• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

NSƯT Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Nhà hát ca, múa, nhạc VN: “Nghệ thuật phải sống được trong lòng dân”

26/05/2011 11:31

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, tập thể diễn viên Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam đã cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy nghệ thuật cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Uy tín và thương hiệu của Nhà hát được khẳng định qua nhiều tiết mục, chương trình mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ hàng chục triệu khán giả trong và ngoài nước.

Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, tập thể diễn viên Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam đã cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy nghệ thuật cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Uy tín và thương hiệu của Nhà hát được khẳng định qua nhiều tiết mục, chương trình mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ hàng chục triệu khán giả trong và ngoài nước.

NSƯT Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Nhà hát ca, múa, nhạc VN.NSƯT Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc Nhà hát ca, múa, nhạc VN.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng NSƯT Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam.

PV: Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam là một trong những đơn vị nghệ thuật lớn nhất ở nước ta. Trong 6 thập kỷ phát triển, hẳn Nhà hát có nhiều trang sử hào hùng?

NSƯT Nguyễn Quang Vinh: Đoàn Văn công nhân dân Trung ương được thành lập tháng 11-1951 tại chiến khu Việt Bắc. Tại ATK Việt Bắc, Đoàn đã biểu diễn phục vụ nhiều đại hội, hội nghị của Đảng, Chính phủ và Mặt trận. Đoàn còn đi biểu diễn ở các binh công xưởng, các cơ quan ở chiến khu, tham gia vào hai chiến dịch Tây Bắc và Điện Biên Phủ.

Do yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, tháng 12-1954, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương tách thành ba đoàn độc lập là Đoàn Ca vũ Trung ương, Đoàn Chèo Trung ương và Đoàn Kịch nói Trung ương. Đoàn Ca vũ Trung ương chính là tiền thân của Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam hiện nay. Vừa qua, trong buổi họp báo, gặp mặt một số anh chị em nghệ sĩ, hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam, lớp lớp thế hệ nghệ sĩ Nhà hát đã ôn lại những kỷ niệm, chặng đường phát triển không thể nào quên của Nhà hát trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Chuyện xưa ôn lại, ở Vĩnh Linh, Dốc Miếu, Cồn Tiên, đại bác của ta và địch bắn suốt ngày đêm, anh chị em phải biểu diễn dưới hầm sâu. Rồi có lần đoàn đang diễn ở đầu cầu Hàm Rồng, máy bay địch ập đến đánh phá, anh chị em đã vác đạn tiếp tế cho bộ đội, tham gia bắn máy bay ở tầm thấp. Máy bay địch bị rơi hai chiếc, từ đó mới có câu: “Hôm nay bắn máy bay rơi/Chiến công một nửa của người văn công”.

Để chia sẻ với chiến trường miền Nam, đoàn đã cử một số diễn viên giỏi như Kỳ Lân, Lâm Quang Măng, Phương Thảo, Trần Mùi, Bích Thủy… vượt Trường Sơn vào chiến trường B, làm chiến sĩ giải phóng quân thực sự, tay đàn, tay súng phục vụ chiến trường. Có người đã anh dũng hy sinh, nằm lại nơi chiến trường khốc liệt như nghệ sĩ Phương Thảo. Thật đúng với câu nói của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Có chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong nghệ sĩ diễn viên”. Hòa bình lập lại, đoàn đi biểu diễn đến tận Mũi Cà Mau. Người dân vùng mới giải phóng xúc động quá, có bà má xem kịch múa “Bà mẹ miền Nam” đã òa khóc hỏi diễn viên đoàn: “Sao ở tận Hà Nội mà các con biết chuyện của má ở Cà Mau?”…

Vậy thì Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam cũng chính là nơi hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho người nghệ sĩ?

NSƯT Nguyễn Quang Vinh: GS.NSND Trọng Bằng, nguyên Giám đốc Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam từng khẳng định: “Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam chính là nơi hun đúc tình yêu đất nước cho người nghệ sĩ. Trong thời chiến, đoàn không quản khó khăn, gian khổ đi biểu diễn nơi tuyến lửa, đã có những mất mát, hy sinh. Và chúng ta tự hào, trân trọng với những nghệ sĩ Nhà hát đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Còn trong thời bình, những đóng góp của Nhà hát là to lớn về mọi mặt, đặc biệt là trên mặt trận ngoại giao của đất nước”.

Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam thật may mắn khi có nhiều nghệ sĩ tài năng như GS.NS Lưu Hữu Phước, NSND Phùng Nhạn, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Đỗ Tiến Định… Cùng với Nhà hát ca, múa, nhạc Quân đội, Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam là hai cánh chim đầu đàn của văn nghệ cách mạng Việt Nam. Thành tích thì quá lớn, đâu chỉ một vài câu nói hết. Tôi vừa xem lại ảnh chụp tiết mục Múa đồng vọng (Biên đạo NSND Ngọc Cường), giành HCB quốc tế khối Pháp ngữ ở Ca-na-đa năm 2003 mà cảm thấy tự hào. Nhớ lại năm đó, đoàn Trung Quốc có 80 diễn viên, đoàn Mỹ có khoảng 70 diễn viên, nước chủ nhà Ca-na-đa có 65 nghệ sĩ diễn viên. Tuy nhiên, cả ba đoàn trên không được giải nào. Đoàn Việt Nam đoạt HCB với Múa đồng vọng, phấn khởi, tự hào quá đi chứ. Quan khách quốc tế khi đó bảo: Đất nước, con người Việt Nam đẹp mê hồn qua những tiết mục nghệ thuật.

Những lần Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam đi biểu diễn ở châu Âu, khán giả Việt Nam bên đó buổi diễn nào cũng đến xem, cổ vũ đông nườm nượp. Kết thúc chương trình, nhiều người còn nán lại động viên, hỏi chuyện anh chị em ca sĩ. Những phút giây kỷ niệm đó ngẫm lại thấy thật ấm lòng.

Khán giả thưởng thức âm nhạc ngày càng khó tính, vậy Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam đã sẵn sàng “làm mới mình” để thích ứng với cơ chế thị trường?

NSƯT Nguyễn Quang Vinh: Trong cơ chế thị trường, vấn đề của Nhà hát là diễn cái gì, làm cách nào để khán giả đến với mình? Lãnh đạo Nhà hát đưa ra phương châm: Tất cả các nghệ sĩ, diễn viên phải xác định cải cách tương đối toàn diện, đặc biệt quan tâm đến công tác chuyên môn. Lãnh đạo Nhà hát ai cũng muốn anh chị em tăng thêm thu nhập, để mọi người phấn khởi hơn trong tập luyện và biểu diễn. Giờ không thể hô hào, động viên chung chung được. Phải làm mọi cách để hút khán giả đến với Nhà hát. Nhiều khán giả có nghĩa sẽ nhiều tiền, và muốn có nhiều khách thì phải có chương trình, tiết mục người dân thích. Nhưng nếu Nhà hát bị thị trường hóa, ở chỗ chỉ có cái người ta thích thôi thì sẽ mất bản sắc, thương hiệu.

Nhà hát đã tìm ra hướng đi phù hợp chưa, thưa ông?

NSƯT Nguyễn Quang Vinh: Nghệ thuật cách mạng có vị trí quan trọng nhưng nghệ thuật phải sống được trong lòng dân. Nghệ thuật cách mạng cũng phải có chiến lược. Ví như Nhà hát đang muốn mời những ngôi sao ca nhạc trẻ tuổi hát bài hát cách mạng. Giờ các loại hình vui chơi giải trí quảng cáo ghê quá. Nếu mình quảng cáo “xanh đỏ” như các chương trình nghệ thuật “mì ăn liền”, khán giả lại nghĩ chương trình của Nhà hát tầm thường như những chương trình khác. Chúng tôi phải lựa chọn hướng đi, lựa chọn hình thức thay đổi cho phù hợp với cơ chế thị trường, thị hiếu thưởng thức của khán giả. Nhưng nói thật, các nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát đều lớn tuổi, giờ bảo các anh, các chị đổi mới tư duy thật khó.

Hoặc giờ Nhà hát trả cát-xê không xứng, đời nào các ngôi sao ca nhạc nhận lời tham dự, cho dù là chương trình làm từ thiện. Cơ chế thị trường mà, nhưng chúng tôi chấp nhận đương đầu với khó khăn, thử thách. Thói quen ta chỉ bán cái ta có đã quá lạc hậu rồi. Nhà hát sẽ xây dựng những chương trình có chủ đề, nội dung, màu sắc phong phú hơn. Thời gian đầu làm sẽ phải chấp nhận thử thách, chấp nhận đối mặt với sự thật đó là thắng hay thua. Chúng tôi đã tính đến phương án là nếu lỗ vẫn phải làm bởi nó mang tính định hướng, không phải nói một cách sáo rỗng nhưng mình phải tập làm mới để nâng cao chính mình. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập, Nhà hát ca, múa, nhạc Việt Nam sẽ dàn dựng nhiều chương trình ý nghĩa, với quy mô hoành tráng, nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và thẩm mỹ người xem.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

Theo QĐND

NỔI BẬT TRANG CHỦ