(Cinet)- Vở Cải lương “Thầy Ba Đợi” sẽ có nhiều đổi mới so với nhiều vở diễn trước đây bởi chính sự kết hợp hoàn hảo giữa nghệ sĩ hai miền Nam – Bắc. – Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam – Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên đã chia sẻ cùng PV
+ Nhiều thế hệ nghệ sĩ Cải lương đã nhận xét, để theo đuổi nghệ thuật sân khấu, lớp trẻ ngày nay không còn đủ nhiệt huyết như thời xưa, dưới góc độ cá nhân, anh có nhận xét gì?
- Như chúng ta đều biết, sân khấu truyền thống nói chung và Cải lương nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn. Điều này phản ánh xu thế xã hội, mang tính quy luật, không phải lỗi tại ai.
Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam – Đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên |
Các bạn trẻ bước vào đời thường chọn cho mình một nghề nghiệp đang thịnh hành. Trong khi sân khấu truyền thống lại đang khó khăn. Thậm chí có phần xa lạ đối với cuộc sống của họ, nên họ đã không lựa chọn. Nếu đam mê nghệ thuật, phần lớn các bạn sẽ chọn thời trang, âm nhạc hay điện ảnh…
Cải lương là một nghệ thuật mang đặc thù rất riêng. Không như Chèo, Tuồng được định hình trong khuôn thước. Cải lương luôn biến đổi, du nhập các yếu tố mới, cứ định hình rồi lại phá bỏ để phát triển, rồi lại định hình rồi lại phát triển theo từng giai đoạn.
Hiện nay, Cải lương đang ở giai đoạn định hình, giai đoạn này tồn tại khá lâu đã tạo một nếp nghĩ, một thói quen cho người làm nghề, lẫn người xem. Trong khi xã hội thì luôn biến đổi. Vậy nên Cải lương chỉ phù hợp với thế hệ người này nhưng không phù hợp với thế hệ người khác.
Để Cải lương có thể tiếp tục phát triển trong tương lai, cần có lực lượng khán giả mới nuôi dưỡng. Đây là vấn đề hết sức cam go và nhiều ý kiến cho là không thể.
+ Trưởng thành từ một diễn viên, sau đó làm đạo diễn và hiện tại đang đảm đương vai trò quản lý Nhà hát Cải lương Việt Nam. Trên cương vị là một nhà quản lý, theo anh, chúng ta nên làm gì để khuyến khích và tiếp lửa cho thế hệ trẻ theo đuổi và giữ gìn nghệ thuật truyền thống Cải lương?
- Việc trước tiên là phải làm cho Cải lương được hồi sinh, phải có chỗ đứng vững chắc giữa thị trường nghệ thuật. Khi Cải lương là nơi có thể gặt hái vinh quang, các bạn trẻ sẽ theo.
Vở Cải lương mang dấu ấn của đạo diễn NSƯT Triệu Trung Kiên |
Điều đó đòi hỏi một nỗ lực rất lớn cùng một hướng đi đúng đắn của những người làm nghề. Kèm theo đó là sự quan tâm của các cấp lãnh đạo. Nếu lãnh đạo không quan tâm, văn hóa nghệ thuật sẽ khó tồn tại và phát triển.
Thêm nữa, rất cần những “mạnh thường quân”. Khi có sự chung tay của những công dân thành công trong xã hội, có thái độ trân trọng và chăm lo cho văn hóa, nghệ thuật, thì các loại hình loại hình sân khấu truyền thống sẽ được tiếp sức để phát triển.
Là một người theo đuổi nghề nhiều năm, tôi và bạn bè đồng nghiệp Nam – Bắc đang ấp ủ nhiều dự định đổi mới.
Trước tiên, không phải những gì to tát. Thay vào đó là hãy làm cho Cải lương bớt đi những tồn tại bất cập hiện tại. Điều này là nguyên nhân khiến Cải lương trở nên cũ kỹ trong con mắt khán giả hiện đại. Cần khắc phục tình trạng làm nghề dễ dãi trong một bộ phận nghệ sỹ trẻ, xây dựng những vở diễn mang tính chuyên nghiệp cao theo những xu thế chung của Sân khấu thế giới, cùng việc phát huy mạnh mẽ bản sắc riêng, để Cải lương có thể trở lại lộng lẫy, huy hoàng như đã từng có trong lịch sử phát triển của mình.
+ Sau thành công vở diễn “Hừng đông”, anh tiếp tục dàn dựng vở ‘Thầy Ba Đợi” cùng đạo diễn Lê Trung Thảo. Được biết, vở Cải lương sẽ quy tụ diễn viên cả hai miền Nam – Bắc, khi bắt tay vào dàn dựng, anh có gặp những vấn đề khó khăn gì?
- Khó khăn là đương nhiên, để có được một tác phẩm có sự hiện diện chung của nghệ sỹ hai miền. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có nhiều thuận lợi. Tất cả các nghệ sỹ tham gia trong vở diễn đều tỏ ra hào hứng và có trách nhiệm vì họ thấy đây là việc làm có ý nghĩa.
Tôi nghĩ, vở diễn sẽ đem lại một dấu ấn riêng đến cho khán giả.
+ Vở diễn “Thầy Ba Đợi” được diễn ra nhân dịp kỉ niệm sự ra đời 100 năm Cải Lương, vậy anh có thể chia sẻ thông điệp và ý nghĩa của vở cải lương này?
- Vở diễn Cải lương là một công trình nghệ thuật mang tính tổng hợp cao, nên mọi thành tố nghệ thuật trong tác phẩm cần được, tính toán và trau chuốt.
Đầu tiên là kịch bản, do tư liệu lịch sử về nhân vật trung tâm của vở diễn không nhiều nên tác giả đã dùng thủ pháp hư cấu nghệ thuật để câu chuyện được trọn vẹn, sinh động và một điều quan trọng là làm sao phải lôi cuốn người xem.
Thiết kế mỹ thuật sân khấu, phục trang, âm nhạc mang tính đương đại, tạo cảm quan thẩm mỹ mới. Đúng và đẹp là tiêu chí cần thiết để tái tạo nên một câu chuyện lịch sử ý nghĩa.
Ê kíp sáng tạo muốn thông qua tác phẩm lần này, khán giả có thể mường tượng một nét chung nhất về quá trình hình thành buổi đầu của nghệ thuật sân khấu Cải lương và những người đã có công tạo nên những nhân tố chủ đạo, cốt yếu của loại hình này, đó chính là di sản quý báu tích tụ từ hàng nghìn năm lịch sử – nền âm nhạc cổ truyền của dân tộc, từ âm nhạc cung đình đàng ngoài, đến Nhã nhạc cung đình Huế và âm nhạc Tài tử Nam bộ - tiền thân của nghệ thuật Sân khấu Cải lương./.
+ Xin chân thành cảm ơn NSƯT Triệu Trung Kiên!