(Tổ Quốc) - "Nhìn những hình ảnh các em xả thân vì nghề, làm nghề tôi rất trân trọng và cảm phục"- NSND Trà Giang chia sẻ về những kỷ niệm, cảm xúc của mình về các LHP ấn tượng trong cuộc đời, sự nghiệp và cả những trăn trở với điện ảnh Việt Nam- một phần rất quan trọng trong cuộc đời bà.
- 06.11.2019 Chiếu miễn phí 30 phim dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI
- 05.11.2019 Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Tôi tin rằng những người trẻ sẽ đưa điện ảnh Việt Nam hội nhập được với thế giới
- 01.11.2019 16 phim truyện điện ảnh dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI
- 21.01.2008 NSND Trà Giang và con đường đến với nghệ thuật
Mỗi LHP là một lễ hội lớn
Trong ký ức của mình, NSND Trà Giang không thể quên được những tình cảm yêu mến của khán giả mỗi khi giao lưu với nghệ sĩ. NSND Trà Giang chia sẻ, Liên hoan phim không chỉ là sự giao lưu giữa các nghệ sĩ, các phim với nhau, mà còn là những người làm phim gặp gỡ với khán giả.
"Trong ngành điện ảnh, hai LHP đầu thì chỉ tổ chức trong nội bộ: BTC, BGK làm việc với nhau rồi công bố kết quả chứ không tổ chức liên hoan ra bên ngoài như những năm sau này. Thành ra, LHP đầu tiên tôi được dự là LHP đầu tiên có sự gặp gỡ giữa khán giả với những người làm phim là LHP lần thứ 3, năm 1975 tổ chức tại Hải Phòng. Khi đó, tôi tham dự với phim Em bé Hà Nội. Bộ phim ra đời sau sự kiện Mỹ ném bom B52 tại Hà Nội, những nghệ sĩ làm phim rất xúc động. Khi chiếu ra mắt tại Hải Phòng lúc đó, các nghệ sĩ và em bé Lan Hương (lúc đó mới 11 tuổi), gặp gỡ, giao lưu với khán giả, công nhân, đi các nơi: xuống bến cảng, nhà máy…Nó thực sự là ngày hội của khán giả và người nghệ sĩ. Rất vui, dù là liên hoan đầu tiên ra mắt với công chúng, làm chưa quy mô, nhưng thực sự ấn tượng với chúng tôi và là ký ức mà tôi không bao giờ quên"- NSND Trà Giang bồi hồi nhớ lại.
NSND Trà Giang cũng chia sẻ: Hai LHP mà bà được giải thưởng là LHP lần thứ 4 được tổ chức tại TP HCM năm 1977. Lúc đó, NSND Trà Giang tham gia phim "Ngày lễ thánh" của nữ đạo diễn Bạch Diệp. Phim được giải Bông sen Bạc và Trà Giang được giải Nữ diễn viên xuất sắc. NSND Trà Giang cho biết: "Đó là LHP đầu tiên sau khi thống nhất đất nước, nghệ sĩ hai miền gặp nhau, ngoài tiếp xúc với khán giả thì các nghệ sĩ hai miền gặp nhau, rất vui và xúc động. Được gặp chị Kim Cương, Thùy Liên… những nghệ sĩ mà mình yêu mến nhưng lần đầu gặp mặt. Rất cảm động vì là lần đầu tiên sau giải phóng các nghệ sĩ hội ngộ".
Một LHP ấn tượng nữa với bà là LHP Việt Nam lần 8 tổ chức tại Đà Nẵng. Tham dự với phim "Huyền thoại người mẹ", vai Hương của NSND Trà Giang tiếp tục đem về cho bà giải Nữ diễn viên xuất sắc. NSND Trà Giang chia sẻ, ở Đà Nẵng cũng được đến thăm nhà máy, tiếp xúc khán giả. Nhưng ấn tượng khó phai trong lòng bà là thành phố Đà Nẵng hiền hòa, mến khách. Người dân khi phát hiện ra ai là nghệ sĩ là cả đoàn người rồng rắn đi theo. Khiến các nghệ sĩ cảm thấy thực sự rất vui.
"Mỗi một bộ phim ngày xưa ra đời được đón nhận, cho đến giờ tôi vẫn cảm động vì sự quan tâm, không chỉ của quần chúng mà của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Khi Bác Hồ còn khỏe, phim làm xong thường được mang vào chiếu cho Bác và Chính phủ xem. Khi Bác xem xong, chúng tôi hỏi Bác có nhận xét gì về bộ phim thì Bác không bao giờ nhận xét. Bác chỉ nói "Các cháu cứ chiếu cho khán giả xem, ý kiến của khán giả là ý kiến quan trọng nhất". Trong điều kiện muôn vàn khó khăn của đất nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước vẫn dành cho điện ảnh sự quan tâm rất đặc biệt. Điều đó cùng với những tình cảm của khán giả đối với những bộ phim mỗi khi ra đời đã khích lệ những người sáng tạo chúng tôi rất nhiều"- NSND Trà Giang chia sẻ.
Mong điện ảnh Việt có những tác phẩm về văn hóa, con người Việt
Nói về giới trẻ, tôi rất mừng vì thế hệ tiếp nối vẫn làm phim với những đam mê, sáng tạo. Dù không còn đóng phim, nhưng tôi vẫn theo dõi sự phát triển của điện ảnh Việt Nam qua các kỳ liên hoan, các lễ trao giải thường niên của Hội Điện ảnh… Theo dõi nhiều bộ phim Việt Nam sản xuất, tôi rất khâm phục và trân trọng các em- những người làm điện ảnh hôm nay.
Sau thế hệ đạo diễn như Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh, Bạch Diệp… thì tiếp nối bởi Nguyễn Thanh Vân, Phạm Nhuệ Giang, Nguyễn Hữu Phần… nhưng cái mới ở thế hệ hiện nay chính là sự bổ sung các đạo diễn từ nước ngoài về như Victor Vũ, Leon Lê… và một số em nữa. Họ đều rất tâm huyết làm những đề tài về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam. Một số diễn viên tôi rất khâm phục họ bởi sự hy sinh vì nghề. Thế hệ sau tôi có Minh Châu, Phương Thanh, trong Nam có Ngọc Hiệp, sau này có Hồng Ánh. Bây giờ có một loạt các cháu như Ngô Thanh Vân, Trương Ngọc Ánh…
Các em bây giờ cũng xả thân vì nghề lắm. Nhưng đương nhiên bây giờ làm phim phải có yếu tố hấp dẫn người xem, nếu không thì không thu được vốn, cho nên, nhìn những hình ảnh họ xả thân vì nghề, làm nghề thì rất cảm động và phục các em.
Tôi mong các em hiểu, làm phim ngày xưa có khó khăn của ngày xưa, bây giờ có khó khăn của bây giờ. Bây giờ, về phương tiện kỹ thuật hỗ trợ cho điện ảnh rất lớn mà thế hệ chúng tôi ngày xưa không bao giờ mơ tới được, bây giờ thì các em làm việc trong điều kiện kỹ thuật phục vụ cho nghệ thuật rất tốt. Nhưng tôi vẫn mong, bên cạnh sự nỗ lực của các em, thì làm sao mang được màu sắc văn hóa Việt Nam, tâm hồn người Việt Nam, tính nhân văn Việt Nam vào trong các bộ phim nhiều hơn, nhất là những phim giới thiệu ra nước ngoài. Thông qua các bộ phim đó, người ta mới hiểu được đời sống của người Việt Nam như thế nào, tâm hồn người Việt Nam như thế nào, dân tộc Việt Nam đã trải qua như thế nào để có Việt Nam ngày hôm nay.
Hiện điện ảnh Việt Nam thiếu yếu tố đó, mà yếu tố đó sống trong mọi thời đại. Anh có thể làm phim bây giờ nhưng 10, 20 năm hay lâu năm hơn nữa, người ta xem những bộ phim đó vẫn cảm nhận được. Đây là điều tôi mong thế hệ làm phim hiện nay cần phải khắc phục!