• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NSND Trung Kiên: Không muốn học sinh của mình đi thi Sao Mai

Văn hoá 15/09/2011 14:17

(Toquoc)-"Trước đây tôi rất ủng hộ các em học sinh đi thi Sao Mai nhưng giờ thì không...",NSND Trung Kiên bày tỏ.

(Toquoc)-Mùa Sao Mai 2011 đã khép lại với không ít những đồn thổi, điều tiếng về các thí sinh cũng như công tác tổ chức cuộc thi. NSND Trung Kiên - người đã tham gia giải Sao Mai nhiều năm trước với tư cách cầm cân nảy mực - đã có cái nhìn trực diện và thẳng thắn về những bất cập này.

+ Đã có ý kiến Giải Sao Mai nên dừng lại sau nhiều năm tổ chức nhưng ngày càng thụt lùi về chất lượng, nhất là mùa giải 2011, đồng thời không còn là bệ phóng lý tưởng cho các tài năng âm nhạc trẻ. Từng là người trong cuộc, và năm nay lại là người ngoài cuộc khi không tham gia vào bất kỳ công tác nào của giải, theo ông, cuộc thi đã nên dừng lại hay chưa?

- Trước hết, tôi cho rằng Sao Mai là một cuộc thi rất tốt nếu như được tổ chức tốt. Đây không chỉ là sân chơi bán chuyên nghiệp có định hướng mà còn là nơi mà các thí sinh có thể tiếp cận khán giả một cách nhanh nhất, rộng rãi nhất. Nếu như không phải là Đài THVN thì không một đơn vị nào có khả năng tổ chức ra một sân chơi như thế.

"Tổ chức cuộc thi cho các em là cực kỳ tốt, nhưng làm sao để đó thực sự là ngày hội của tuổi trẻ, ganh đua nhau về nghệ thuật" (Ảnh: Ngọc Thành)

Cuộc thi năm nay đã không được tốt như mong đợi. Tất nhiên, đã gọi là “mùa” thì phải có năm bội thu, có năm mất mùa, nhất là lại liên quan đến tài năng, thứ trời cho. Điều tôi muốn nói là, trong công tác tổ chức, cuộc thi đã và đang tạo ra những kẽ hở khiến thí sinh không còn thi thố bằng năng lực thật của mình.

+ Các kỳ Sao Mai gần đây gặp phải không ít điều tiếng tiêu cực về chuyện mua bán giải thưởng, ông có xác minh được điều đó?

- Đã là đồn đoán thì không căn cứ. Có thể các em thí sinh tự suy diễn ra. Nhưng cũng phải nhìn nhận là vì đâu khiến các em suy diễn như vậy. Đó là vì những cái “không chuẩn”.

Trước đây tôi đã nói thẳng với BTC một cách rất xây dựng rằng, không có cuộc thi nào trên thế giới lại lấy ý kiến của khán giả cộng vào điểm của BGK. Tôi đã chấm hàng trăm cuộc thi trong và ngoài nước nhưng chưa bao giờ gặp trường hợp như thế. Bởi nếu BGK “chuẩn” thì điểm bình chọn chả có ý nghĩa gì. Còn nếu BGK “không chuẩn” thì nhiều khi nó khiến cho người không xứng đáng được vào thì lại lọt vào.

Nếu là cuộc thi Vietnam Idol, ý kiến khán giả là tối thượng thì cứ việc. Còn đây là một cuộc thi có BGK chấm điểm thì phải tôn trọng BGK. Các cuộc thi concours luôn có câu “Quyết định cuối cùng là của BGK”.

Giải thưởng do khán giả bình chọn có thể có, và có thể thật nhiều tiền cũng chả sao, nếu nó đứng độc lập. Nhưng khi nó không còn độc lập, nó chi phối điểm số của BGK thì sẽ xảy ra tình trạng “không chuẩn”. Thí sinh tham gia cuộc thi từ đó sẽ có suy nghĩ không lành mạnh, hành vi không lành mạnh.

Tôi không thể nào hiểu được sao các em lại có nhiều fan hâm mộ đến vậy. Một đêm thi hơn 2 tiếng đồng hồ mà có mười mấy nghìn tin nhắn bình chọn trong khi khán giả truyền hình thì kêu chán Sao Mai. Những người thực sự xem các em biểu diễn và yêu các em khó mà nhiều đến chừng ấy. Tôi nghe nói có chuyện thuê người nhắn tin bình chọn, không biết xác thực đến đâu nhưng xem ra không phải vô căn cứ.

Kết quả là có những em không xứng đáng thì liên tiếp được vào vòng trong.

Bên cạnh đó, trong cuộc thi còn có những vụ nhắn tin đe dọa, nói xấu khiến thí sinh trước khi vào thi bị hoang mang. Có em gia đình phải nhờ tới công an bảo vệ. Ai nhắn tin, chắc chắn chỉ từ thí sinh mà ra. Tổ chức cuộc thi cho các em là cực kỳ tốt, nhưng làm sao để đó thực sự là ngày hội của tuổi trẻ, ganh đua nhau về nghệ thuật, nếu có cay cú cũng là vì nghệ thuật chứ không vì giải thưởng để lấy giấy thông hành vào đời, sau đó được báo chí lăng xê lên.

Mùa giải Sao Mai 2011 đã kết thúc với nhiều chuyện lùm xùm sau cuộc thi (Ảnh: Ngọc Thành)

+ Như vậy, hẳn là ông không hài lòng với kết quả của đêm chung kết?

- Ở đây, tôi muốn nói đến quy chế, thể lệ cuộc thi. Mỗi cuộc thi đều có quy chế hay còn gọi là luật chơi mà luật chơi đó được công bố trước khi nó diễn ra. Luật chơi có thể thay đổi nhưng bao giờ cũng phải thông báo trước và phải có căn cứ để thay đổi chứ không bao giờ được phép xử lý sự cố bằng việc thay đổi luật chơi – quy chế đột ngột.

Có những cuộc thi concours người ta xử lý tình huống bằng cách không cho giải nhất nếu không xứng nhất, không cho nhì nếu không xứng nhì. Thậm chí có chuyện người ta đã nhắm cho thí sinh nước chủ nhà giải nhất rồi, bỗng dưng xuất hiện một thí sinh nước khác xuất sắc hơn, họ không để giải nhất nữa. Những tiêu cực đó có nhưng không lộ liễu.

Tuy nhiên, Sao Mai năm nay đã biến từ một giải nhất, hai giải nhì ở mỗi phong cách âm nhạc thành nhất – nhì – ba, khác hoàn toàn với công bố ban đầu  để xử lý sự cố với thí sinh không xứng đồng hạng nhì. Cách làm đó không chuyên nghiệp. Cuộc thi do anh tổ chức ra nhưng không phải của anh mà của thí sinh, của công chúng nên anh phải tôn trọng luật chơi, tức là tôn trọng thí sinh, tôn trọng công chúng.

Còn theo quan điểm của riêng tôi, bảng thính phòng năm nay không có giải nhất. Giá mà BGK cho hai giải nhì, một giải ba thì mới là “chuẩn” nhất. Ở bảng dân gian thì nên có hai giải nhì chứ để một giải ba là hơi oan.

+ BGK trong cuộc thi Sao Mai năm nay được đánh giá cao khi có nhiều gương mặt trẻ và không ít trong số đó là học trò của ông. Ông suy nghĩ gì về thành phần BGK?

- Tôi không quan tâm lắm đến thành phần mà quan trọng cách làm việc. Thường thì những Festival như thế này, các thành viên BGK cho điểm tại chỗ bằng cách giơ bảng điểm công khai, hoặc không cho điểm ngay nhưng sau đó luôn công khai bảng điểm chi tiết của từng thành viên BGK. Như thế, công chúng sẽ biết ý kiến của từng người, có những định giá của riêng họ về các vị giám khảo, và các vị giám khảo phải tự chịu trách nhiệm trước công chúng khi đưa ra quyết định của mình.

Điều này có thể có khuyết điểm là gây áp lực tâm lý cho thí sinh nhưng đó cũng là một cách thử thách bản lĩnh thí sinh.

Một điều vô cùng ngạc nhiên và khó hiểu của tôi về Sao Mai năm nay là tại sao BGK lại làm việc trong phòng kín, xem qua TV, nghe qua loa và chấm điểm. BGK phải như quần chúng, thưởng thức tại sân khấu, nghe âm thanh, nhìn ánh mắt của người biểu diễn, nhìn phản ứng của quần chúng để định lượng. BGK phải ở trong không gian âm nhạc đó để đánh giá chứ, sao lại “trốn” vào trong buồng? Qua TV có ưu điểm là nhận biết hát tinh hát phô dễ hơn nhưng như thế là xa rời không gian biểu diễn của cuộc thi và trốn tránh trách nhiệm trước công chúng.

+ Một trong những bức xúc của khán giả Sao Mai là việc lựa chọn các ca khúc bắt buộc cho thí sinh thi không xác đáng. Lại có đồn đoán là thí sinh biết trước cả tháng ca khúc bắt buộc mình sẽ hát.

- Thực ra có những bài bắt buộc tôi rất thích và cũng có những bài bắt buộc tôi thấy không ra làm sao cả. Thường thì các Festival không có ca khúc bắt buộc. Nhưng nếu có thì hoặc là nam hát chung một bài, nữ hát chung một bài, hoặc tất cả đều hát chung một bài hoàn toàn mới được viết riêng cho cuộc thi hay là bài hát cực kỳ nổi tiếng. Có như thế thì mới có căn cứ để so sánh tài năng của các thí sinh và không làm xảy ra tiêu cực. Cũng như không khiến các thí sinh thiệt thòi khi người thì chọn được bài bắt buộc hay, hợp giọng người lại chọn phải bài không hay, không hợp giọng.

+Việc tổ chức vòng thi tại các tỉnh với những quy chế, tiêu chí riêng cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề như người hát dở thì nhờ mối quan hệ mà được lọt vào hay người hát tốt lại không hợp tiêu chí của BTC Sao Mai. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tôi không theo dõi các vòng tỉnh nên không rõ cách thức tổ chức ra sao. Tuy nhiên, có thể thấy một bất cập ở địa bàn TP.HCM. Nhạc nhẹ là thế mạnh lớn nhất của TP.HCM song rất ít người vào đến chung kết và cũng ít khi đoạt giải cao. Tuy nhiên, hoàn toàn không phải họ kém, trừ bảng thính phòng. Cần phải hiểu là TP.HCM là đất kiếm tiền bằng nghề hát. Nếu thí sinh đi thi mà đoạt giải thì nói như ngôn ngữ trẻ ngày nay là “xô chậu” sẽ nhiều lên, và ngược lại nếu trượt thì bao nhiêu xô chậu cũng mất. Do đó, thí sinh tham gia vòng sơ loại tại TP.HCM vài năm gần đây ngày một ít đi.

Mà nếu Sao Mai tiếp tục cách tổ chức này thì kể cả ở Hà Nội cũng ít đi. Như thế rất là đáng tiếc.

Trước đây tôi rất ủng hộ các em học sinh đi thi Sao Mai nhưng giờ thì không vì không muốn các em mang một ấn tượng không tốt về người lớn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Hoàng Hồng

NỔI BẬT TRANG CHỦ