(Cinet) – Sau này mỗi khi hát lại những bài về Trường Sơn, trước mắt tôi như hiện lên những vạt rừng bị bom Mỹ thiêu trụi đang bốc khói, những người bạn đang nằm lại chiến trường. Vì thế khi hát tôi thực sự rất xúc động và hát bằng cả trái tim mình.
(Cinet) – "Sau này mỗi khi hát lại những bài về Trường Sơn, trước mắt tôi như hiện lên những vạt rừng bị bom Mỹ thiêu trụi đang bốc khói, những người bạn đang nằm lại chiến trường. Vì thế khi hát tôi thực sự rất xúc động và hát bằng cả trái tim mình."- NSND Trung Đức tâm sự.
+ Có khá nhiều dòng nhạc nhưng nghệ sĩ lại chọn cho mình “dấu ấu” ở dòng các ca khúc về Cách mạng, Trường Sơn. Vậy nghệ sĩ có thể tiết lộ lý do về sự lựa chọn này?
- Ngay từ nhỏ, tôi đã đam mê và yêu thích ca hát. Hơn nữa, tôi xuất thân là một người lính. Tôi từng lái xe tải của đoàn 559 ở Trường Sơn năm 1972.
NSND Trung Đức |
Thời điểm đó, tôi chở mỳ chính, muối và một số nhu yếu phẩm cho chiến trường đi từ Nghệ An theo đường Trường Sơn vào Quảng Trị. Trong cabin của tôi lúc nào cũng có cây đàn guitar để tự đệm cho tiếng hát cây nhà lá vườn phục vụ anh em đồng đội.
Tôi vẫn nhớ như in, có một lần trên đường chở hàng vào Quảng Trị, chỉ còn cách thị trấn Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 5km, bất ngờ xe của tôi bị hỏng và buộc phải dừng lại, vì không thể đi tiếp được. Phía trước tôi, 7 chiếc xe của đồng đội vẫn tiếp tục tiến lên. Buồn thay, 7 chiếc xe trước bốc cháy, 7 người lính lái xe hy sinh vì bị một loạt đạn rocket từ máy bay Mỹ rải xuống ngay phía trước chưa đầy một cây số.
Tôi không thể ngờ, nhờ chiếc xe hỏng của mình mà đã tránh được bom đạn thời chiến. Sau lần chết hụt ấy, tôi trưởng thành hẳn lên.
Sau này mỗi khi hát lại những bài về Trường Sơn, trước mắt tôi như hiện lên những vạt rừng bị bom Mỹ thiêu trụi đang bốc khói, những người bạn đang nằm lại chiến trường. Vì thế khi hát tôi thực sự rất xúc động và hát bằng cả trái tim mình.
+ Nghệ sĩ thành danh ở những dòng nhạc tiền chiến qua các ca khúc như: “Trường sơn Đông, Trường sơn Tây”, “Chào em cô gái sông Hồng”….Vậy nghệ sĩ có thể chia sẻ cảm xúc có những bài hát thăng hoa trong sự nghiệp và để lại trong lòng công chúng đến nay?
- Tôi không biết những ca sĩ khác thế nào. Nhưng với riêng tôi, mỗi lần khi cất tiếng hát tôi đều hát hết mình, hát bằng tình cảm chân thành của mình. Bằng sự đằm thắm và sự nhiệt tình. Khi đã hát thì tôi sẽ say sưa quên đi mọi thứ xung quanh.
Tôi đã cùng với những cô gái, chàng trai đôi mươi căng tràn sức sống mang sức trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Giữa bom rơi, đạn nổ, sự sống và cái chết cách nhau trong giang tấc, tôi chứng kiến nhiều đồng đội của mình anh dũng hy sinh.
Có lẽ đây chính là điều giúp tôi hát mà chạm được trái tim khán giả. Khi hát những bản tình ca về người lính, tôi cảm thụ âm nhạc sâu sắc hơn và luôn gửi gắm vào đó cả nỗi niềm riêng cho những người đã ngã xuống nơi chiến trường, hát bằng cả trái tim mình để chuyển tải đến người nghe cái “hồn” của những ca khúc đi cùng năm tháng.
+ Hiện nay, thị trường âm nhạc rất sôi động, có nhiều show ca nhạc thuộc những dòng nhạc khác nhau. Trong đó, có những chương trình dành riêng về dòng nhạc tiền chiến, cách mạnh được khán giả đón nhận. Tuy nhiên, thế hệ ca sĩ trẻ vẫn chưa thực sự mặn mà và khó có qua vượt qua được bóng của nghệ sĩ, hay Việt Hoàn, Trọng Tấn…Với kinh nghiệm của mình, theo nghệ sĩ, chúng ta nên làm gì để truyền lửa cho thế hệ ca sĩ trẻ đam mê và quyết tâm theo dòng nhạc này?
- Trong dòng chảy âm nhạc, nhạc cách mạng được coi là dòng nhạc chính thống với các ca khúc hừng hực khí thế và nhiều thế hệ đã sống, cống hiến cho đất nước bằng mạch nguồn âm nhạc ấy. Tôi rất mừng khi có các ca sĩ trẻ vẫn yêu thích và thể hiện thành công dòng nhạc cách mạng. Tuy nhiên, mỗi ca sĩ đều có phong cách và con đường chinh phục khán giả theo cách riêng.
Không chỉ có những tiết mục solo, NSND Trung Đức còn có nhiều tiết mục biểu diễn lôi cuốn khán giả khi song ca với NSND Thu Hiền |
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi thấy còn có một thực trạng các bạn trẻ chưa thực sự rèn luyện cao độ về nghề. Ngày nay, để tìm được một giọng hát có chất giọng tốt và hát hay rất khó, giống như “đãi cát tìm vàng”.
Thêm vào đó, các bạn khi lên sân khấu hát giống một “máy hát nhiều hơn” và hát không thật. Ngoài ra là thái độ làm việc luôn tự kiêu và nghĩ mình là số một.
Để đưa ra lời khuyên, tôi không có bất kỳ lời khuyên nào cả. Ở tuổi này, tôi vẫn phải học và rèn luyện, học từ đưa trẻ thơ đến cụ già. Sự tự kiêu và tự mãn sẽ giết chết bạn rất nhanh chóng.
NSND Trung Đức |
Nếu chúng ta không hát bằng trái tim thì khán giả sẽ rất khó đón nhận bạn. Phải biết tự rèn luyện, tự có kỷ luật với chính mình. Không được phép để sai xót trên sân khấu. Phải chỉn chu trên sân khấu từ trang phục đến giọng hát.
+ Nghệ sĩ đã tham gia công tác giảng dạy từ nhiều năm nay và có những học trò khá thành danh, vậy nghệ sĩ thường dạy học trò của mình những gì?
- Ngoài truyền dạy cho các em những kiến thức chuyên môn, thường sau giờ đứng lớp, tôi và các học trò sẽ ngồi lại trò chuyện với nhau.
Tôi tâm sự với các em về tư cách đạo đức, tác phong của một ca sĩ chuyên nghiệp… phải có tính nguyên tắc, kỷ luật cao và luôn rèn luyện không tự cho phép mình "nghỉ ngơi" vì với nghề hát, ngừng rèn luyện là tự đóng cánh cửa thành công của mình lại.
Bên cạnh đó, tôi cũng khuyên các em nên trau dồi kiến thức (nhất là văn học) bởi khi thể hiện một bài hát phải hiểu sâu về nó, hát bằng cả trái tim mình. Chính sự nhân văn trong những trang sách, trang đời sẽ tạo cho nghệ sĩ một nền móng vững chắc trong cảm thụ âm nhạc để truyền tới khán giả thì mới đi vào lòng người nghe.
+ Ở độ tuổi này, nghệ sĩ đã có một sự nghiệp thăng hoa, đạt được danh hiệu cao quý do Nhà nước ban tặng, đó là nghệ sĩ nhân dân và một gia đình hạnh phúc. Vậy ông đã cảm thấy mãn nguyện với những gì mình có hiện nay?
- Không! tôi không nghĩ mọi thứ mình có là may mắn. Tôi luôn tự nhắc nhở bản thân mình phải nỗ lực rất nhiều.
Thời điểm hiện tại hay trước đây, tôi vẫn luôn cố gang rèn luyện. Tôi học hỏi từ những những xung quanh cuộc sống mình. Tôi học thầy, học bạn, học trò.
Lúc mới vào trường, tôi còn nói ngọng, toàn hát: “Chào em cô gái Nam Hồng”. Thầy Dương (NSND Quý Dương) tức lắm, bảo: “Giọng hát dù có tốt đến đâu nhưng nói ngọng thì chẳng ai thèm nghe”. Thế là ngoài giờ luyện của thầy, tôi cũng phải tự học, tự rèn. Lúc đầu, ngồi nghe đài, hát vo theo đài, nhạc lý chẳng biết mô tê gì. Cả guitare, cả piano cũng phải tự học mò. Tập mãi mới được như bây giờ.
Để được danh hiệu NSND tôi đã phải tu dưỡng, rèn luyện cả về chuyên môn và tư cách sống. Mình có thể vẫn sống tự do, thoải mái nhưng phải trong khuôn khổ nhất định.
+ Những năm gần đây khán giả rất bất ngờ khi nghệ sĩ sáng tác ca khúc. Vậy nhạc sĩ đã sáng tác được tất cả bao nhiêu ca khúc?
- Tôi sáng tác được hơn 20 bài, trong đó 3 bài nổi bật và tôi ưng ý là: Em đi Chùa Hương, phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp, bài Chân quê, phổ thơ Nguyễn Bính, ca khúc Gọi em sáng tác dựa trên giai điệu khan Tây Nguyên đã nhận được Huy chương Vàng Hội diễn ca nhạc toàn quốc năm 1996 ở Cần Thơ.
Tôi khát khao được viết ca khúc, nhưng tôi không được học về sáng tác. Tuy vậy tôi nghĩ có rèn luyện có thành công, bây giờ chưa hay nhưng sau này sẽ hay./.
+ Xin chân thành cảm ơn NSND Trung Đức!