• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NSƯT Cẩm Tiên 'tiết lộ' lý do vắng bóng trên sân khấu cải lương nhiều năm qua

Văn hoá 18/05/2024 11:10

(Tổ Quốc) - "Tôi luôn muốn xuất hiện trước khán giả phải chỉn chu. Đó cũng là sự tôn trọng khán giả. Tôi cũng nhớ sân khấu lắm vì đã ăn sâu vào máu thịt của mình. Chẳng hạn khi nhà hát dựng vở, hoặc tham gia hội diễn phải dùng nhân sự của họ. Mình cũng không thể chen vào, rất kỳ. Nhìn các em có cơ hội đứng sân khấu, nhận huy chương, đạt các danh hiệu tôi rất mừng", NSƯT Cẩm Tiên nói.

Trong quá trình phát triển của nghệ thuật cải lương Việt Nam, vọng cổ hơi dài là một điểm nhất rất đặc biệt, thể hiện sự khổ luyện, sáng tạo của nghệ sĩ. Vì thế, trong tập 7 của Học viện Cải lương, NSX dành một học phần để đào tạo kỹ năng này cho thí sinh.

Thế hệ nghệ sĩ thứ hai gắn với trường phái vọng cổ hơi dài gồm có: danh ca Châu Thanh, NSƯT Phượng Hằng, NSƯT Cẩm Tiên. 3 nghệ sĩ cùng chia sẻ kinh nghiệm, chỉnh sửa cho thí sinh trong quá trình tập luyện.

NSƯT Cẩm Tiên 'tiết lộ' lý do vắng bóng trên sân khấu cải lương nhiều năm qua - Ảnh 1.

NSƯT Phượng Hằng, danh ca Châu Thanh, NSƯT Cẩm Tiên

NSƯT Cẩm Tiên: "Ca vọng cổ hơi dài không phải nhiều chữ là hay"

Nữ nghệ sĩ cho biết nghề chọn mình. Trước khi trở thành nghệ sĩ, chị là cô giáo đi dạy học. Chị có đam mê ca hát từ nhỏ. Chị đã biết ca hơi dài trước khi đi hát chuyên nghiệp. NSƯT mê giọng ca hơi dài của các tiền bối như: nghệ sĩ Minh Cảnh, danh ca Châu Thanh, nghệ sĩ Linh Vương… Chị học theo cách ca của họ.

"Vào bếp nấu cơm, khi đi dạy nhưng trống tiết… tôi đều hát cho mọi người nghe. "Máu" cải lương ăn sâu lúc nào tôi cũng không biết. Tôi đặt mục tiêu theo từng ngày, chẳng hạn hôm nay hát được 50 chữ, thì hôm sau lên 55, rồi 60 chữ. Có thể ví von việc này giống như thổi bong bóng, cứ thổi dần sẽ đầy hơi, to ra. Sáng dậy tôi phải luyện thanh để duy trì giọng tốt.

Khi ca hơi dài phải đo từng giây, từng phút chứ không phải nhiều chữ là hay. Chẳng hạn khi ca 70 chữ nhưng kéo dài 1 phút, luyến lên, luyến xuống, rõ từng câu chữ để khán giả có thể hiểu hết ý của tác giả. Còn khi ca 200 chữ, nhưng ca rất nhanh, khán giả nghe không rõ thì cũng không hiệu quả", nghệ sĩ chia sẻ.

NSƯT Cẩm Tiên cho biết, kinh nghiệm của chị khi ca hơi dài là tập đếm liên tục từ 1-200, lấy hơi thật kỹ. Tuy nhiên, khi ca thì giảm xuống chỉ còn khoảng 90-100 do tốn sức trong việc luyến láy.

Chị cho biết không chỉ ca hơi dài mà khi biểu diễn ở các chương trình lớn thì trước khi ra sân khấu đều có cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh nên thường có cảm giác hết hơi. Vì thế, sự bình tĩnh là điều hết sức quan trọng, thở hết ra bằng miệng, ép bụng sát vào, sau đó hít thật sâu bằng mũi, thở ra lại để lấy lại sự cân bằng.

Muốn ca hơi dài phải có giọng tốt, sức khỏe tốt. Có một lần, NSƯT Cẩm Tiên gặp sự cố. "Khi vừa xuống câu vọng cổ tôi ngất xỉu. Tôi không hay biết, nhưng cũng tỉnh lại nhanh chóng. Ngày xưa còn trẻ, ca hơi dài lại phát triển thành phong trào nên tôi biểu diễn hết khả năng mình có. Nhưng sau này, tôi ít hát như vậy hơn. Bởi ngoài tuổi tác, tôi còn bị vấn đề tim mạch.

Nhịp tim của tôi thường 50-52. Từ sự cố xỉu trên sân khấu, khi đi khám bác sĩ, tôi mới phát hiện ra vấn đề này. Vì thế, sau này tôi chuyển sang hát kỹ thuật hơn. Khi hát cùng anh Minh Vương, anh Thanh Tuấn, anh Trọng Hữu cũng đòi hỏi tôi phải hát khác đi khi so với khi kết hợp với anh Châu Thanh, Linh Vương… Khi nghệ sĩ đứng cùng nhau phải tạo nên sự hòa hợp", NSƯT Cẩm Tiên chia sẻ.

Theo chị, ngày trước, các nghệ sĩ khổ luyện khá nhiều để ca được hơi dài. Việc ca hơi dài không dễ nên đòi hỏi phải có tố chất. Ngoài ra, theo chị, sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ cũng khiến các giọng ca hơi dài ít xuất hiện. Chỉ cần nhờ kỹ thuật có thể kéo các câu hát dài ra một chút.

"Tôi không đánh giá hay chê trách. Bởi tôi hiểu các em thích, muốn ca hơi dài, lan tỏa kỹ thuật này nhưng có thể sức khỏe không cho phép", chị nói.

Nhắn nhủ với thế hệ trẻ, chị cho rằng khi làm nghề cần sự đam mê mãnh liệt, mới có thể mang hết sức lực để cống hiến, sáng tạo. Chị kỳ vọng qua Học viện Cải lương có thể đào tạo ra thế hệ nghệ sĩ mới, thu hút khán giả trẻ đến với cải lương.

Thời gian qua, sân khấu cải lương cũng khá nhộn nhịp. Nhưng NSƯT Cẩm Tiên ít xuất hiện trên sân khấu, chỉ thi thoảng tham gia các chương trình truyền hình. NSƯT cho biết chị lập gia đình ở Canada, thường đi lại giữa hai nước nên không có thời gian nhiều. Chị cũng hỗ trợ cho ông xã trong công việc. Trong khi đó, tập luyện cho một vở diễn cũng mất nhiều thời gian. Đó cũng là lý do khoảng 10 năm qua chị không xuất hiện ở sân khấu, diễn vở tuồng dài hơi.

"Tôi luôn muốn xuất hiện trước khán giả phải chỉn chu. Đó cũng là sự tôn trọng khán giả. Tôi cũng nhớ sân khấu lắm vì đã ăn sâu vào máu thịt của mình. Chẳng hạn khi nhà hát dựng vở, hoặc tham gia hội diễn phải dùng nhân sự của họ. Mình cũng không thể chen vào, rất kỳ. Nhìn các em có cơ hội đứng sân khấu, nhận huy chương, đạt các danh hiệu tôi rất mừng", NSƯT Cẩm Tiên nói.

NSƯT Cẩm Tiên 'tiết lộ' lý do vắng bóng trên sân khấu cải lương nhiều năm qua - Ảnh 2.

Các nghệ sĩ hướng dẫn thí sinh Học viện Cải lương

NSƯT Phượng Hằng: "Ca vọng cổ hơi dài như ra trận"

NSƯT Phượng Hằng cũng nổi danh trong trường phái ca vọng cổ hơi dài. Ban đầu, chị muốn rèn luyện làn hơi thật khoẻ, tạo dấu ấn riêng trên sân khấu để được khán giả đón nhận.

Theo chị, không phải ai cũng ca hơi dài được. Tuy nhiên, không phải câu vọng cổ nào cũng nên ca hơi dài. Chị thường áp dụng ca vọng cổ hơi dài vào những tình huống vui, nhiều năng lượng. Theo nữ nghệ sĩ, trong những tình huống buồn không nên áp dụng ca hơi dài vì không phù hợp, phải tập trung thể hiện tình cảm, đúng tinh thần nhân vật.

Chị từng ca một câu dài nhất là 120 chữ, nhưng cũng có những câu chỉ 100 chữ, hoặc gần 100. Nhưng có những câu chỉ 50 chữ, nhưng chị luyến láy nhiều, nghe đầy tình cảm, khiến người nghe thích thú.

"Khi ca hơi dài phải có sức khỏe tốt, niềm tin thật chắc vào bản thân. Tôi hay ví von mỗi lần ca hơi dài như một lần ra trận, phải có niềm tin đánh thắng, không phân tâm", chị chia sẻ.

Theo chị, tuổi tác cũng ảnh hưởng đến việc ca hơi dài. Thời trẻ, chị có thể luyến láy nhiều hơn. Nhưng khi sức khỏe giảm thì chị hạn chế luyến láy, tìm điểm đáp an toàn cho câu vọng cổ.

Hiện tại, công nghệ có thể giúp để "kéo" những câu vọng cổ ngắn thành vọng cổ hơi dài. Tuy nhiên, theo NSƯT Phượng Hằng người trong nghề nghe qua sẽ biết ngay đó là giọng ca thật hay có sự can thiệp. Chị cho rằng không nên lạm dụng yếu tố này. "Sức của mình thế nào nên ca thế đó. Phải tập luyện liên tục để có thể ca thật tốt, đặc biệt nếu muốn ca vọng cổ hơi dài. Khi ca bất kỳ câu nào cần đặt hết tâm tư, niềm tin vào mới truyền được hồn cho khán giả", chị nêu quan điểm.

Vòng đào tạo ca vọng cổ hơi dài được xem là thử thách khá khó nhằn với các thí sinh. Bên cạnh NSƯT Phượng Hằng, NSƯT Cẩm Tiên thì danh ca Châu Thanh cũng đưa ra nhiều kinh nghiệm cho thí sinh. Đặc biệt NSƯT Phượng Hằng và danh ca Châu Thanh thể hiện kỹ năng ca hơi dài trong trích đoạn Khi rừng thu thay lá của soạn giả Quy Sắc - Loan Thảo khiến các thí sinh trầm trồ, thích thú.

Tập 7 của Học viện Cải lương lên sóng lúc 19g ngày 19/5, trên Today TV, YouTV và 20g trên kênh YouTube của NSND Bạch Tuyết./.

Vân Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ