(Tổ Quốc) – “Anh em nghệ sĩ tập luyện rất phấn khởi. Bởi, quá lâu chúng tôi không được đứng trên sân khấu. Khi có lịch là anh em đến tập luyện rất chăm chỉ nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch”, NSƯT Lộc Huyền chia sẻ.
Mở đầu cho chương trình Nhà hát online, Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ ra mắt khán giả vở Tuồng mang tên Trung thần do đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai dàn dựng. Đây cũng là vở từng giành huy chương Bạc tại Liên hoan Tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2019.
Là nữ diễn viên chính trong vở Tuồng Trung thần, NSƯT Lộc Huyền đã dành thời gian chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc về sự khác biệt khi biểu diễn bằng hình thức online, cũng như những nỗi trăn trở với nghề trong thời kỳ dịch Covid-19 bùng phát.
Thời gian tập ít ngày nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho vở diễn
+ Trong hoàn cảnh dịch bệnh, các nghệ sĩ không được biểu diễn, công việc và thu nhập của chị bị ảnh hưởng nhiều không?
- Dịch covid làm ảnh hưởng rất nhiều đến toàn xã hội nói chung và gia đình tôi nói riêng, khó khăn lại thêm khó khăn để đảm bảo chi tiêu sinh hoạt gia đình hàng ngày.
Cũng giống như nhiều nhà hát khác khi nghệ thuật biểu diễn bị dừng lại thì mọi hoạt động biểu diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam cũng phải dừng lại, vở mới thì không được dựng. Bản thân tôi cũng rất muốn làm thêm một việc gì đó nhưng nhiều nguyên nhân nên chưa thể thực hiện được.
Hiện tại, tôi cũng hạn chế ra đường, tiếp xúc nhiều người. Kinh tế khó khăn thì mình sẽ phải thắt chặt chi tiêu, cố gắng giữ sức khỏe để vượt qua mùa dịch.
+ Nghệ sĩ không được biểu diễn thường xuyên, lại phải kiếm nghề khác để nuôi sống gia đình, điều này dễ làm nghệ sĩ bị mai một nghề của mình, chị có cảm thấy xót xa?
- Với những nghệ sĩ tầm trung tuổi hoặc các nghệ sĩ đã được khẳng định tên tuổi thì dù khó khăn mấy cũng vẫn vượt qua để giữ nghề. Còn các nghệ sĩ trẻ thì họ có sức khỏe, có hoài bão lớn hơn. Nên họ sẽ xoay sở làm thêm một số nghề tay trái để có thêm thu nhập. Khi có cơ hội tốt hơn họ sẵn sàng đổi nghề khác.
Việc nhiều nghệ sĩ thay đổi nghề vì khó khăn kinh tế khiến tôi rất xót xa, chạnh lòng. Tôi chỉ mong nghệ thuật truyền thống sẽ luôn được quan tâm, đón chào để anh em nghệ sĩ có thể vững tâm theo nghề.
+ Nhà hát Tuồng là đơn vị đầu tiên được lựa chọn để khai triển hình thức nhà hát online, cảm xúc của chị thế nào?
- Tôi thật sự rất hạnh phúc, vui mừng khi được nghe tin. Anh em nghệ sĩ tập luyện rất phấn khởi. Bởi, quá lâu chúng tôi không được đứng trên sân khấu. Khi có lịch là anh em đến tập luyện rất chăm chỉ nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch. Đến lượt ai tập người đó mới ra, không còn tụ tập từng nhóm như trước kia.
Tuy thời gian tập ít ngày nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho vở diễn. Hiện tại, chúng tôi đang sẵn sàng đợi ngày lên sóng.
+ Khi biểu diễn hình thức nhà hát online thì sẽ không có khán giả, chị có sợ cảm xúc của người nghệ sĩ sẽ khó thăng hoa?
- Nghệ thuật dân tộc được diễn trên sân khấu có khán giả cổ vũ thì chắc chắn sẽ rất phiêu và thăng hoa. Bởi, chúng tôi diễn với một tâm thế thoải mái tự do sáng tạo động tác, lời thoại theo cảm xúc nhưng vẫn trong khuôn khổ và sự giao lưu của khán giả mang đến niềm vui, lý thú sau mỗi đêm diễn.
Còn biểu diễn hình thức nhà hát online thì mọi thứ phải chuẩn chỉnh, trau chuốt trong lời thoại, từ vũ đạo đến ý diễn. Nếu không sẽ bị bật ra khỏi nhân vật…và bị vô duyên.
Diễn viên chúng tôi dù diễn sân khấu nào cũng đều diễn hết mình, có sự tập trung và truyền lửa cho vai diễn. Đặc biệt là lên hình online phải cẩn thận hơn vì vở diễn sẽ được "lưu lại mãi mãi", và sẽ không có cơ hội để làm lại cho những lỗi sai.
Đây cũng là cách gìn giữ tư liệu quý cho thế hệ trẻ sau này học nghề
+ Trong vở Tuồng "Trung thần" sẽ ra mắt khán giả bằng hình thức online, chị có thể tiết lộ buổi diễn này này có đổi mới hơn so với trước đây?
- Chắc chắn rồi. Buổi diễn này sẽ đổi mới hơn so với các buổi diễn truyền hình trước đây. Vì trước khi quay, diễn viên sẽ được diễn đi diễn lại cảnh đó, và sẽ chọn đúp quay nào chuẩn nhất, hay nhất mới được phát. Như vậy các nghệ sĩ cũng yên tâm hơn mà không bị căng thẳng.
+ Khi Bộ VHTTDL đưa ra phương án "Nhà hát online" để nghệ sĩ có thể biểu diễn, khán giả vẫn có thể thưởng thức nghệ thuật giữa mùa dịch. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với chị nói riêng và anh em nghệ sĩ nói chung thế nào?
- Điều này rất ý nghĩa cho nghệ sĩ các nhà hát hiện nay. Các nghệ sĩ có điều kiện được rèn luyện chuyên môn, đồng thời lại có thêm thu nhập. Hơn nữa là có những tác phẩm được truyền hình lưu lại, khán giả trong nước và nước ngoài được thưởng thức các tác phẩm hay của nghệ thuật truyền thống. Đây cũng là cách gìn giữ tư liệu quý cho thế hệ trẻ sau này học nghề.
+ Là một nghệ sĩ đam mê sân khấu truyền thống, chị mong muốn gì để sân khấu truyền thống có sự phát triển trong thời gian tới?
- Nguyện vọng thì có nhiều lắm. Tuy nhiên, tôi mong muốn sẽ có sân khấu online, mỗi tháng 1 số để các vở Tuồng, Chèo, Cải lương...có thêm cơ hội được biểu diễn.
Bên cạnh đó, tôi rất mong muốn các nghệ sĩ sân khấu truyền thống chúng tôi được tăng lương, tăng thêm tiền bồi dưỡng trong mỗi ngày tập. Ai cũng biết, thời buổi kinh tế thị trường, vật giá leo thang, trong khi đồng lương chúng tôi nhận không đủ để nuôi chính bản thân mình, chưa nói đến việc nuôi cả gia đình.
Cuối cùng, đó là về bằng cấp. Hiện nay, nghệ thuật Tuồng chưa được cấp bằng đại học, mà chỉ có bằng Trung cấp. Vì thế, sau khi tốt nghiệp các nghệ sĩ Tuồng vẫn chỉ ở Hạng 4, khi được NSƯT cũng không được lên hạng 3 vì thiếu bằng đại học.
Nếu như lo đi học lấy bằng đại học chuyên ngành khác để được lên lương thì lại mất thời gian 4 năm theo học. Trong quá trình học, chúng tôi sẽ không còn thời gian để đi biểu diễn, theo vở diễn của nhà hát và cống hiến cho khán giả.
+ Cảm ơn chị về những chia sẻ!