• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NSƯT Chu Lượng: Nỗ lực có những kịch bản hồn nhiên và gần gũi đối với khán giả nhí

27/05/2018 07:15

(Cinet) – Trong vai trò lãnh đạo Nhà hát múa Rối Thăng Long, NSƯT Chu Lượng chia sẻ, ngày nay để tìm một kịch bản dành cho thiếu nhi sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, nhà hát sẽ phải luôn có sự chắt lọc, phải có những kịch bản mang tính hướng thiện, hồn nhiên và gần gũi đối với khán giả nhí.

(Cinet) – Trong vai trò lãnh đạo Nhà hát múa Rối Thăng Long, NSƯT Chu Lượng chia sẻ, ngày nay để tìm một kịch bản dành cho thiếu nhi sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, nhà hát sẽ phải luôn có sự chắt lọc, phải có những kịch bản mang tính hướng thiện, hồn nhiên và gần gũi đối với khán giả nhí. 

+ Thưa ông! Trong vai trò làm Phó giám đốc lãnh đạo Nhà hát múa rối Thăng Long, ông có thể chia sẻ kế hoạch chương trình nghệ thuật dành cho các cháu thiếu nhi nhân dịp 1/6 tới đây?

- Sau khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo nhà hát, tôi đã cùng các anh em nghệ sĩ bắt tay thực hiện những kịch mục cho từng đoàn rất kỹ lưỡng.

Nhân dịp 1/6, chúng tôi sẽ đưa ra những tiết mục đặc sắc như: “Thế giới của chúng em 2”, hay tiết mục: “Hoa ban đỏ”,”Vườn thú đáng yêu”,” Đại dương xanh”,  “Cô bé quàng khăn đỏ”, …và đặc biệt chuyện về "Nàng công chúa ngủ trong rừng”,  một câu chuyện hấp dẫn với tình tiết ly kỳ đầy kịch tính gửi đến các khán giả nhí.

 NSƯT Chu Lượng

Chúng ta phải luôn có những món ăn tin thần dành cho các các bạn nhỏ. Tuy nhiên, cái khó của chúng tôi cũng giống nhiều đơn vị nghệ thuật khác. Đó chính là hiện nay, tác giả viết kịch bản cho thiếu nhi không nhiều. Chủ yếu chỉ có những tác phẩm dành cho người lớn.

Với cá nhân mình, tôi thấy các chương trình dành cho thiếu nhi là rất quan trọng. Vì đó là mầm non cho tương lai đất nước. Chúng ta phải xây dựng những chương trình đặc sắc, mới lạ nhưng phải gắn với tinh thần của người Việt Nam.

+ Vậy ông có thể chia sẻ các khó khăn của người nghệ sĩ múa rối khi dựng các vở diễn cho thiếu nhi?

- Khi chúng tôi bắt tay vào thực hiện dàn dựng. Điều đầu tiên phải xâm nhập và gần gũi với trẻ thơ.

Hầu hết, các đạo diễn và nghệ sĩ dựng vở đều lớn tuổi. Vậy nên phải tìm hiểu để nắm bắt được tâm lý trẻ thơ. Từ đó tác động vào các cháu những giá trị văn hóa. Chúng ta phải trở về đúng với tuổi thơ.

Các em nhỏ như tờ giấy trắng. Vậy nên những người làm nghệ thuật là những cây bút màu, chúng ta phải tô vẽ những cái đẹp để hướng các bạn nhỏ về cái thiện, cái đẹp trong cuộc sống.

 Hình ảnh vở diễn của Nhà hát múa Rối Thăng Long

+ Như ông chia sẻ, người đạo diễn và người nghệ sĩ dựng vở để có tuổi. Vậy điều này có khiến ông e ngại các vở diễn sẽ khó bám sát được tinh thần dựng vở cho các khán giả nhí?

- Trước khi vở diễn được ra mắt công chúng. Hội đồng nghệ thuật nhà sẽ phải duyệt rất kỹ. Chúng tôi phải chọn những kịch bản gần với trẻ em. Có sự chắt lọc kỹ lưỡng, những vở diễn phải mang tính trong sáng, hồn nhiên.

Đã có một số tác giả mang những vấn đề rất nặng về đời sống, hay những đạo diễn dàn dựng các vở đưa sự triết lý. Điều này người lớn xem sẽ mệt không riêng gì lứa tuổi nhi đồng. Theo tôi, điều đó không hợp.

Qua nhiều chương trình dàn dựng và rút ra nhiều kinh nghiệm. Cho nên nhà hát đã có hướng đi mới. Điều này được kiểm chứng trong chương trình “Đón Noel 2017”, chúng tôi đã đưa những nhân vật cổ tích của người Việt đã đi vào tâm hồn trẻ thơ, thông qua các vở múa rối, thông qua nghệ sĩ múa rối, chúng tôi diễn và kể cho các cháu nghe. Cho các cháu hiểu sự kết tinh văn hóa lâu đời của người Việt cần phải  để được giữ gìn.

Thời đại này là 4.0, chỉ với một smart phone chúng ta có thể làm nhiều việc. Tuy nhiên, sâu thẳm và cốt lõi chúng ta phải gieo trồng những văn hóa thuần khiết.

+ Khi chương trình dành cho thiếu nhi được ra mắt, ông thấy phản hồi của khán giả thế nào?

- Chúng tôi luôn xác định, mình là những người làm nghệ thuật thì phải luôn giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống cha ông. Bên cạnh đó, phải luôn sáng tạo những điều mới lạ.

Hiện tại, chúng tôi không chỉ xây dựng những kịch mục vào các ngày lễ. Thay vào đó, chúng tôi đang xây dựng chương trình thường niên hàng tuần. Ngoài ra, chúng tôi đang đào tạo đội ngũ, diễn viên và tác giả thật tốt để Nhà hát múa Rối Thăng Long có thể trở thành một điểm đến yêu thích cho các cháu tại Thủ đô. Hiện tại, tôi thấy phản hồi của khán giả rất tích cực.

+ Vừa qua, Nhà hát đã cho ra mắt “mua vé online”, ông có thể nói rõ hơn về điều này?

- Tôi có một quan điểm, nghệ thuật thì phải kèm theo dịch vụ. Ngoài thưởng thức những chương trình nghệ thuật cao thì cần có những dịch vụ tốt cho khán giả.

Cuộc sống ngày càng phát triển, công việc bận rộn việc mua vé qua wedsite của Nhà hát sẽ thuận tiện và đỡ mất thời gian của khán giả nhiều hơn. Chỉ cần một cuộc điện thoại, bạn đã có thể đặt vé. Hiện nay, lượng khách của nhà hát rất đông nên việc bán vé điện tử sẽ dễ dàng cho khách hàng.

+ Được biết đến là một trong những đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống hàng đầu Việt Nam khi lập kỷ lục cả 365 ngày/năm đều đỏ đèn. Thế nhưng có một nghịch lý là khán giả hầu hết là người nước ngoài. Là người công tác lâu năm trong ngành Rối, theo ông đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

- Việc khách nước ngoài thích thú đến xem nghệ thuật múa rối nhiều, theo tôi nghĩ là bởi sự độc đáo của loại hình nghệ thuật truyền thống này mang lại sự thích thú đến với họ. Tuy nhiên, độc đáo chỉ là thứ yếu, quan trọng nghệ thuật múa rối đã chạm được đến khát vọng của những nước văn minh khi họ đang hướng đến đó chính là những bản sắc. Còn với khán giả Việt Nam không đến xem nhiều không phải họ thờ ở chỉ là họ chưa quan tâm đến Múa rối.

Hiện nay, đất nước đang phát triển theo kinh tế thị trường nên có nhiều giải trí dành cho người dân. Do đó, những người làm nghệ thuật phải quan tâm đặc biệt đến những loại hình nghệ thuật truyền thống nhiều hơn. Múa rối đã có lịch sử từ hơn một nghìn năm nhưng đến bây giờ xem mọi người vẫn luôn thích thú. Tôi thấy các cháu nhỏ hay người Việt mình đến xem cũng rất thích thú và vỗ tay liên tục. Thậm chí nhiều cháu xem xong còn chạy ra tận nơi các diễn viên biểu diễn để đặt câu hỏi như tại sao con rồng chui ở dưới nước lên mà phun lửa, hay con cáo vồ con vịt và cheo lên được cây cau... Đặc biệt, khi xem Rối nước làm cho người ta quên được tất cả mọi mệt mỏi, lo toan trong cuộc sống bởi với múa rối luôn mang đến sực bất ngờ và thích thú lôi cuốn được người xem.

Ngoài ra, đất nước chúng ta đang trên con đường công nghiệp hoá, là con người của thời đại nên khi xem Rối nước là giữ lại những điều trong lành nhất. Từ đó sẽ giúp chúng ta thanh lọc được tâm hồn mà môt khoảng khắc nào đó khi hàng ngày chúng ta đang dành cho rất nhiều việc khác. Chưa kể nó sẽ trả cho chúng ta sự hồn nhiên, không có sự bon chen hàng ngày. Bởi hầu hết các vở rối yếu tố chính trị, xã hội được đưa vào nội dung các vở rối là rất ít. Ở đây sự trong sáng, thuần khiết và hồn nhiên chính là những điều đáng quý mà Múa rối nước mang lại.

+ Cũng như bao ngành đạo sân khấu truyền thống khác, nỗi lo về khâu đào tạo, lực lượng kế tục luôn trăn trở của người làm nghề. Được biết ông cũng tham gia giảng dạy ở trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội về bộ môn Múa rối nước, ông đánh giá sao về chất lượng đào tạo các môn nghệ thuật truyền thống của chúng ta hiện nay, đặc biệt là bộ môn Rối?

- Tôi vẫn luôn dạy cho các bạn trẻ hiểu được cốt lõi, cái hay của nghệ thuật Múa rối nước. Có một câu nói nổi tiếng mà tôi nói với các thế hệ học trò của mình là “Còn một hạt thóc thì còn một cánh đồng” và dạy cái em hiểu được giá trị cũng như nuôi dưỡng và theo đuổi được nghề mình đang học. Không chỉ Rối nước mà những loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung hiện nay có một thực trạng đáng buồn đó là ngay đợt tuyển sinh vừa qua, giới trẻ đã không còn quan tâm và họ chạy theo kinh tế thị trường. Cái nào mạnh thì họ làm, kiếm ra nhiều tiền họ sẽ theo đuổi. Nhưng theo tôi được biết, Múa rối nước hiện nay không chỉ có ở Hà Nội mà còn đang có nhiều dự án tài trợ cho các đơn vị biểu diễn ở khắp nơi trên cả nước. Đấy cũng là tín hiệu đáng mừng và tôi mong điều này sẽ được thường xuyên, liên tục và được khuyến khích nhiều hơn, bởi cái gì hay thì phải phổ biến.

+ Xin chân thành cảm ơn NSƯT Chu Lượng!

Ngô Đồng

NỔI BẬT TRANG CHỦ