(Tổ Quốc) – Chia sẻ với báo điện tử Tổ Quốc, NSƯT Thuỳ Dung – “đào thương” của Nhà hát Chèo Việt Nam bộc bạch, với nhân vật nàng Trinh Nguyên gây xúc động với người xem trong vở Chèo cổ cùng tên, chính chị đã trải qua những sóng gió cuộc đời. Ngoài đời chị cũng có những người con riêng của chồng và chị biết, phải yêu thương con chồng như chính con đẻ của mình.
Mang quan điểm sống của mình đặt vào nhân vật
+ Khi hóa thân vào người mẹ kế trong vở Chèo cổ, "Nàng Trinh Nguyên" chị có gặp nhiều khó khăn?
-Khi đạo diễn phân vai, tôi đã rất tâm đắc. Nàng Trinh Nguyên là một người mẹ sống hết lòng vì con, vì gia đình và vô cùng thương con khi con mắc phải những sai lầm. Có thể nói, đây là một vai diễn không dễ.
Một trích đoạn của vở Chèo "Trinh Nguyên" (ảnh: Nguyễn Hoàn)
Khi nhận được kịch bản tôi đã nghiên cứu rất lâu. Phải đọc từng câu, từng chữ để thấm vào trong đầu, đặt tình cảm của mình vào trong nhân vật để biểu đạt tốt nhất cho người xem.
Mình phải diễn làm sao cho ra tình cảm chân thành, yêu thương con chồng… Màn kết của vở Chèo cũng chính là màn kết phần xét xử hai đứa con của nàng Trinh Nguyên. Cả con chồng lẫn con đẻ đều rơi vào lao lý. Với phần kết này tôi đã phải dồn rất nhiều tâm sức. Có thể nói, cảm xúc của mình đã được đưa lên sự đỉnh điểm nỗi đau của người mẹ khi đi tìm công lý cho con mình.
+ Mỗi một nghệ sĩ, khi nhận được kịch bản đều phải đi tìm "chìa khoá" cho nhân vật, chị thì sao?
-So với các vai diễn khác, vai diễn này tương đối khó so với những nhân vật tôi từng đảm nhận trước đó.
Vậy nên tôi đã phân tích rất kỹ để làm sao cho khán giả ngồi dưới vẫn cảm nhận được tính chân thật, cảm xúc của nhân vật phải chạm được trái tim khán giả.
Phải diễn tả thật nhất chính là điều tôi muốn. Nàng Trinh Nguyên là một người mẹ kế, ngoài đời tôi cũng là một người mẹ kế. Chồng tôi cũng có con riêng, chính vì thế tôi luôn có quan điểm phải yêu thương con chồng như chính con đẻ của mình. Tôi đã dùng chính quan điểm sống của mình để đặt vào nhân vật.
NSƯT Thùy Dung
+ Chị được đánh là người có "kỷ luật" tốt nhất khi luôn chuẩn về giờ giấc, điều này đối với nghệ sĩ thường không dễ dàng?
-Đúng vậy, thường mọi người hay đánh giá nghệ sĩ có giờ giấc thất thường (cười).
Điều này cũng do nghề nghiệp của chúng tôi, lịch diễn, lịch tập....Ở đâu cũng vậy, sẽ có người này, người kia. Còn với tôi, tôi say nghề và yêu nghề một cách nghiêm túc.
Mọi người đều biết, trước khi trở thành quân số Nhà hát Chèo Việt Nam,tôi là một văn công ở tỉnh Ninh Bình, sau đó chuyển về Thái Nguyên.
Khi cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, cũng là lúc tôi muốn thay đổi môi trường sống, thay đổi lại tất cả và xuống Hà Nội.
Những ngày ở còn ở đoàn tỉnh Ninh Bình, tôi đã học được tính kỷ luật cao ở đó. Thêm vào đó, tôi không phải là một người được đào tạo bài bản ở các trường nghệ thuật. Ý thức được điều đó, tôi chỉ biết cố gắng thật nhiều để rèn luyện mình hơn.
+ Chuyện "Nàng Trinh Nguyên" là một trong 10 vở Chèo cổ được Nhà hát phục dựng lại, theo chị cái hay của Chèo cổ có khác với Chèo hiện đại?
-Chèo cổ và Chèo hiện đại đều có cái hay và sự thu hút riêng. Tôi thấy, thường những người yêu Chèo sẽ thích Chèo cổ hơn.
Còn Chèo hiện tại, sẽ phóng khoáng hơn rất nhiều. Ngày nay, khán giả không thích trong làn điệu Chèo có các âm a, i…nên thường các vở Chèo mới sẽ bỏ các âm này đi.
Cá nhân tôi, tôi thích những vở Chèo cổ hơn (cười).
Người chồng hiện tại của tôi cũng từng trải qua một cuộc hôn nhân. Chúng tôi đã trải qua những cảm xúc giống nhau và thấu hiểu nhau.
Nghệ sĩ long đong hạnh phúc, tôi cũng không ngoại lệ
+ Chị là một trong số thành phần ban giám khảo để đi sát hạch, tuyển chọn các thí sinh, chị đánh giá thế nào thế hệ hiện này?
-Tôi phải nói thật và điều này đang là thực trạng đáng buồn đó là tìm được các em có tài năng trọn vẹn là vô cùng hiếm.
Một diễn viên Chèo đòi hỏi: "Tinh, khí, thục, thần, thanh sắc"….Nhưng để tìm được người hội tụ có những tiêu chí đó là không dễ.
Người có thanh thì không có sắc, có sắc lại không có thanh. Thêm vào đó, các loại hình giải trí phát triển mạnh nên có nhiều em không thực sự đam mê nghề một cách quyết liệt. Có nhiều em yêu Chèo nhưng chỉ đi nửa đường đã "buông".
Chèo còn dễ, tôi thấy nhạc công về Cải Lương còn khan hiếm. Giờ nhiều nơi đều phải làm hợp đồng với thế hệ gạo cội.
+ Nghệ sĩ thường long đong trên con đường hạnh phúc, và chị cũng từng đứng ở vực thẳm nỗi đau. Sau những sóng gió đó, chị cũng tự tin chọn cho mình bến đỗ mới?
-Nghệ sĩ thường long đong chuyện tình cảm và tôi là cũng không ngại lệ. Điều này tôi không muốn nhưng phải chấp nhận. Chồng cũng của tôi cũng là một nghệ sĩ cùng nghề. Chúng tôi chia tay nhau khi không còn tiếng nói chúng.
Hiện tại, chúng tôi cũng đều có gia đình mới. Tôi và chồng cũ hết duyên nhưng vẫn coi nhau là bạn, là đồng nghiệp. Có thể nói, tôi hài lòng với những gì mình đang có.
Người chồng hiện tại của tôi cũng từng trải qua một cuộc hôn nhân. Chúng tôi đã trải qua những cảm xúc giống nhau và thấu hiểu nhau.
+ Chồng hiện tại của chị có làm trong nghệ thuật?
-Anh ấy làm trong quân đội nhưng vốn cũng là một khán giả yêu thích Chèo. Dù bận rộn nhưng mỗi khi tôi diễn anh đều đến xem và cũng có lời nhận xét, góp ý như những khán giả khác.
+ Vậy khi chị vai bà mẹ kế trên sân khấu, anh có nói gì?
-Anh luôn ủng hộ tôi. Tôi nghĩ, khi mình sống đúng là con người mình. Dùng chính sự chân thành thì sẽ không ai chê trách được mình.
+ Xin chân thành cảm ơn chị về những chia sẻ!