• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NSND Lê Khanh: So sánh là tự làm khó mình

Văn hoá 25/01/2014 10:06

(Toquoc)- Chúng ta cứ hay so sánh nên tự làm khó mình, tự hạn chế sự sáng tạo của mình.

(Toquoc)- Chúng ta cứ hay so sánh nên tự làm khó mình, tự hạn chế sự sáng tạo của mình.

30 năm trong nghề, nổi tiếng với những vai diễn để đời trên sân khấu kịch, nhưng NSND Lê Khanh vẫn là “đạo diễn trẻ”. Trẻ vì đến nay, Thị Hến mới là vở diễn thứ hai chị làm đạo diễn. Và có lẽ cũng bởi “trẻ” nên NSND Lê Khanh đã táo bạo khai thác kịch bản Nghêu,, Ốc, Hến nổi tiếng dưới góc độ khác- Thị Hến. Chị chia sẻ, những vở diễn cũ có thể có cách làm mới, chúng ta không nên so sánh là cũ hay mới, tự làm khó, tự hạn chế sự sáng tạo của mình.

+ Nghêu,, Ốc, Hến là một vở diễn cổ, nổi tiếng dân gian. Chị đã dàn dựng theo một cách nhìn mới, lấy Thị Hến làm nhân vật trung tâm. Chị có thể lý giải vì sao chị chọn cách làm này?

- “Thị Hến” được dàn dựng theo tích “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” nổi tiếng của dân gian. Vở kịch bắt đầu bằng một vụ trộm. Ốc là một tên trộm ngờ nghệch, gã cõng theo lão thầy bói mù Nghêu đi ăn trộm. Cả hai tới nhà lão Trùm Sò giàu nứt đố đổ vách nhưng ti tiện, giả nhân giả nghĩa mà bóc lột người dân đói khổ. Chiến lợi phẩm thu được, Ốc và Nghêu mang tới bán cho nhà Thị Hến- một góa phụ đẹp nghiêng ngả, một mình tần tảo buôn bán, giao du rộng khắp cả một vùng. Không may, Xã Trưởng bắt quả tang, hắn giải Thị Hến lên quan trên xét xử.





NSND Lê Khanh “Tôi toại ý với Thị Hến” (Ảnh Dạ Minh)

Vở “Thị Hến” trung thành với kịch bản “Nghêu, Sò, Ốc, Hến” nhưng tập trung làm nổi bật nhân vật Hến. Ở nơi công đường xét xử, trái ngược với vẻ ngoài mong manh, liễu yếu Thị Hến tỏ ra là người phụ nữ thông minh, sắc sảo và đầy khôn ngoan. Thị thừa hiểu công đường chỉ là nơi "xét xử không cần lý, hơn thua tại đồng tiền, đứa nào chống lại thì tống vào nhà lao cho mọt xác rũ xương". Thị cũng biết rõ bản chất từ Quan Huyện đến Thầy Đề, lính lệ đều rặt một lũ hám gái, tham tiền... Với tài trí và nhan sắc của mình, Thị bày mưu để cả lũ cùng chui vào rọ, phơi bày bộ mặt thật của lũ quan tham, ham gái. Kết quả Trùm Sò mất tiền, Xã Trưởng bị đòn, bản thân Thị được tha bổng. Thầy Đề, thầy Lý vì mê mẩn Thị Hến mà chạm mặt nhau và bị các bà vợ đánh ghen.

Tôi khai thác vấn đề người phụ nữ nên cái đẹp sâu thẳm. Vở diễn không còn đơn thuần là sự châm biếm mà là sự cảnh báo. Những nhân vật bề nổi, phản diện để thông qua đó tôn vinh cái đẹp chiều sâu. Những nhân vật tham lam, thô thiển như Lý xã, như Sò…nhưng vẫn mê Hến. Đó là sự lay động một góc khuất nào đó trước cái đẹp.

+ Khi dàn dựng vở diễn này, hẳn chị đã phải chịu nhiều áp lực về việc làm mới một kịch bản cũ?

- Tôi mừng là khi vở diễn hoàn chỉnh đã không bị khán giả chê cũ. Đến nay vẫn liên tục có phản ánh của khán giả sau mỗi buổi diễn qua tin nhắn.

Tôi nghĩ, vở diễn này có thể cũ với những khán giả ở tuổi 50- 60, nhưng lại mới với những khán giả tuổi 20- 30. Cũng cần phải dàn dựng lại những vở kịch gian gian, truyền thống để thế hệ trẻ thưởng thức.



Thị Hến- tác phẩm vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính giải trí một cách ý nghĩa (cảnh trong vở Thị Hến)

Điều đáng mừng là khi vở diễn ra mắt đã không bị thế hệ đi trước so sánh. Chúng ta cứ hay so sánh nên tự làm khó mình, hạn chế sự sáng tạo. Chính bố tôi (NSND Trần Tiến- từng là diễn viên vở Nghêu,, Ốc, Hến) cũng đã xem vở diễn và không chê trách gì. Với tôi, thế là toại ý rồi!

+ Ngoài lý do muốn dựng những vở diễn cổ cho thế hệ trẻ, chắc cũng còn lý do khác như hiện nay, sân khấu đang thiếu những kịch bản hay, thưa chị?

- Đó cũng là một phần lý do. Cái tài của cha ông là những vở kịch từ bao đời rồi vẫn còn nguyên giá trị, tính thời sự. Chính” luôn thắng “tà” dù là ở thời điểm nào của xã hội.

Ngày hôm nay mà tìm giá trị tác phẩm vừa có tính nghệ thuật, vừa có tính giải trí một cách ý nghĩa là rất khó. Nhưng nhiều tác phẩm của cha ông để lại đạt được cả hai yếu tố này. Bởi vậy, tại sao ta không thổi vào những tác phẩm đó chút hiện đại để làm cho nó sống lại.

+ Được biết, chị đã tối giản chi tiêu cho vở diễn, như không sử dụng âm nhạc. Tại sao, phải chăng sân khấu quá khó khăn?

- Khó khăn thì có những không đến mức phải tối giản đến như vậy. Không sử dụng âm nhạc cũng là một cách làm nghệ thuật. Không sử dụng âm nhạc, tối giản chi nhưng vở diễn không khiếm khuyết. Điều này đòi hỏi các nghệ sỹ phải đa tài. Ngoài diễn xuất, thanh vực của nghệ sỹ cũng rất quan trọng. Các âm thanh trong vở diễn đều do các nghệ sỹ thể hiện bằng chính giọng của mình. Tiếng gà gáy, tiếng lợn kêu, tiếng chim hót… đều là do các nghệ sỹ thể hiện.

Vở diễn được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa. Nhiều cái bắt tay, đồng tâm, đồng sức của anh em diễn viên. Các em sẵn sàng tập luyện với tiền bồi dưỡng theo chế độ cơ bản. Điều đáng quý là tinh thần diễn của các em, bởi vậy, càng diễn càng hay. Sân khấu thì được họa sỹ Hoàng Hà Tùng tặng.

Các nghệ sỹ, diễn viên đều rất  trẻ. Các em cùng với tôi xác định, nếu không làm tốt thì sẽ mất thời gian, mất uy tín, đó là cái mất còn quý hơn nhiều tiền bạc. Nên ai cũng có trách nhiệm. Cho đến giờ, tôi vẫn nghĩ, vở “Thị Hến” là tài sản chung của mỗi người nghệ sỹ.

+ Sau “Nhà Ô sin” và bây giờ là “Thị Hến”, đạo diễn Lê Khanh đã định hình cho mình một phong cách hay chưa?

- Định hình phong cách là điều không dễ, vì dù là một nghệ sỹ nhiều năm đứng trên sân khấu biểu diễn nhưng vẫn là một Lê Khanh trẻ trong nghề đạo diễn. Nhưng tôi cũng sẽ phấn đấu một phong cách cho mình: nhẹ nhàng, đằm thắm, trân trọng, khơi gợi những cái đẹp của phụ nữ.

+ Sắp tới, phải chăng chị sẽ tiếp tục chọn các kịch bản cổ để đưa lên sân khấu?

- Tôi có một cách làm việc không hiểu là ưu điểm hay là hạn chế, đó là cứ trăn trở, ám ảnh với điều gì thì sẽ làm điều đó. Ví dụ vào một phòng tranh, nếu về nhà nghĩ đến bức tranh đó mãi thì sẽ mua về. Với các kịch bản, tôi đọc nhiều nhưng vở nào ám ảnh tôi, trở đi trở lại trong đầu tôi thì tôi mới dựng. Đó là vở Nhà Ô sin và bây giờ là Thị Hến.

Hiện tôi cũng đang trong tình trạng bị ám ảnh như thế bởi những câu chuyện của văn học giai đoạn 30-45. Có thể, trong thời gian tới, tôi sẽ đưa các kịch bản giai đoạn 30- 45 lên sân khấu kịch.

+ Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

Dạ Minh (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ