(Tổ Quốc) -NSƯT Xuân Bắc đã chia sẻ “Danh hiệu không phải là đích đến cuối cùng của con đường làm nghệ thuật của tôi”.
NSƯT Xuân Bắc là một trong bốn đề cử của Nhà hát Kịch Việt Nam đề nghị Hội đồng cấp Bộ công nhận danh hiệu NSND năm 2018. NSƯT Xuân Bắc vừa rút hồ sơ vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, trước đó, khi chuẩn bị lên đường “Nam tiến” tham gia Liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, NSƯT Xuân Bắc đã chia sẻ “Danh hiệu không phải là đích đến cuối cùng trên con đường làm nghệ thuật của tôi”.
Không được vinh danh thì vẫn làm
+ Trước đây, từng có nhiều nghệ sĩ “nản” khi không được giải thưởng, không được danh hiệu? Anh nghĩ gì về điều này?
- Tôi nghĩ không việc gì phải nản. Bởi vì đạt danh hiệu không phải là đích đến cuối cùng của con đường làm nghệ thuật của tôi. Tôi sẽ làm, làm nữa, làm mãi, đến khi không làm được nữa thì thôi, nên không việc gì phải nản.
NSƯT Xuân Bắc: Danh hiệu không phải là mục đích cuối cùng trên con đường làm nghệ thuật của tôi |
Nhưng tôi cũng mong rằng, khi đã đưa ra một danh sách đề nghị xét danh hiệu các nghệ sĩ, thì không phải chỉ các nghệ sĩ mà những khán giả đều mong muốn Hội đồng làm việc một cách công minh, nghiêm túc, công bằng. Để đưa ra kết quả chính xác nhất. Thậm chí đưa ra hàng chục hồ sơ mà chỉ một người được cũng không sao, nhưng người đó phải thực sự là số 1. Tức là tất cả khán giả ủng hộ, anh em bạn nghề yêu mến, khán giả nước ngoài biết đến. Hoạt động xã hội tưng bừng. Ví dụ thế!
Tôi rất phản đối những cá nhân hay tập thể, khi đi thi, nếu đoạt giải thì cho rằng BGK làm đúng, công bằng, nhưng không đoạt giải thì cho rằng BGK không đúng, đánh giá sai. Nếu đoạt giải thì cho rằng mình xứng đáng, nếu không đoạt giải là do họ đánh giá sai.
Cuộc sống cứ thế và tôi phản đối quan điểm đó!
+ Mỗi lần xét danh hiệu luôn có những ý kiến từ dư luận về cá nhân này xứng đáng, cá nhân kia chưa xứng. Anh nghĩ sao về điều này?
- Quan điểm của tôi đã bày tỏ ở trên, không bàn sâu về cá nhân ai. Quan điểm làm nghệ thuật, kim chỉ nam làm nghệ thuật của tôi không bao giờ thay đổi. Tôi chỉ mong ai đạt danh hiệu NSND thì hãy xứng đáng với danh hiệu, hãy tiếp tục cống hiến, tiếp tục bằng tài năng, sức lực, trí tuệ của mình đem đến những tác phẩm thực sự có ích cho xã hội.
Mong những ai chưa đạt được danh hiệu, dù NSƯT hay NSND thì hãy tiếp tục bằng niềm say mê của mình, bằng trình độ, nhận thức xã hội của mình tiếp tục mang đến những tác phẩm thật hay, hướng con người tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó chính là sự vinh danh xứng đáng cho nghệ sĩ.
Sân khấu đang cần hơi thở mới của thời đại
+ Trong bối cảnh sân khấu đang thiếu khán giả như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, bởi các vở diễn đang quá cũ trong cách thể hiện, những đạo diễn già không theo kịp đời sống. Là một đạo diễn trẻ, anh nghĩ gì về điều đó?
NSƯT Xuân Bắc: sân khấu phải mang hơi thở của thời đại |
- Tất cả các đạo diễn già không phải là không theo kịp thời đại. Nhưng thực sự sân khấu đang cần nhịp sống của thời đại mà các đạo diễn kỳ cựu bây giờ không đủ sức lực để làm. Sân khấu cũng như cuộc đời. Thể chất, kinh nghiệm có nhiều nhưng sân khấu cũng như cuộc sống hàng ngày nó chuyển mình từng giờ. Nếu bạn muốn điện thoại mới, xe mới, quần áo cần mốt mới, thậm chí cả nhà mới thì tại sao, với nghệ thuật sân khấu lại cũ? Bởi vậy, khán giả có nhu cầu mới là đúng!
Thế hệ đạo diễn trẻ như chúng tôi đang được kế thừa thế hệ trước những cái tốt, cái hay. Nhưng chúng tôi phải mới trong dàn dựng, mang hơi thở, nhịp đập của cuộc sống hiện đại vào. Sau này, các lứa đạo diễn sau tiếp tục chắt chiu, kế tục những yếu tố của sân khấu hôm nay. Đó chính là sự phát triển!
+ Nhìn một cách toàn cục, đội ngũ đạo diễn trẻ đã đảm nhiệm được “trọng trách” đổi mới, phát triển sân khấu hay chưa? Hay vẫn là “tre già nhưng măng chưa chịu mọc”?
- Tôi nghĩ là “sẽ”. Bởi vì không có cây tre nào mọc mãi được cả. Nếu cây tre nào cứ cố tình mọc mãi không theo quy luật thì lập tức cây măng sẽ mọc lên. Và bạn cứ để ý mà xem, nếu cây tre mọc thoáng lên thì sẽ có cây măng mọc cùng. Nhưng nếu cây tre cứ giữ im ở đó thì không chỉ một cây măng đâu mà 3, 4 cây măng sẽ cùng mọc lên.
Việc đạo diễn trẻ đáp ứng được yêu cầu của sân khấu hiện đại hay chưa thì tùy thuộc nhiều yếu tố, trong đó có các tác phẩm của họ. Không ai làm thay ai được. Nhưng tôi khẳng định bên Nhà hát Chèo, Nhà hát Cải lương, và cả Nhà hát Kịch Việt Nam, nhiều đạo diễn trẻ đã cống hiến và thành danh với nhiều tác phẩm hay!
Tuy nhiên, cần phải mở thêm những chương trình để lớp trẻ được thi thố, được nói lên tiếng nói của mình. Tiêu chí sân khấu dần dần sẽ được đánh giá khác đi.
+ Hơi thở thời đại của sân khấu theo anh, là tất cả các yếu tố như kịch bản, mỹ thuật sân khấu, diễn viên, đạo diễn…Vậy sân khấu cần thay đổi như thế nào, hiện đại ra sao để phù hợp với đời sống hiện đại?
- Chỉ có thể nói sơ, cuộc sống bây giờ nhanh, nên sân khấu phản ánh cũng phải nhanh. Sân khấu là cuộc đời được tổng hợp, chắt chiu, chọn lựa mang lên sân khấu. Phần nghe, nhìn, tạo cảm xúc phải hòa quyện đầy bất ngờ. Cả câu chuyện người nghệ sĩ kể, đôi khi đến phút cuối cùng khán giả mới hiểu nhưng phải dẫn dụ để khán giả ngồi theo dõi từ đầu đến cuối, đến cuối mới vỡ òa.
Nếu là tất yếu của quy luật phát triển thì phải là yếu tố “tất yếu”. Liên hoan sân khấu thử nghiệm vừa rồi, có những khán giả trầm trồ là các nước họ đưa nhiều điểm mới, cái này, đưa cái kia vào. Nhưng thực tế, sân khấu Việt Nam cũng đã làm cả chục năm rồi. Vấn đề là chưa có sự tiếp cận, quảng bá.
Tôi đi nước nào cũng xem sân khấu, đã đi hơn 40 nước rồi. Có những vở diễn mà tôi xem thấy “vô lý”. Ví dụ vở Hồ Thiên Nga, tôi xem ở Matxcova, vở diễn 4 tiếng 30 phút thì có 1 tiếng 30 phút không có liên quan gì đến vở diễn. Tôi có thắc mắc thì đạo diễn nói, đấy là chúng tôi khoe diễn viên của nhà hát tôi. Trong hơn 1 tiếng đó, họ đưa tất cả các trích đoạn các vở diễn nổi tiếng vào. Đó là bối cảnh liên hoan ở kinh thành trước khi đón công chúa về. Thế là mình thắc mắc thành ra mình ngớ ngẩn. Có thể, chúng ta chưa chấp nhận được những điểm như thế, vì vậy, phải xem mới cảm nhận được!
+ Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Hoàng Nguyên (thực hiện)