• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NSND Trung Kiên: Nên đầu tư đúng cho thanh nhạc đỉnh cao

16/11/2011 16:05

NSND Trung Kiên là một trong những giọng opera hàng đầu của Việt Nam. Ông để lại dấu ấn trên sân khấu Hà Nội khi đóng một số vai trong các vở opera của Việt Nam và nước ngoài. Hiện công việc chuyên tâm của ông là giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ông bày tỏ trăn trở với việc phát triển dòng ca hát chính thống, chuyên nghiệp của nước nhà.

NSND Trung Kiên là một trong những giọng opera hàng đầu của Việt Nam. Ông để lại dấu ấn trên sân khấu Hà Nội khi đóng một số vai trong các vở opera của Việt Nam và nước ngoài. Hiện công việc chuyên tâm của ông là giảng dạy tại Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Ông bày tỏ trăn trở với việc phát triển dòng ca hát chính thống, chuyên nghiệp của nước nhà.

-Thưa ông, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều ca sĩ, hoạt động ca hát cũng khá sôi động, nhưng dường như ở lĩnh vực hát nhạc chính thống, nhất là opera thì hình như vẫn thiếu cả hai?

Thiếu và thiếu nhiều, nhất là những giọng nam trầm (bass), nữ trầm (alto), nữ trung (mezzo - soprano). Ngay Khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia đông học sinh nhưng chỉ có khoảng 10% sinh viên có thể theo được dòng nhạc này.

-Nguyên nhân của sự thiếu hụt này là gì, thưa ông?

Trước hết vì hát dòng nhạc chính thống rất khó, phải có năng khiếu, ý chí rèn luyện, sức khỏe, sự hiểu biết và tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật này. Thị trường âm nhạc hiện nay thiên về nhạc trẻ, dòng nhạc không đòi hỏi yêu cầu nghề nghiệp cao lắm, lại dễ kiếm tiền. Trong khi mức lương và thù lao của nghệ sĩ hát opera và nhạc chính thống rất thấp, mà không có điều kiện để cống hiến thường xuyên. Những giọng hát của dòng ca cách mạng, trữ tình thường chỉ được mời biểu diễn trong dịp lễ lạt, kỷ niệm. Hát opera còn hiếm vở diễn hơn.

-Theo ông, chúng ta có thể làm gì để hỗ trợ cho sự phát triển của dòng ca hát này?

Điều này nằm ở cả hai khâu đào tạo và biểu diễn - tức là sử dụng các giọng hát đó. Theo tôi biết, Học viện Âm nhạc quốc gia đã có đề án: "Đào tạo tài năng âm nhạc đỉnh cao" trong đó có thanh nhạc. Đề án này nếu được thực hiện sẽ tập trung bồi dưỡng những tài năng xuất sắc, nên phải chọn thầy, chọn trò. Cơ chế và chương trình học tập được bổ sung, học bổng tốt hơn và sau khi tốt nghiệp sẽ được sử dụng. Khoa Thanh nhạc vẫn có khu vực đào tạo đại trà như bây giờ và có thêm khu vực đào tạo ca sĩ opera để họ có thể đi dự các kỳ thi quốc tế từ thấp đến cao. Đó cũng chính là yêu cầu của việc hội nhập.

- Nhưng các ca sĩ được đào tạo đỉnh cao như vậy phải có điều kiện hành nghề, đúng không thưa ông?

Vâng. Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam là cơ sở chính tiếp nhận và phát triển các tài năng đó. Hiềm một nỗi, nhà hát này hiện cũng có rất ít kinh phí để dựng vở. Nếu có nhận thêm được một ít tiền tài trợ thì nhiều khi phải làm theo ý nhà tài trợ. Ví dụ, người Việt Nam chưa được xem "Carmen" được dựng trung thành theo nguyên gốc đã phải xem vở được Việt hóa. Sắp tới, khi phòng hòa nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia hoàn thành thì đó sẽ là nơi thường xuyên biểu diễn dòng ca hát chính thống và opera. Muốn có nền ca hát chuyên nghiệp cần phải giải quyết đồng bộ giữa đào tạo, biểu diễn và cả sáng tác nữa. Có nhiều bài hát hay, phô diễn được hết vẻ đẹp trong giọng hát thì mới phát triển khả năng của ca sĩ. Chúng ta không sợ thiếu công chúng của dòng ca chính thống và opera vì hiện nay ở Hà Nội có nhiều khán giả người nước ngoài và khán giả Việt Nam cũng ngày một tăng.

Theo HNM

NỔI BẬT TRANG CHỦ