Chủ trương biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu tại Nhà hát Lớn Hà Nội hướng tới xây dựng tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, bảo tồn nghệ thuật truyền thống của Bộ VHTTDL là một quyết định đúng, đã đánh động vào nền nghệ thuật đang ngủ im
Đề án đáng quý
Tôi rất vui mừng khi được biết tin các nhà hát của Bộ được biểu diễn ở Nhà hát Lớn. Đây là một đề án đáng quý và tôi rất ủng hộ cũng như đánh giá cao người đứng đầu Bộ VHTTDL hiện nay.
Cá nhân tôi không hề lo giao hưởng không có khán giả. Khán giả nước ngoài đến Hà Nội công tác, du lịch sẽ lấp kín ghế Nhà hát Lớn nếu chương trình Giao hưởng đặc biệt sắp tới thực sự có chất lượng. Đặc biệt là Nhà hát Lớn và Dàn nhạc Giao hưởng phải có cách truyền thông thật tốt. Chưa kể có một lượng lớn khán giả là các trí thức Hà Nội cũng sẽ nghe Giao hưởng.
NSND Trung Kiên: Chủ trương của Bộ đã thay đổi được đời sống nghệ thuật, ít nhất là "đánh động vào nền nghệ thuật đang ngủ im" |
Cái tôi lo là Tuồng, Opera… những loại hình mà chúng ta đang ít khán giả. Từng có chương trình mới của Tuồng mà buổi diễn chỉ có một khán giả nên phải dừng. Vì vậy, tôi nhấn mạnh là vấn đề khán giả của Tuồng đang rất gay go. Vì vậy, phải có cách tuyên truyền thật tốt. Cái này, Nhà hát Tuồng phải làm. Các nước đều thế! Diễn chương trình nào thì các đơn vị của chương trình đó phải giới thiệu trước về vở diễn, về chương trình, in ra, đưa tới công chúng. Như vậy, công tác truyền thông phải cực tốt, nếu không thì chỉ lơ thơ khán giả!
Đề án của Bộ VHTTDL đã là rất tốt. Sẽ là động lực cho các nhà hát xây dựng tác phẩm chất lượng hơn. Giải tỏa được nỗi khủng hoảng thiếu điểm biểu diễn của các Nhà hát. Nhiều Nhà hát hiện nay không có nhà hát, tức là không có chỗ để diễn, thế thì sống làm sao?!
Muốn "vực dậy" cả một nền nghệ thuật thì phải có chiến lược
Bộ đã làm việc này, thay đổi được đời sống nghệ thuật, ít nhất là "đánh động vào nền nghệ thuật đang ngủ im". Bộ cho chủ trương lớn, các nhà hát phải có hướng đi, tự tạo khán giả cho mình, phải có động thái để tạo khán giả như tôi đã nói ở trên. Đó là công tác truyền thông.
Tuy nhiên, muốn phát triển, muốn đạt được các tác phẩm đỉnh cao thì phải có một chiến lược và phải lâu dài. Nói ở đây không thể hết và cá nhân tôi nói cũng không đủ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, tôi có thể ví dụ như với Opera. Nếu muốn có khán giả, có tác phẩm tốt thì phải đầu tư, có solist, có dàn nhạc tốt. Vì vậy, cần phải có các cuộc thi như Concours mùa thu. Trước đây chúng ta đã làm rất hay nhưng sau lại làm như thi tiếng hát truyền hình Sao Mai. Khi ấy tôi có nói rằng làm như Sao Mai thì chết, vì chương trình đó có cả hệ thống truyền hình hỗ trợ.
Vì vậy, Cục Nghệ thuật biểu diễn phải đứng ra lo tổ chức Concours. Chỉ vài chục em thí sinh thính phòng là tổ chức được một Concours, nhưng thời gian gần đây chúng ta không làm. Trong khi thế giới và các quốc gia bên cạnh như Thái Lan đều tổ chức thì chúng ta đã làm trước rồi nhưng sau lại đuối và không làm nữa. Muốn vực dậy cả một nền nghệ thuật thì phải có chiến lược. Ví dụ phải giao tổ chức Concours cho Nhạc viện Hà Nội hoặc Nhạc viện TP HCM thay nhau tổ chức 2-3 năm/lần.
Các nhà hát phải bàn thảo, trao đổi, đưa ra hướng đi của mình và Bộ đứng ra hỗ trợ. Hiện nay, đã có dự án tốt để hỗ trợ các nhà hát từ phía Bộ, nhưng để phát triển nghệ thuật biểu diễn thì phải có thêm dự án lâu dài và cơ bản hơn. Thế mới giải quyết được cái gốc vấn đề./.
Theo Báo Tổ quốc