NSND Trần Phương dường như sinh ra cho điện ảnh dù gia đình ông không có truyền thống làm nghệ thuật và bản thân ông cũng không học qua bất kỳ trường lớp chính quy nào. Ông cho rằng, sự nghiệp của ông là một chuỗi những ngẫu nhiên, hệ quả tất yếu của "cuộc đời xô đẩy".
NSND Trần Phương dường như sinh ra cho điện ảnh dù gia đình ông không có truyền thống làm nghệ thuật và bản thân ông cũng không học qua bất kỳ trường lớp chính quy nào. Ông cho rằng, sự nghiệp của ông là một chuỗi những ngẫu nhiên, hệ quả tất yếu của "cuộc đời xô đẩy".
Ông là một trong số ít nghệ sĩ thành công ở cả hai vị trí: diễn viên và đạo diễn. Với tư cách là diễn viên, ông đã để lại nhiều vai diễn ấn tượng với cách diễn tự nhiên, diễn mà như không diễn: vai A Phủ trong phim "Vợ chồng A Phủ", Khiêm trong "Tiền tuyến gọi", Sơn trong "Biển gọi", Tiệp trong "Ngày lễ Thánh", anh Lực trong "Vợ chồng anh Lực"...
Khi vào vai A Phủ, Trần Phương vừa tròn 30 tuổi. Nhắc tới bộ phim này, ông vẫn còn nhớ kỷ niệm với nhà văn Nguyễn Tuân - khi ấy cũng đóng một vai trong phim. Ông gặp nhà văn Nguyễn Tuân khi đang cùng đoàn làm phim đi thực tế tại Tuần Giáo (Lai Châu).
Biết Trần Phương đảm nhiệm vai A Phủ, nhà văn Nguyễn Tuân vỗ vai hỏi: "Tớ hỏi cậu nhé, thế cậu hiểu gì về nhân vật A Phủ?". Bị hỏi bất ngờ, Trần Phương trả lời như "sách", rằng A Phủ là một người dân nô lệ sống dưới ách áp bức của chế độ thực dân phong kiến.
Nhà văn Nguyễn Tuân cười khà khà mà rằng: "Chú mày cần quái gì chuyện đó, chú mày chỉ cần biết thằng A Phủ nó đi làm nương như thế nào, thổi kèn như thế nào, tán gái như thế nào, tại sao nó đi chân lại cứ khuỳnh khuỳnh... để người Mông xem phim không thấy chú mày diễn rởm thôi".
Câu nói của nhà văn Nguyễn Tuân thêm một động lực để Trần Phương nhập tâm vào vai diễn. Hàng tháng trời ông tập cưỡi ngựa không yên, tập làm nương khiến người xây sát, bầm tím. Và đó cũng trở thành kim chỉ nam nghề nghiệp của NSND Trần Phương, rằng nghệ thuật chính là cuộc sống.
Một trong những người mà Trần Phương vừa coi là bạn vừa coi là thầy và có ảnh hưởng lớn tới ông là đạo diễn Trần Vũ. Khi được giao vai anh Lực trong phim "Vợ chồng anh Lực", ngay từ lần đọc kịch bản đầu tiên, Trần Phương cảm thấy không ổn. Đến kịch bản phân cảnh, Trần Phương cũng chưa ưng. Cuối cùng, đạo diễn Trần Vũ và Trần Phương quyết định là chính Trần Phương sẽ viết ra từng trường đoạn của mình và quay theo đó. Và bộ phim đã được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả.
Cứ thế, từng vai diễn như những lớp phù sa bồi đắp cho Trần Phương không chỉ ở khả năng diễn xuất mà cả khả năng đạo diễn. Như một cái duyên, chính điện ảnh CAND là mảnh đất đầu tiên để ông "dụng võ". Bắt đầu từ hai phim: "Dưới chân núi trắng", "Mưa rơi trên thành phố" khẳng định tài năng đạo diễn của Trần Phương.
Càng đi sâu vào đề tài an ninh, Trần Phương càng thấy đây là một đề tài hấp dẫn. Phim "Tội lỗi cuối cùng" mà Trần Phương là tác giả kịch bản và đạo diễn đã không chỉ đem về giải nữ diễn viên xuất sắc nhất cho Phương Thanh (vai Hiền cá sấu) tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5, một bài hát bất hủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ("Đời gọi em biết bao lần") mà đã tạo nên một cơn sốt vé từ Nam đến Bắc cuối những năm 70 đầu 80 (thế kỷ XX).
Một kỷ lục phim điện ảnh Công an mà Trần Phương làm đạo diễn là "Vụ án Hồ con Rùa". Ngày công chiếu toàn quốc, người xem đông đến nỗi chính đạo diễn cũng... không mua được vé. Bên cạnh dòng phim nghệ thuật như "Đứng trước biển", "Hy vọng cuối cùng", trong trào lưu phim "mì ăn liền", đạo diễn Trần Phương nổi lên như một đạo diễn có nhiều ý tưởng.
Một loạt các phim ông đạo diễn ra đời như "Săn bắt cướp", "Dòng sông hoa trắng", "Thủ môn từ trên trời rơi xuống", "Tình ngỡ đã phôi phai"... luôn đông khán giả tới xem. Trong những phim của mình, NSND Trần Phương luôn cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và ăn khách.
Ngoài 70 tuổi, ông vẫn thực hiện những bộ phim như "Đêm Bến Tre" và "Khi người ta yêu"
Mùa xuân này, NSND Trần Phương đã bước vào tuổi 78 nhưng tiếp xúc với ông, chúng tôi vẫn thấy ông trẻ trung, lạc quan. Nụ cười luôn trên môi dù biết rằng cuộc đời ông có những nỗi buồn mà không phải ai cũng biết. Với ông, danh tiếng, vật chất chưa bao giờ là quá quan trọng. Sống là hạnh phúc rồi.
Vì vậy suốt cuộc đời, ông luôn là một người sống hồn nhiên và "ham chơi" như ông tự nhận. Chẳng liên hoan phim nào ông chịu ngồi một chỗ. Nếu phải làm giám khảo, ông luôn yêu cầu đưa phim cho ông xem trước. Thời gian còn lại, ông đi thăm hỏi bạn bè.
Trả lời câu hỏi: "Làm nhiều phim có tên "cuối cùng" như "Tội lỗi cuối cùng", "Hy vọng cuối cùng", vậy khi nào có "Tình yêu cuối cùng", ông trả lời hóm hỉnh: "Với tôi, không bao giờ có tình yêu cuối cùng cả bởi tình yêu lớn luôn ở phí trước".
Theo CAND