trên sân khấu thấy diễn viên nói nhiều như vậy thì không thể gọi là kịch hình thể được.,
Và tôi cho dự án dừng lại, để Ngọc Thắng đi tìm đường hướng thể hiện mới.
+Là một diễn viên thành danh, sau đó lại chuyển sang học đạo diễn, và chọn loại hình nghệ thuật “kịch hình thế”, vậy chị có thể cho biết lí do khi lựa chọn loại hình nghệ thuật mới mẻ này?
-Tôi học đạo diễn với rất nhiều ước vọng và say mê. Tôi lại có con gái sống từ bé ở nước ngoài nên tôi có điều kiện chiêm nghiệm văn hóa châu Âu, được trực tiếp xem kịch thể nghiệm và qua ti vi. Tôi rất thích và đam mê nghệ thuật kịch hình thể lúc nào không hay. Đồng thời, tôi mong muốn chắt lọc những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống, kết hợp với các loại hình sân khấu hiện đại để tạo nên kịch hình thể mang đậm phong cách Việt.
Vở diễn đầu tiên “Giấc mơ hạnh phúc” đã thành công, đây cũng chính là ngọn lửa nuôi dưỡng cho niềm đam mê của tôi.
+ “Kịch hình thể” là một loại hình nghệ thuật mới và rất "kén" khán giả. Ngay cả vở diễn "100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử" được dàn dựng công phu, tốn kém, được các nhà chuyên môn đánh giá cao về tính thể nghiệm nhưng người xem vẫn thưa vắng. Chị có bao giờ nản lòng trước thực tế này?
-Sân khấu hiện nay đều vắng khán giả. Kịch nói đã xuất hiện lâu đời rồi mà còn kén và còn vắng khán giả chứ nói gì tới thể loại kịch mới này.
Đã có lúc tôi rất nản. Năm ngoái, tại Liên hoan sân khấu kịch Lưu Quang Vũ, tôi dựng vở kịch hình thể “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được đồng nghiệp trong nghề và khán giả khen ngợi và đón nhận nhưng đối với ban giám khảo lại không đánh giá cao. Tôi rất buồn. Ngoài ra, năm nay, tôi nhận được công văn từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó có nội dung “Đoàn kịch thể nghiệm phải tự thu, tự chi”. Khi muốn thể nghiệm, thì cần phải đầu tư, nếu không có ngân sách của nhà nước chúng tôi lấy gì để thể nghiệm. Đã là thể nghiệm thì không thể trông đợi vào việc bán vé. Nhất là bối cảnh kinh tế đang đi xuống như hiện nay.
Chúng tôi đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nếu như không có tiền, rất khó dựng vở diễn, không có tiền quảng bá rất khó hút khán giả đến với sân khấu. Ngân sách eo hẹp, sẽ không thể lấy được diễn viên tốt khi chế độ không có.
+Đã hơn 10 năm gắn bó với Đoàn kịch hình thể, chị hiểu rất rõ được sự khó khăn vất vả khi theo đuổi con đường nghệ thuật mới mẻ đầy chông gai, thử thách này. Trong vai trò là lãnh đạo của đoàn kịch hình thể, chị có thể cho biết cuộc sống của diễn viên trong đoàn hiện nay ra sao, khi tình trạng chung của sân khấu phía Bắc luôn thưa vắng khán giả?
-Diễn viên của đoàn kịch hình thể bình thường phải chạy sô, khi có vở diễn sẽ cùng nhau tập luyện. Tôi tham gia nghệ thuật bao năm nên tôi hiểu rất rõ, mấy đoàn kịch khác cũng vậy, họ có điều kiện khá hơn một chút nhưng không thể sống được trong nghề. Chỉ có thể lấy niềm đam mê để theo đuổi con đường nghệ thuật chông gai này.
Khán giả nước ngoài họ rất thích đến với sân khấu bởi những gì diễn ra trực tiếp trước mặt, như thế sẽ rất thật và hấp dẫn. Nên tôi mong mỏi khán giả Việt Nam, đặc biệt khán giả phía Bắc cũng có niềm đam mê như vậy.
+Những năm gần đây khán giả biết chị trong vai trò mới, đạo diễn Đoàn kịch hình thể của Nhà hát Tuổi Trẻ. Nhưng phần đông khán giả khi nhắc đến NSND Lan Hương đều nhớ đến vai diễn “Ngọc Hà” trong phim “Em bé Hà Nội”. Chị có dự định quay trở lại phim điện ảnh hay phim truyền hình nữa không?
-Quay lại hay không là do duyên. Quay trở lại không quan trọng là khi đạo diễn có thấy tôi có phù hợp và cần cho vai diễn nào không. Tuổi của tôi bây giờ rất khó vào vai phù hợp. Nếu đóng vai bà mẹ thì hiện nay có rất nhiều người đóng. Lứa tuổi của tôi hay Lê Khanh bây giờ hầu như không còn đóng phim, thỉnh thoảng còn có Minh Hằng thôi. (Cười).
Cảnh trong vở kịch thể nghiệm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"
+Dự án tiếp theo của chị sẽ là gì?
-Tôi vẫn đang làm một chương trình tạp kĩ với tên gọi “Một cõi đi về” lấy theo tên tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhưng trong chương trình sẽ sử dụng thêm nhiều ca khúc của những nhạc sĩ nổi tiếng. Chương trình là sự hòa trộn giữa ca nhạc, múa và kịch hình thể. Chủ đề sẽ thiên về tôn giáo, đấy là con người ta sống ở đời có “nhân quả” và “sinh, lão, bệnh, tử” gồm nhiều tiểu phẩm mang tính triết lí./.
+Xin cảm ơn NSND Lan Hương!
Ngọc Hà Lê